Để có được sự thành công của ca khúc Tiến quân ca phải kể đến công lao chỉnh sửa, bổ sung và hòa âm, phối khí của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên.
Đã 66 năm nay, những giai điệu sôi nổi, hùng tráng, rất đỗi tự hào của bài Tiến quân ca (Quốc ca) đã rất đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để có được sự thành công của ca khúc này cần phải kể đến công lao chỉnh sửa, bổ sung và hòa âm, phối khí của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên - nguyên chỉ huy Đoàn Quân nhạc Việt Nam.
Khi Tiến quân ca được in trên báo Độc Lập (tháng 11-1944), rồi phổ biến rộng rãi, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã nhiều lần tập đánh bản nhạc này và phát hiện ra một số chỗ nhịp điệu chưa được hoàn chỉnh. Một ngày cuối tháng 8-1945, ông đến tìm gặp nhạc sĩ Văn Cao, xin tác giả Tiến quân ca cho phép sửa chữa 2 chỗ trong bản nhạc để ca khúc được hoàn hảo. Cụ thể là rút ngắn trường độ của nốt "Rê" đầu tiên (tương ứng với từ "Đoàn" trong câu "Đoàn quân Việt Nam đi...") và nốt "Mi" ở đoạn giữa (tương ứng với từ "xác" trong câu "Đường vinh quang xây xác quân thù") để làm cho giai điệu ca khúc thêm hùng tráng. Nhạc sĩ Văn Cao vui vẻ đồng ý, vì chính ông cũng đang băn khoăn về nhịp điệu của bài hát ở một vài chỗ.
Trong buổi lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời ngày 2-9-1945, khi lá cờ Tổ quốc từ từ kéo lên cùng lúc giai điệu bài Tiến quân ca của Văn Cao do dàn quân nhạc trình tấu vang lên hùng tráng, làm xúc động nghẹn ngào hàng vạn người. Và người chỉ huy dàn quân nhạc trình tấu bài Tiến quân ca cũng chính là nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên.
Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên (1911-1991) quê ở xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường (Nam Định), thuộc lớp nhạc sĩ đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông bị bắt đi lính khố xanh. Do có năng khiếu âm nhạc nên ông được làm lính kèn, rồi trở thành người chỉ huy đội lính kèn trong quân đội thực dân.
Ngày 20-8-1945, một bước ngoặt quan trọng đến với cuộc đời nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên khi tướng Vương Thừa Vũ (chỉ huy trưởng quân giải phóng) đã tìm gặp ông, nói rõ về đường lối, chủ trương, mục tiêu của cách mạng, về sự quan tâm và cần thiết của cách mạng đối với âm nhạc. Sau đó, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã vận động đội kèn trút bỏ sắc phục khố xanh để khoác lên mình bộ quân phục của quân đội cách mạng, thành lập Đoàn Quân nhạc Việt Nam.
Kể từ mùa thu lịch sử đó, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên có gần 40 năm liên tục là nhạc trưởng, chỉ huy Đoàn Quân nhạc Việt Nam. Ông vinh dự được phục vụ trong các ngày lễ trọng đại của dân tộc. Ngoài việc hòa âm, phối khí hàng trăm ca khúc cách mạng, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên còn sáng tác nhiều ca khúc phục vụ kháng chiến, trong đó đáng chú ý là các nhạc phẩm: Xuân chiến thắng, Hành khúc chiến thắng, Hành khúc tang lễ (bản nhạc trống vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh 1969)... Ông cũng có công lớn trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhạc công cho Đoàn Quân nhạc Việt Nam (ngày nay gọi là Đoàn Nghi lễ 781) phục vụ các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước.
Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì và được công nhận là Nghệ sĩ nhân dân (năm 1989). Những phần thưởng cao quý đó thật xứng đáng với công lao mà ông đã đóng góp cho cách mạng, cho nhân dân.
VĂN TRẦN