Định kiến sinh viên mới ra trường ảo tưởng khi đòi lương 7 triệu đồng

10/05/2022 06:22

"Bây giờ, phần lớn sinh viên năng động, mức lương 7 triệu đồng/tháng còn thấp. Công ty tôi đang làm việc sẵn sàng trả 11-12 triệu đồng cho cử nhân mới ra trường", H.H. cho hay.

Tám năm trước, cũng ở khoảng thời gian này, H.H., lúc đó đang là sinh viên năm cuối Học viện Tài chính (Hà Nội), bắt đầu hành trình tìm việc. Với vốn kiến thức chuyên môn tốt, trải qua thời kỳ thực tập, lại có thêm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, cô đặt mục tiêu lương khởi điểm cho mình tối thiểu 9 triệu đồng/tháng.

“Ngày đó, nhiều người cho rằng tôi ‘ảo tưởng’, đòi hỏi cao. Một số nơi không tuyển tôi vì mức lương tôi đưa ra. Nhưng tôi vẫn kiên trì. Lương không chỉ quan trọng ở số tiền mình nhận được mà còn là mức để mình có động lực làm việc, phấn đấu”, H.H. (30 tuổi) chia sẻ.

Bích Thảo cho rằng không thể nói kỳ vọng nhận lương khởi điểm 7 triệu đồng là ảo tưởng

Bảy triệu đồng/tháng không phải là ảo tưởng

H.H. tin tưởng sinh viên ngày càng năng động, có lộ trình, bắt đầu tích lũy kinh nghiệm từ sớm. Lúc mới ra trường, tân cử nhân hoàn toàn có thể kỳ vọng mức lương cao hơn, không chỉ dừng lại ở con số 7 triệu đồng.

Công ty cô hiện tại sẵn sàng trả mức lương 11-12 triệu đồng cho sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm. Những người chứng minh được năng lực có thể đàm phán để có mức lương cao hơn, không giới hạn theo định kiến người mới vào nghề chỉ nên yêu cầu thu nhập thấp.

Tương tự, Hạnh Dung (26 tuổi, cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng không thể nói mong muốn lương 7 triệu đồng là ảo tưởng. Cô bắt đầu đi làm từ 3,5 năm trước với lương khởi điểm gần 9 triệu đồng/tháng.

Từ quan sát của cô, 7 triệu đồng là con cơ bản, dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Người mới nhưng kiến thức, kỹ năng tốt hoàn toàn có thể yêu cầu mức cao hơn.

Lan Hương, sinh viên năm 2, ĐH Thương mại, nhìn nhận 7 triệu đồng là mức lương không thấp. Song cô kỳ vọng mức cao hơn ở thời điểm bắt đầu đi làm. Nữ sinh tin tưởng phần lớn doanh nghiệp vẫn sẵn sàng trả lương cao cho tân cử nhân chỉ cần họ có năng lực tốt.

“Hiện tại, em đã bắt đầu làm thêm, thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Vì thế, sau khi hoàn thành 4 năm học, em kỳ vọng mức cao hơn chứ không phải 7 triệu đồng”, Lan Hương chia sẻ.

Cùng quan điểm, Việt Minh, sinh viên năm nhất, ĐH Mở Hà Nội, đánh giá 7 triệu đồng/tháng là mức lương bình thường, không cao đến mức người mới đi làm mong muốn con số này bị coi là “ảo tưởng” như nhiều ý kiến trên mạng đánh giá.

Bích Thảo, sinh viên năm hai, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng nhìn nhận tương tự. Với cô, 7 triệu đồng không thể bị coi là ảo tưởng của sinh viên mới ra trường. Nhiều người vẫn đặt kỳ vọng cao hơn nếu cảm thấy mình xứng đáng.

Trong khi đó, Phạm Thị Ánh, sinh viên năm ba, ĐH Thương mại, cho rằng ý kiến sinh viên mới ra trường đòi lương 7 triệu đồng/tháng là ảo tưởng chỉ đúng khi áp dụng với những người không chịu học hỏi, tích lũy kiến thức.

“Từ năm ba, em đi thực tập, năm sau, em cũng thực tập. Em tự nhận mình đã có một phần kinh nghiệm để bắt đầu công việc mới. Các công ty đã sẵn sàng trả 4-5 triệu đồng/tháng cho thực tập sinh. Tại sao sau 4 năm học và tích lũy kinh nghiệm, tân cử nhân mong muốn lương 7 triệu đồng lại là ảo tưởng?”, Ánh băn khoăn.

