Để thành lập mới thôn, tổ dân phố cần đáp ứng các quy định về quy mô hộ gia đình và các điều kiện khác.
Hỏi: Điều kiện thành lập thôn mới, khu dân cư, tổ dân phố mới được quy định thế nào?
Trả lời: Theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29.12.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31.8.2012 của Bộ trưởng Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, điều 7 quy định điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Quy mô số hộ gia đình:
- Đối với thôn: Ở vùng đồng bằng miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên phải có từ 400 hộ gia đình trở lên; khu vực miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, hải đảo có từ 200 hộ gia đình trở lên;
- Đối với tổ dân phố: ở vùng đồng bằng phải có từ 500 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, hải đảo phải có từ 300 hộ gia đình trở lên.
b) Các điều kiện khác:
Thôn và tổ dân phố cần có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân.
Đối với trường hợp đặc thù:
a) Ở khu vực biên giới, ở đảo biệt lập trên biển cách xa đất liền, do việc di dân hình thành các cụm dân cư mới để bảo vệ đường biên giới, đòi hỏi phải thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì điều kiện và quy mô số hộ gia đình có thể thấp hơn quy định chung nêu trên.
b) Đối với thôn, tổ dân phố đã hình thành từ lâu do xâm canh, xâm cư hoặc di dân tự do (nếu có) cần thiết phải chuyển giao quản lý giữa các đơn vị hành chính cấp xã để thuận tiện trong hoạt động và sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà không làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp xã thì điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ được thực hiện theo quy định như đối với việc thành lập mới và giải thể thôn, tổ dân phố; nếu không đủ quy mô quy định tại thông tư này thì thực hiện việc ghép cụm dân cư theo quy định tại điều 9 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày31.8.2012 nêu trên của Bộ trưởng Nội vụ.
Hỏi: Việc sáp nhập, giải thể và phân loại thôn, tổ dân phố được quy định thế nào?
Trả lời: Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29.12.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31.8.2012 của Bộ trưởng Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố bổ sung điều 7a sau điều 7 quy định về điều kiện nhập, giải thể và phân loại thôn, tổ dân phố như sau: Tổ chức thực hiện việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới theo đúng điều kiện quy định tại khoản 3 điều 1 thông tư này. Đồng thời, việc sáp nhập cần bảo đảm các yếu tố khác, như: Không làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp xã; các thôn, tổ dân phố thực hiện sáp nhập có vị trí liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt phức tạp, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân; được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của các thôn, tổ dân phố liên quan nhất trí, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý dân cư của chính quyền cơ sở và hoạt động của thôn mới, tổ dân phố mới. Hình thức lấy ý kiến của cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được thực hiện theo quy định tại điều 14 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20.4.2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI.
Trường hợp giải thể thôn, tổ dân phố để giải phóng mặt bằng hoặc do sắp xếp, ổn định dân cư và các trường hợp khác được cấp có thẩm quyền quyết định thì việc di dân, bố trí dân cư và giải quyết các vấn đề liên quan khác được thực hiện theo phương án bồi thường, tái định cư của Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất hoặc Đề án sắp xếp, ổn định dân cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hỏi: Việc đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố được quy định thế nào?
Trả lời: Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29.12.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31.8.2012 của Bộ trưởng Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố quy định, việc đặt tên thôn, tổ dân phố được thực hiện trong quy trình lập hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới.
Theo đó, việc đổi tên thôn, tổ dân phố thực hiện theo các bước như sau:
- UBND cấp xã lập hồ sơ gồm: Tờ trình và phương án đổi tên thôn, tổ dân phố; lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố về phương án đổi tên thôn, tổ dân phố theo quy định tại điều 14 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20.4.2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI;
- UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp thông qua phương án đổi tên thôn, tổ dân phố; trên cơ sở đó, trình UBND cấp huyện;
- UBND cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ đổi tên thôn, tổ dân phố do UBND cấp xã chuyển đến; lập tờ trình kèm theo hồ sơ gửi Sở Nội vụ thẩm định và trình UBND cấp tỉnh xem xét để trình HĐND cấp tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 2 điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19.6.2015 của Quốc hội khóa XIII.
Theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