Điều người mua nhà ở xã hội thực sự cần

17/04/2023 10:30

“Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ” là cụm từ "hot" thời gian qua, cả trên báo chí lẫn những kênh mạng xã hội.

Xét về nhu cầu, bất kỳ ai trong nhóm đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội đều mong muốn có cơ hội được sở hữu một căn nhà, thoát khỏi tình cảnh tạm bợ trong những khu nhà trọ nghèo hay những mái nhà đã tồi tàn, xuống cấp. Nhưng muốn sở hữu thì phải có tiền. Không đủ tiền “cả cục” thì phải đi vay, phải trả lãi, cũng phải cần tiền.

Ngày 1.4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương nhằm triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ để giải ngân gói 120.000 tỷ đồng nói trên. Thời gian ưu đãi đối với người mua nhà ở xã hội là 5 năm. Nhóm 4 ngân hàng lớn (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank) đóng vai trò chủ lực triển khai gói tín dụng này. 

Nội dung quan trọng nhất mà người dân quan tâm đó là lãi suất. Người mua nhà được hưởng lãi suất ưu đãi 8,2%/năm, từ nay đến hết ngày 30.6.2023. Kể từ ngày 1.7.2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi theo định kỳ 6 tháng một lần, trên nguyên tắc thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay các khoản trung, dài hạn bình quân của 4 ngân hàng trên.

Giả sử giá một căn nhà ở xã hội 1 tỷ đồng, người mua nhà được vay tối đa 80% trị giá, tức là 800 triệu đồng. Tính riêng tiền lãi 8,2%/năm như nêu trên, mỗi tháng người mua nhà sẽ phải trả gần 6 triệu đồng, chưa kể tiền gốc. Nói chung mỗi tháng người mua nhà ở xã hội vay theo gói 120.000 tỷ đồng sẽ phải trả trên dưới chục triệu đồng cả gốc cả lãi. Tiền lương công nhân, người có thu nhập thấp trung bình mỗi tháng cũng chỉ khoảng chừng ấy hoặc ít hơn. Nếu cứ cố để mua một căn nhà ở xã hội thì lấy đâu ra tiền cho các khoản sinh hoạt thường ngày, chưa kể lúc ốm đau, sự cố...

Mức lãi suất 8,2%/năm nói trên lại chỉ kéo dài đến hết quý II năm nay, sau đó sẽ có điều chỉnh. Và sau 5 năm ưu đãi, ngân hàng thương mại cho vay và khách hàng vay sẽ tự thỏa thuận, thống nhất mức lãi suất. Lúc ấy lãi suất có “trên trời” thì người mua nhà cũng phải chịu. Quá rủi ro, nhất là với nhóm người thu nhập thấp.

Nói chuyện với một số người dân nghèo ở Hải Dương, từ ánh mắt mong chờ, trông ngóng khi có gói tín dụng hỗ trợ, rất nhanh sau đó là hụt hẫng, tiếc nuối khi nhắc đến lãi suất. Sự thay đổi tâm lý ấy phản ánh một điều, có vẻ như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này chưa thực sự sát thực tế. Cảm giác chỉ đang tạo nên luồng gió mới trên lý thuyết vậy. Nếu không có sự điều chỉnh, nhiều khả năng gói tín dụng này khó đạt hiệu quả, giống như tình cảnh của gói hỗ trợ 2% lãi suất từng được nhiều báo, đài đề cập.

Nhắc đến gói hỗ trợ 2% lãi suất mới thấy, thực tế triển khai không như kỳ vọng. Chỉ còn vài tháng nữa là gói này hết thời gian thực hiện. Nên chăng tìm phương án chuyển nguồn gói này, nhập vào gói 120.000 tỷ đồng. Vừa có thêm nguồn lực hỗ trợ nhà ở xã hội, vừa có điều kiện giảm lãi suất cho người đi vay. Lãi suất thấp hơn nữa, cố định, trong thời gian dài hơn 5 năm là điều người nghèo mong mỏi. Chương trình cho vay bằng nguồn tín dụng chính sách từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội thì lãi rất thấp, như hiện nay là 4,8%/năm, nhưng giới hạn khoản tiền được vay cũng thấp, chỉ tối đa 500 triệu đồng. Giá như có phương án hài hòa những gói tín dụng này thì tốt hơn.

Kế đến, khi lãi suất được ưu đãi, thủ tục để người dân đủ điều kiện vay vốn cũng cần thông thoáng. Họ là người nghèo đi vay vốn, đừng bắt họ phải qua các “cửa ải” giống như người giàu đi vay vốn. Cơ quan chức năng cần tính toán, tránh để trục lợi chính sách, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “cò” thủ tục. 

Người dân nghèo cả nước, không riêng Hải Dương đều mong mỏi có cơ hội được an cư, sống trong một căn nhà đủ tử tế để yên tâm làm lụng, trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Nhưng nếu không có sự điều chỉnh, gói 120.000 tỷ đồng e rằng khó hiệu quả. Và nhà ở xã hội vẫn chỉ là giấc mơ.

Theo Luật Nhà ở năm 2014 có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó ưu tiên những đối tượng sau:

- Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

Ngoài những đối tượng nêu trên thì các đối tượng sau cũng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, gồm: 

- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở…

SONG TƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều người mua nhà ở xã hội thực sự cần