Định kỳ luân chuyển cán bộ “một cửa”: Mỗi nơi một kiểu

15/07/2020 11:07

Do tỉnh chưa ban hành quyết định cụ thể thực hiện Nghị định số 61 ngày 23.4.2018 của Chính phủ nên hiện một số bộ phận “một cửa” chưa thực hiện định kỳ luân chuyển cán bộ.


Bộ phận “một cửa” huyện Kim Thành sớm tham mưu, đề xuất việc lập danh sách, định kỳ cử cán bộ, công chức làm việc

"Không ít hơn 6 tháng và không nhiều hơn 24 tháng mỗi đợt" - đó là quy định về thời hạn làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến bộ phận “một cửa” cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định số 61 ngày 23.4.2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Nhưng đến nay chưa nhiều bộ phận “một cửa” (BPMC) trong tỉnh thực hiện được quy định này.

Nhiều năm chưa luân chuyển

Tháng 3.2020, sau 2 năm thực hiện theo Nghị định 61, huyện Kim Thành đã có 2 đợt luân chuyển định kỳ toàn bộ số công chức làm việc tại BPMC. Lần thứ nhất vào tháng 3.2019, UBND huyện quyết định phê duyệt danh sách công chức được cử đến làm việc tại BPMC của huyện, nêu rõ thời gian làm việc tại đây là 1 năm. Đầu tháng 3.2020, UBND huyện tiếp tục yêu cầu các phòng chuyên môn lập danh sách, cử người luân phiên ra làm việc tại BPMC. Cán bộ được chọn cử phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định, có ít nhất 3 năm công tác trong ngành, lĩnh vực được phân công…

Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, Trưởng BPMC huyện Kim Thành Lê Thị Thùy Vân cho biết, việc chủ động tham mưu thực hiện định kỳ luân chuyển công chức là để tạo công bằng, tạo tâm lý thoải mái cho cán bộ, công chức đến làm việc tại BPMC. Mốc thời gian định kỳ 1 năm cũng là để công chức xác định rõ đây là nhiệm vụ luân phiên, tránh tâm lý hoàn thành nghĩa vụ vì đã luân chuyển. Hiện không có nhiều BPMC thực hiện được việc luân chuyển cán bộ, công chức định kỳ như ở Kim Thành. Có huyện nhiều năm chưa thực hiện luân chuyển công chức một số phòng, lĩnh vực tiếp xúc nhiều với nhân dân, tiếp nhận nhiều hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC. Công chức một phòng lao động, thương binh và xã hội cấp huyện cho biết đã làm nhiệm vụ tại BPMC tới 4 năm nên có lúc chán nản vì công việc nhiều và chưa rõ thời hạn bao lâu. Đa số công chức các phòng chuyên môn cấp huyện vừa phải làm việc tại BPMC, vừa phải đảm nhiệm các việc chuyên môn khác của phòng nên khá vất vả.

Theo ông Vũ Hồng Hải, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND, Trưởng BPMC thị xã Kinh Môn thì việc luân chuyển đang gặp khó khăn do ở cấp huyện nhiều phòng có ít cán bộ, công chức. Một số phòng thiếu người nên trưởng phòng, phó trưởng phòng cũng phải ra làm việc tại BPMC. Để giảm áp lực do thiếu công chức, bộ phận bố trí lịch trực luân phiên và để trống 1 ô tiếp nhận. Khi có người dân, tổ chức liên hệ giải quyết TTHC lĩnh vực nào thì cán bộ bộ phận sẽ liên hệ ngay cho phòng chuyên môn liên quan tiếp nhận. 

Sau hơn 1 năm cử cán bộ, công chức đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, một số sở, ngành cũng đã thực hiện việc luân chuyển công chức, nhưng chủ yếu để đáp ứng yêu cầu công việc chứ chưa thành nền nếp định kỳ.

Cần quy định thống nhất

Việc tiếp xúc hằng ngày với nhân dân, trực tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC là việc khó, dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Trong tỉnh đã có công chức bị phê bình, yêu cầu cơ quan quản lý xử lý vi phạm khi có biểu hiện trục lợi, tiếp nhận và giải quyết TTHC không đúng trình tự. Định kỳ luân chuyển công chức tại các BPMC cũng là để ngăn chặn tình trạng cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Đây là cơ hội để cán bộ, công chức các cơ quan, bộ phận chuyên môn rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, trình độ trong tiếp nhận, giải quyết các TTHC. 

Nghị định 61 chỉ đặt ra quy định về thời hạn làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến BPMC ở cấp tỉnh, cấp huyện vì ở cấp xã việc luân chuyển cán bộ, công chức khó khăn do số lượng ít, khối lượng công việc không nhiều. Theo đó, ở cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thời hạn thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến BPMC cấp tỉnh, cấp huyện không ít hơn 6 tháng và không nhiều hơn 24 tháng mỗi đợt. Nghị định cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý công chức trong việc cử  cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại các BPMC.

Việc chưa thực hiện luân chuyển định kỳ hoặc mỗi nơi thực hiện một kiểu tại các BPMC đang được lý giải là do tỉnh chưa ban hành quyết định về nội dung này. Vì vậy, tỉnh nên sớm ban hành quyết định về thời hạn thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến BPMC các cấp để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh.

LINH AN

(0) Bình luận
Định kỳ luân chuyển cán bộ “một cửa”: Mỗi nơi một kiểu