Tình cảm của người bệnh đã mang lại những điều hạnh phúc giản dị đối với người thầy thuốc.
Bác sĩ Thành tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng. Đó là thói quen hiếm khi thay đổi, dù ông có trực hay không trực. Ông vươn vai, vận động nhẹ nhàng trên giường cho mạch máu lưu thông, cho xương cốt kêu răng rắc, đầu óc tỉnh táo rồi mới đặt chân xuống đất. Ông đã viết một bài khá chi tiết về các biện pháp phòng chống đột quỵ, chia sẻ trên mạng xã hội. Ông còn đang ấp ủ viết một cuốn sách, tập hợp những kiến thức y học mà ông tích lũy được bằng trải nghiệm của mình hơn ba mươi năm qua. Nhất định khi nào có thời gian, ông sẽ bắt tay vào thực hiện kế hoạch đó.
Ông với tay lên nóc tủ tìm chiếc hộp đựng kính lão. Bất chợt, ông cảm thấy đầu mình hơi choáng váng, mắt hoa lên. Có lẽ vì đêm qua ông ngủ muộn. Gần 12 giờ đêm, Khoa Nhi tiếp nhận một ca cấp cứu. Ông vừa chợp mắt thì y tá Hoa gõ cửa, giục giã:
- Bác sĩ Thành ơi! Bác sĩ Thành! Bác sĩ dậy đi! Cấp cứu! Cấp cứu! - nghe tiếng gọi thất thanh, ông mở choàng mắt, khoác vội lên người chiếc áo blouse trắng, đeo khẩu trang và kính lão, chạy theo y tá Hoa sang phòng khám. Thằng bé sốt cao, cặp nhiệt độ lên tới 39 độ C. Nó bị co giật chân tay, mắt nhìn ngược, dại đờ. Nếu không hạ sốt nhanh thì trẻ rất dễ bị viêm màng não. Người mẹ hốt hoảng, vừa khóc vừa cầu cứu:
- Bác sĩ ơi! Bác sĩ cứu con cháu với! Tại cháu… tại cháu - người chị rung lên từng chập, nức nở. Nước mắt chị đã thấm ướt loang lổ chiếc khẩu trang vải chị đang đeo.
Bác sĩ Thành ôn tồn trấn an chị:
- Chị bình tĩnh xem nào! Đừng cuống lên như thế. Chị ra ngoài kia chờ nhé! Con chị sẽ ổn thôi! - ông quay sang cô y tá trẻ: - Cháu lấy cho chị ấy cái khẩu trang y tế. Khẩu trang của chị ấy ướt hết rồi.
Người mẹ nén lại tiếng nấc, giọng nghẹn ngào:
- Vâng!… Vâng! Cháu xin bác sĩ… cứu con cháu.
Bác sĩ Thành nới bớt quần áo trên người đứa trẻ, đút một viên hạ sốt vào hậu môn của nó và tiêm một mũi trợ lực. Mồ hôi ông rịn ra lấm tấm trên trán. Thằng bé đã hết co giật. Ông thở phào nhẹ nhõm, gọi người mẹ đang bồn chồn đi đi lại lại ở cửa phòng cấp cứu:
- Con chị đỡ rồi! Chị vào với con đi!
Thằng bé năm tuổi nhưng thể trạng bé nhỏ, chỉ như đứa trẻ lên ba. Nó ngủ thiếp đi ngon lành trong vòng tay người mẹ. Khi y tá và hộ lý ra khỏi phòng, chỉ còn lại ông bác sĩ già thì chị mới ngập ngừng:
- Thưa bác sĩ! Con cháu… bị lây ốm từ cháu. Cháu bị ho, đau họng và sốt.
Ông Thành giật mình, nghĩ đến virus Corona đang hoành hành ở Vũ Hán (Trung Quốc), bèn hỏi dồn:
- Chị bị lâu chưa? Chị làm gì? Ở đâu?
