Trước kia, nghề nuôi ba ba giúp người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, nghề này dần mai một, rơi vào cảnh đìu hiu.
Ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Nghĩa Xá (xã Đại Đồng) hiện có 2 ao nuôi khoảng 700 con ba ba
Những năm 1991-1992, xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) đã nổi danh về phong trào nuôi ba ba. Đến năm 2000, toàn xã có trên 700 hộ nuôi ba ba với diện tích khoảng 45 ha. Ba ba trở thành con đặc sản giúp người dân ở đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, nghề nuôi ba ba ở Đại Đồng dần mai một, rơi vào cảnh đìu hiu.
Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Văn Túy, một trong số ít hộ còn nuôi ba ba ở xã Đại Đồng để tìm hiểu vì sao hàng trăm hộ dân ở đây lại bỏ nuôi con đặc sản này. Ông Túy cho biết, gia đình ông là một trong những hộ nuôi ba ba đầu tiên trong xã. Năm 1991, trên diện tích ao rộng gần 1 sào, ông thả 100 con ba ba đỏ (hay còn gọi là ba ba sông). Sau 3 năm nuôi, bình quân mỗi con nặng 3-4kg, bán được hàng trăm triệu đồng. Chi phí sản xuất thời điểm đó thấp, khoảng 5 nghìn đồng/con ba ba giống nên lãi rất cao. Ông đào thêm 2 ao nữa rộng khoảng 600 m2 để nuôi ba ba. Cùng với gia đình ông, hàng trăm hộ dân trong xã cũng nuôi ba ba và đều cho hiệu quả. Năm 1999-2000, nghề nuôi ba ba bắt đầu gặp khó khăn khi dịch bệnh xuất hiện nhiều, đặc biệt là bệnh vàng bụng, sâu mai đã khiến hầu hết các hộ không có thu, nhiều hộ mất trắng. Ông Túy cũng bị thiệt hại 60 triệu đồng. Đến năm 2001, nhiều hộ chuyển sang nuôi ba ba gai, còn lại đa phần phải bỏ nghề vì không có vốn đầu tư. Nguyên nhân là do giá con giống ba ba gai rất đắt, 1 chỉ vàng thời điểm đó mới mua được 4-5 con ba ba giống (250 nghìn đồng/con). Hiện nay, giá ba ba gai giống đã tăng lên 500 nghìn đồng/con, lúc cao nhất là 800 nghìn đồng/con; 1 cặp ba ba giống (ba ba đẻ) có giá 10-11 triệu đồng. Theo hạch toán, một sào mặt nước nuôi 200 con ba ba từ khi nhỏ đến khi thu hoạch phải mất bình quân 100 triệu đồng tiền giống và 75 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi. Chi phí sản xuất quá cao, trong khi vốn đầu tư hạn hẹp khiến các hộ bỏ nuôi ba ba chuyển sang nuôi cá hoặc làm nghề khác.
Hộ bà Tô Thị Tân ở thôn Neo Xá có hơn 3 sào ao. Những năm trước, gia đình bà thường nuôi khoảng 2.000 con ba ba/lứa. Hai năm nay, gia đình bà chỉ còn nuôi 200-300 con. Bà Tân cho hay: "Thiếu vốn là nguyên nhân chính dẫn đến việc chúng tôi bỏ nghề hoặc chỉ nuôi ba ba cầm chừng. Nhưng bên cạnh đó là do nạn trộm cắp ba ba diễn ra phổ biến. Năm 2010, gia đình tôi bị trộm quơ sạch 1 ao ba ba, thiệt hại trên 200 triệu đồng. Nhiều hộ khác nuôi ba ba cũng bị trộm bắt hết, trắng tay, không còn vốn liếng gì mà đầu tư nên phải bỏ nghề”. Theo nhiều chủ hộ nuôi ba ba ở Đại Đồng, trước đây do chưa nghiên cứu kỹ, hay chính xác hơn là chưa có kinh nghiệm về cách phòng, chữa dịch bệnh cho con ba ba nên khi ba ba bị vàng bụng, sâu mai và các bệnh khác, nhiều hộ thường bị động, không biết phải chữa thế nào. Nghĩ ba ba bị bệnh do nước bẩn nên xử lý bằng cách rắc thuốc khử khuẩn xuống ao nuôi để làm sạch nước, nhưng cuối cùng ba ba vẫn chết.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay xã Đại Đồng chỉ còn khoảng 35 hộ nuôi ba ba, hầu hết là quy mô nhỏ. Trong quá trình nuôi, các hộ đều phải tự nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên ba ba. Để chống lại nạn trộm ba ba, có hộ đã phải đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng tường rào, dây thép gai, đan tre, dựng cọc khắp ao nuôi. Ông Nguyễn Xuân Toa, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Từ năm 2002, xã đã có chủ trương đưa việc nuôi ba ba thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi ba ba cho người dân. Tuy nhiên việc hỗ trợ người dân trong chăn nuôi còn hạn chế. Hơn nữa, do dịch bệnh, giá giống tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn và nghề nuôi ba ba dần mai một.
Được biết, nuôi 1 lứa ba ba phải mất từ 3 - 4 năm mới cho thu hoạch, nhưng giá trị kinh tế mà nghề này đem lại thường rất cao. Theo tính toán của các hộ dân xã Đại Đồng, bình quân mỗi sào ao nuôi 200 con, sau khoảng 4 năm sẽ cho thu hoạch với sản lượng đạt bình quân 800 kg/sào. Với giá ba ba gai trên thị trường hiện nay khoảng 1 triệu đồng/kg, người nuôi sẽ thu 800 triệu đồng, trừ chi phí vẫn lãi hơn 600 triệu đồng/sào (khoảng 16,2 tỷ đồng/ha). Vào thời kỳ phát triển, nghề nuôi ba ba ở xã Đại Đồng đóng góp khoảng 20-25% tổng thu nhập của địa phương. Để nghề nuôi ba ba phục hồi, phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương đang là bài toán khó đối với xã Đại Đồng.
TIẾN MẠNH