Điều tiết hàng hóa theo tình huống

07/02/2021 14:03

Nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch quản lý cung ứng lưu thông hàng hóa với các tình huống cụ thể.


 Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch Quản lý cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và trong dịp Tết Nguyên đán theo từng trường hợp cụ thể

Sở Công thương được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch quản lý cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 và trong dịp Tết Tân Sửu, đặc biệt là tại các địa phương, khu vực bị phong tỏa, cách ly. 

Nguyên tắc “4 tại chỗ”

Sở Công thương đã xây dựng phương án quản lý, điều tiết lưu thông hàng hóa theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, phát huy tối đa năng lực cung ứng hàng hóa tại các địa phương. Khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hàng đã có tại các địa phương. Trường hợp các đầu mối cung ứng hàng hoá tại địa phương không có hoặc không đủ số lượng thì liên hệ đặt hàng với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thương nhân đầu mối thu mua hàng hóa để mua hàng. Tổ "Covid-19 cộng đồng" tại các địa phương hỗ trợ nhận đơn hàng của người dân tại khu vực bị cách ly, phong tỏa để đặt hàng. Việc giao nhận hàng hóa phải bảo đảm các quy định về an toàn phòng chống dịch...

Đối với địa phương bị phong tỏa, Sở công thương đề nghị lãnh đạo các địa phương, sở, ngành có liên quan chỉ đạo các gia đình cần tiếp tục chủ động nguồn lương thực. Thực hiện trồng các loại rau ngắn ngày, nuôi các loại gia súc, gia cầm thương phẩm có thời gian nuôi ngắn để cung cấp tại chỗ. Đối với nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, đề nghị các địa phương chỉ đạo các chốt, trạm kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân được vận chuyển, cung cấp vào địa phương trên cơ sở bảo đảm các quy định về phòng chống dịch.

Đối với nhóm hàng hóa khác, nếu không bị sức ép về hạn sử dụng thì tuyên truyền, vận động lùi thời hạn giao hàng. Riêng các sản phẩm xuất khẩu theo đơn hàng thì đề nghị tạo điều kiện cho phép lưu thông nhưng phải áp dụng các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu.

Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất

Đối với các làng, xã, cụm dân cư bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, chỉ cho phép đưa các hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị phòng dịch vào để phục vụ nhu cầu chống dịch và tiêu dùng hằng ngày của nhân dân. Các chốt kiểm soát sẽ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận nhu cầu mua hàng của nhân dân để chuyển đến các cơ sở cung ứng do UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện cho phép.

Các địa phương khác cần chủ động nắm chắc tình hình thực tiễn sản xuất, thống kê, rà soát quy mô từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để bảo đảm sẵn sàng nguồn cung lương thực thực phẩm tại chỗ khi phát sinh tình huống xấu. Tổ chức liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau trong cùng một thôn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi để có thể hỗ trợ duy trì sản xuất trong trường hợp hộ có người mắc bệnh phải cách ly lâu dài.

Kết nối cung – cầu

Trường hợp cân đối hàng hóa tại chỗ gặp khó khăn, UBND cấp huyện nắm bắt nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân, thông tin kịp thời về Sở Công thương để sở kết nối với các siêu thị, đơn vị cung ứng lớn đã ký cam kết vận chuyển giao hàng đến địa bàn có nhu cầu.

Trường hợp phát sinh tình huống xấu (nhân viên hoặc người đến mua hàng tại các đơn vị phân phối lớn bị mắc Covid-19) thì sau khi thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết, UBND cấp huyện báo cáo Sở Công thương để xem xét, cho phép đơn vị kinh doanh đưa người quản lý, nhân viên từ nơi khác vào tiếp quản lại cơ sở vật chất để tiếp tục duy trì hoạt động, kịp thời cung ứng hàng hóa khi có yêu cầu...

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều tiết hàng hóa theo tình huống