Trung tuần tháng 3 vừa qua, học sinh Trường THPT Nam Sách II được giao lưu với diễn giả Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh.
Học sinh Trường THPT Nam Sách II tham gia giao lưu với diễn giả của Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh về lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai
Tại buổi giao lưu, diễn giả Huỳnh Anh Bình đã đưa ra nhiều minh chứng cho việc không chọn đúng nghề nghiệp ngay từ khi tốt nghiệp THPT sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Vì thế, mỗi học sinh phải tự biết năng lực của mình để lựa chọn trường học cho phù hợp. Bạn Lương Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 12D, Trường THPT Nam Sách II cho biết: "Bố mẹ em làm kinh doanh nên định hướng cho em thi vào các trường kinh tế để sau này kế nghiệp. Nhưng sau khi nghe diễn giả nói chuyện, em quyết định đi theo đúng sở thích, đam mê của mình. Em sẽ đăng ký hồ sơ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền để sau này được làm phóng viên".
Thực tế, nhiều học sinh bị phụ huynh ép buộc phải thi vào trường theo nguyện vọng... của bố mẹ. Nhiều em phải từ bỏ sở thích để làm theo nhưng sau khi ra trường không được làm nghề mình thích nên hiệu quả công việc không cao.
Để học sinh chọn nghề đúng với sở trường và năng lực của mình, nhiều năm gần đây các trường THPT đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp giúp các em đăng ký vào những trường phù hợp. Thầy giáo Trần Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách II cho biết trước mùa tuyển sinh, nhà trường thành lập Ban tư vấn thi THPT quốc gia gồm 5 thầy, cô giáo vừa hướng dẫn học sinh làm hồ sơ vừa tư vấn nghề nghiệp cho từng em. 5 định hướng được các thầy cô trong trường tư vấn cho các em gồm: học đại học, cao đẳng; học nghề; du học, lao động nước ngoài; làm công ty trong nước; làm việc tại gia đình. Nhà trường còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Tỉnh đoàn), các trường đại học, cao đẳng để tư vấn nghề nghiệp cho các em vào tháng 3 hằng năm. Trường THPT Nam Sách II tổ chức riêng những buổi tư vấn nghề nghiệp cho phụ huynh học sinh, thông báo lực học của các em để phụ huynh hiểu và định hướng nghề phù hợp với năng lực của con. Bình quân mỗi năm trường có khoảng 30% số học sinh thi đại học, cao đẳng; 20% số học sinh theo học các trường nghề; số còn lại đi du học, làm công nhân và kinh doanh tại nhà. Sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết các em phản hồi lại đã chọn đúng nghề mình thích và tỏ ra hứng thú với môi trường học tập, lao động mới. Bạn Đoàn Việt Anh là cựu học sinh Trường THPT Nam Sách II, hiện đang theo học ngành du lịch ở Hà Nội cho biết: "Chọn ngành du lịch đúng mong muốn, tôi được đi nhiều nơi. Ngoài học tập, tôi đã bắt đầu nhận làm hướng dẫn viên cho các tour du lịch để có thêm kinh nghiệm, cơ hội việc làm sau khi ra trường".
Ở nhiều trường THPT, hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp được triển khai khá sớm, ngay từ khi các em bước chân vào trường. Một số trường ngay từ khi các em vào lớp 10, nhà trường đã có nhiều hoạt động tư vấn, định hướng nghề cho các em lồng ghép vào buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chuyên đề; phối hợp với một số công ty như Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso, Công ty TNHH May Tinh Lợi (Nam Sách)... để đưa học sinh đến đó trải nghiệm "một ngày làm công nhân". Ở đó, các em được làm công việc của những công nhân bình thường, ăn, ngủ tại công ty và được nghe giới thiệu về thế mạnh của doanh nghiệp, giúp những em có học lực trung bình có thể lựa chọn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
Làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp ngay từ sớm là một cách giúp học sinh đưa ra lựa chọn đúng đắn cho bản thân, hạn chế tình trạng thất nghiệp hoặc học một nơi, làm một nẻo sau khi ra trường.
MINH NGUYỆT