- Cháu bị ba ngày nay rồi. Cháu làm công nhân may. Cháu nghĩ mình hắt hơi sổ mũi như mọi lần thôi nên không đi khám. Không ngờ cháu lây cho con cháu. Thằng bé bị tự kỷ, không nói được, bác sĩ ạ. Tại cháu… tại cháu… Cháu sợ bị nhiễm virus Corona lắm - chị lại nấc lên.
Ông Thành trầm ngâm giây lát rồi quyết định:
- Tôi hỏi thật nhé, thời gian qua chị có tiếp xúc với người nghi nhiễm virus Corona không? Chị có sang Vũ Hán không?
- Dạ! Cháu không! Cháu chỉ đến công ty rồi về nhà. Công ty cháu toàn người Việt.
- Thế thì chị không phải lo. Chỉ riêng việc chị sợ hãi cũng khiến virus nó dễ tấn công đấy. Bây giờ chị bế thằng bé đi theo tôi sang phòng cách ly nhé. Ngày mai sẽ gửi mẫu xét nghiệm cho mẹ con chị.
Ông kiểm tra lại thân nhiệt của thằng bé, thấy nó đã giảm sốt thì thở phào một lần nữa. Ông đưa chiếc cặp nhiệt độ cho chị, hướng dẫn chị tự kiểm tra thân nhiệt của hai mẹ con, nếu bất thường thì tìm gặp ông ở phòng B2.
Trở về phòng, bác sĩ Thành nằm trằn trọc hồi lâu mới chìm vào giấc ngủ mệt nhọc. Lúc ấy có lẽ cũng phải một giờ đêm. Một đêm ông ngủ chưa đầy bốn tiếng đồng hồ, thảo nào bây giờ ông bị hoa mắt, chóng mặt. Ông khoác chiếc áo phao vào người để giữ ấm rồi ra khuôn viên bệnh viện tập những động tác dưỡng sinh, chạy vài vòng thì trời tang tảng rồi sáng dần. Ông phát hiện mấy cụm hoa hồng đang chuẩn bị bung nở màu đỏ. Niềm vui của ông là sáng sáng được tập thể dục, ngắm hoa nở và thưởng thức một tách cà phê hay tách trà nóng ở vườn nhà do chính tay vợ ông pha. Bà ấy chăm sóc ông chu đáo quá mà ông thì quanh năm suốt tháng chỉ nghĩ đến bệnh viện và những bệnh nhân đau ốm. Ông bảo bà: “Mình phải thông cảm, đừng ghen tị với người ốm. Đã chọn nghề này rồi thì người thầy thuốc phải hết lòng với bệnh nhân nên làm vợ bác sĩ mà có thiệt thòi một chút thì đừng tủi thân hay so đo gì nhé”. Bà giả vờ giận dỗi: “Tôi biết rồi” nhưng ông biết bà rất hiểu công việc của ông. Trong lòng bà thương ông vất vả nhưng bà không nói ra lời, chỉ thể hiện qua hành động. Dạo này nhà nhà phòng chống dịch bệnh nên bà không để ông ăn cơm quán. Hễ ông trực là bà chuẩn bị cơm nước chu đáo, cho con gái mang đến bệnh viện để ông ăn, vừa bảo đảm vệ sinh, vừa đủ dinh dưỡng. “Bác sĩ phải có sức khỏe thì mới chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân được chứ” - bà ấy nói thế quả là chí lý.
Ăn sáng xong, ông sang thăm mẹ con bệnh nhân cấp cứu đêm qua. Người mẹ ngồi cuối giường, hai bàn tay đan vào nhau, vòng qua đầu gối, nhìn con ngủ. Chị vẫn đeo khẩu trang kín mít, chỉ hở hai con mắt. Ông nhìn thấy quầng mắt chị thâm sì, trũng xuống. Lẽ nào đêm qua chị không ngủ. Ông nhẹ nhàng hỏi han:
- Chị thấy trong người thế nào? Hai mẹ con có ngủ được không? Chị phải đánh thức thằng bé dậy, cho nó ăn cháo rồi mới uống thuốc được. Đừng để nó ngủ li bì thế kia, không tốt đâu. Để tôi nhờ y tá đi mua đồ ăn cho mẹ con chị.