Phạm Thị Ánh (trái) và Lan Hương đi làm để tích lũy kinh nghiệm, rèn kỹ năng từ khi còn học đại học

Tích lũy kinh nghiệm để có khởi điểm cao

Mỗi người có quan điểm riêng về mức lương sau khi ra trường. Bích Thảo cảm thấy 7 triệu đồng là con số có thể chấp nhận. Việt Minh dự định du học nhưng vẫn cố gắng tìm kiếm công việc từ năm nhất để trong trường hợp đi làm sau ra trường, cô có thể đạt lương khởi điểm 7-10 triệu đồng.

Phạm Ánh, Lan Hương kỳ vọng mức cao hơn. Với cựu sinh viên như H.H. hay Hạnh Dung, từ đầu, họ đã đặt mục tiêu vượt hẳn con số 7 triệu đồng dù ở thời điểm đó, chi phí sinh hoạt không cao như bây giờ.

Dù kỳ vọng mức lương nào, họ đều tin tưởng việc mặc định sinh viên ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm là cái nhìn hạn hẹp.

Hồi còn đi học, H.H. cũng cố gắng tích lũy kinh nghiệm từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Tương tự, Hạnh Dung làm thực tập sinh, làm thêm theo đúng lĩnh vực mình định theo đuổi từ khi chưa tốt nghiệp. Hai người đều ra trường với kỹ năng làm việc văn phòng, xử lý công việc chuyên môn chứ không bắt đầu từ con số không.

“Em từng làm nhiều chỗ trước khi ra trường. Nhưng đó là câu chuyện của 3,5 năm trước. Hiện tại, các bạn Gen Z còn năng động, làm việc và kiếm thu nhập tốt hơn. Tốt nghiệp, họ có thể yêu cầu mức lương cao”, Dung nói.

Đó chính xác là những gì Bích Thảo, Việt Minh, Phạm Ánh, Lan Hương đang nỗ lực. Bích Thảo hiện làm trợ giảng ở trung tâm ngoại ngữ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Công việc giúp cô trau dồi kỹ năng mềm, tiếng Anh.

Sang năm ba, Thảo sẽ xin thực tập, làm việc đúng ngành học nhằm có trải nghiệm, kinh nghiệm và làm CV của mình ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

Nữ sinh cũng xác định trước có thể chấp nhận mức lương không cao ở thời điểm bắt đầu miễn là có môi trường học hỏi, phát triển và có thu nhập cao hơn về sau.

Sắp tới, Việt Minh sẽ trải qua 4 tháng thực tập. Cô cho biết ĐH Mở Hà Nội có chương trình cho sinh viên thực tập vào mùa hè, bắt đầu từ năm nhất. Cô đã tìm được nơi phù hợp với định hướng của bản thân. Cô tin tưởng đây là cơ hội tốt, tạo tiền đề để ra trường, cô có thể nhận mức lương cao.

Tương tự, Phạm Thị Ánh, Lan Hương bắt đầu đi làm từ sớm, học hỏi thêm kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ để không rơi vào tình cảnh “sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm, không được đòi hỏi lương cao” như một số người mặc định.

“Trường quy định cần có TOEIC 450 hoặc IELTS 4.5 trở lên mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Em nghĩ nếu cố gắng, em sẽ không dừng lại ở mức đó. Hơn nữa, em khởi động học ngoại ngữ, rèn luyện từ năm nhất, không để đến năm ba, năm cuối mới học dồn dập. Học như vậy không hiệu quả”, Lan Hương nói thêm.

Liên quan đến lương cho người mới vào nghề, H.H. còn cho rằng cô quan sát mạng xã hội, thấy nhiều người vẫn giữ định kiến sinh viên ra trường không xứng được đòi hỏi lương. Thậm chí, một số người đi làm nhiều năm, lương vẫn chỉ 5-7 triệu đồng nên mặc định người mới bắt đầu không có quyền đòi hỏi lương cao.

Trong khi đó, từ 8 năm trước, cô đưa ra mức lương 9 triệu đồng/tháng vẫn không quá khó khăn để tìm việc phù hợp. Sau 8 năm, H.H. kiếm mức lương tốt và rèn thói quen không ngừng học hỏi.

Cô nghĩ nếu ban đầu, cô chán nản, chấp nhận công việc lương thấp chỉ để không bị thất nghiệp, cô sẽ dễ hài lòng với công việc đó và không có ngày hôm nay.

“Mức lương cao đồng nghĩa yêu cầu trong công việc cũng cao. Đó là động lực để tôi chăm chỉ làm việc, chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp và nguồn bên ngoài. Tôi nghĩ cả sinh viên lẫn doanh nghiệp không nên bị giới hạn bởi những định kiến như người mới không có kinh nghiệm hay tân cử nhân không có quyền yêu cầu mức lương cao, xứng đáng với họ”, H. chia sẻ.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định kiến sinh viên mới ra trường ảo tưởng khi đòi lương 7 triệu đồng