Chị nhìn ông bằng ánh mắt biết ơn:
- Bác sĩ tốt quá. Cháu cũng định chạy ra ngoài phố mua cháo nhưng lại sợ con cháu ở một mình, tỉnh dậy không thấy mẹ.
- Mẹ con chị đang được cách ly để theo dõi nên không được ra khỏi đây. Chị cần gì cứ bảo tôi.
Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, ông nghĩ mẹ con chị chỉ bị cảm cúm thông thường. Nhưng bây giờ đang mùa dịch Corona nên cứ cẩn thận là hơn. Khoa Nhi đang cách ly gần chục bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt. Mùa này thời tiết giá lạnh, độ ẩm cao nên trẻ con rất dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp. Các y, bác sĩ phải thay phiên nhau làm việc hết công suất, cả ngày lẫn đêm. Ông Thành là trưởng khoa, là bác sĩ lâu năm giàu kinh nghiệm nên càng bận rộn hơn. Vắng ông một chút là các y tá lại nháo nhác đi tìm hoặc gọi điện. Nhiều hôm không phải ca trực mà ông vẫn ở lại bệnh viện vì những ca cấp cứu khuya. Vợ ông dặn nếu muộn thì ông đừng về, vì đi đường đêm một mình nguy hiểm lắm.
Kết quả xét nghiệm của hai mẹ con được gửi về bệnh viện sau năm ngày. Ông Thành liếc nhanh xuống cuối trang. Chữ “âm tính” hiện ra làm ông nhẹ bẫng trong lòng. Vậy là yên tâm rồi. Ông chạy ngay sang phòng cách ly, báo cho chị biết:
- Tốt rồi! Tốt rồi! Mẹ con chị chỉ bị cảm cúm thông thường thôi. Thằng bé bị viêm amidan nên sốt cao. Có khi bị nhốt trong nhà một mình nó đã gào thét nhiều lắm mà chị không biết đấy.
Chị gật đầu:
- Vâng! Tất cả là tại cháu. Lớp học dành cho trẻ tự kỷ đợt này cũng nghỉ để phòng dịch nên cháu đem nhốt con ở nhà một mình. Biết thế này thì cháu đã gửi nó về quê với ông bà. Giờ thì may rồi. Cháu mừng quá, bác sĩ ạ. Chồng cháu đi làm ăn xa đã về đến nhà rồi nhưng vì chưa có kết quả xét nghiệm nên cháu bảo không được vào thăm hai mẹ con. Giờ thì thăm được rồi bác sĩ nhỉ? Từ ngày biết con bị tự kỷ, chồng cháu chán nản bỏ đi làm ăn xa - chị thở dài, ánh mắt nhìn sang thằng con đang xoay xoay hộp rubic.
Bác sĩ Thành lắc đầu, nhỏ nhẹ:
- Trẻ bị tự kỷ càng phải được quan tâm và cho ra ngoài giao tiếp. Tâm lý trẻ bị ảnh hưởng là không tốt đâu. Mẹ con chị nên ở thêm vài ngày nữa cho bình phục hẳn rồi ra viện - vừa nói ông vừa quan sát thằng bé, nhận thấy nó xếp rubic rất thông minh. Ông còn phát hiện nó rất nhạy cảm với màu sắc. Hôm sau, ông mua tặng nó một hộp bút màu và giấy vẽ. Những bức họa ngộ nghĩnh, sinh động hiện ra theo trí tưởng tượng độc đáo của nó làm người mẹ và ông bác sĩ già ngỡ ngàng. Ông tin là thằng bé sẽ tiến triển tốt.
Đang khám cho bệnh nhi bị rối loạn tiêu hóa thì điện thoại của ông reo vang, ông nhìn thấy hai chữ “Con gái” hiện lên màn hình thì nhỏ nhẹ:
- Bố nghe đây! Có chuyện gì thế hả con?
- Mẹ con bị cảm! Bố về khám xem có phải đưa mẹ con đi viện không?
- Ừ! Bố về ngay - ông nói với con gái như thế nhưng phải đến chiều tối ông mới cởi được chiếc áo blouse, treo lên móc ở phòng trực rồi rửa tay sát khuẩn, phóng xe về nhà giữa trời mưa phùn lâm thâm giá lạnh. Không biết bà ấy đã đỡ chưa? Lòng ông sôi lên như lửa đốt. Bình thường chẳng bao giờ bà ấy làm phiền ông vào giờ ông làm việc. Vậy mà hôm nay tự dưng con gái gọi. Nhỡ đâu bà ấy ốm nặng thì sao. Ông tự trách mình vô tâm. Bao năm nay lần nào ốm bà ấy cũng tự đánh cảm, tự mua thuốc chứ có cần ông phải đưa đi viện bao giờ.
Ông rửa chân tay sát khuẩn một lần nữa rồi leo lên phòng ngủ. Vợ ông đang nằm bèn vùng dậy. Ông nhìn bà, lo lắng:
- Mình có làm sao không? Con gái gọi điện nhưng…
- Thôi! Tôi biết rồi! - bà cắt ngang lời ông - Tôi bị cảm lạnh thôi, uống canh gừng đỡ rồi. Tôi đã bảo con đừng gọi, đừng làm phiền ông.
Cô con gái thanh minh:
- Mẹ con rên hừ hừ, đắp hai cái chăn vẫn kêu rét. Con sợ quá mới gọi cho bố...
Ông cặp nhiệt độ cho vợ, thấy hạ sốt mới yên tâm. Ông sai con gái đi nấu cháo tía tô, đập cái lòng đỏ trứng gà vào rồi bón từng thìa cho bà ăn. Lâu lắm rồi ông mới có dịp chăm sóc bà như thế. Công việc ở bệnh viện đã choán hết thời gian của ông, vậy mà bà chẳng trách ông nửa lời.
Tỉnh dậy, ông đã thấy bà xách làn đi chợ sớm. Lúc về, tay bà ôm một bó hoa hồng nhung đỏ thắm. Bà cắm vào chiếc bình thủy tinh đặt lên bàn trong phòng khách. Ông nhìn bà, nhíu mày, nhăn trán như muốn hỏi ngày gì mà bà bày vẽ cắm hoa? Bà cười: “Mừng ngày của ông”. Ông “À” lên một tiếng. Đúng lúc ấy tiếng chuông cửa reo vang, con gái ông chạy ra mở cửa:
- Bố ơi! Bố có khách này!
Ông ngạc nhiên khi nhận ra mẹ con bệnh nhân hôm trước. Người mẹ hồ hởi:
- Mẹ con cháu được xuất viện rồi! Cháu tìm bác sĩ để cảm ơn mà không gặp nên cháu hỏi được địa chỉ đến đây. Con cháu bắt đầu ê a khi chỉ vào những bức tranh tự vẽ. Cháu tin là nó sẽ không mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ. Đây ạ! Con tặng bác sĩ đi - chị giục con trai.
Thằng bé đưa cho ông tập giấy vẽ bằng hai bàn tay nhỏ bé. Ông giật mình khi nhìn bức tranh đầu tiên. Đó chính là bức chân dung của ông, cặp kính lão của ông. Ông không ngờ thằng bé lại vẽ giống như thế, có hồn như thế. Một niềm vui dào dạt bỗng dâng lên trong lòng ông. Ông nhận ra rằng hạnh phúc của người thầy thuốc là những điều giản dị như thế.
Truyện ngắn củaTRẦN THÚY LÀNH