Ngoài dâng hương, hoa tưởng niệm, khách thập phương còn muốn được hiểu biết hơn về truyền thống cách mạng Việt Nam.
Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã có đền liệt sĩ. Đây là những công trình văn hoá tâm linh, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của toàn dân đối với các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Song, khi đến thăm viếng đền liệt sĩ, ngoài dâng hương, hoa tưởng niệm, khách thập phương còn muốn được hiểu biết hơn về truyền thống cách mạng và sự cống hiến, hy sinh của những anh hùng, liệt sĩ, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vì vậy, nhiều người mong muốn nơi đây có thêm phòng lưu niệm hay phòng truyền thống trưng bày những hình ảnh, hiện vật về mảnh đất, con người địa phương cũng như của những liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Suốt trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đã có biết bao cuộc tiễn đưa, bao mối tình, bao chiến công của người ra trận cũng như người ở lại hậu phương còn lưu lại với nhiều kỷ vật, hình ảnh, tài liệu... Đó là những hiện vật làm nên những chiến công, những di vật của liệt sĩ, là những lá thư, những bài báo, bức ảnh... Những hiện vật quý đó đang nằm rải rác ở các nơi nên mỗi đơn vị, địa phương cần có một cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng. Nếu không quan tâm đến công tác này thì thời gian và tuổi tác của những người trong cuộc (hoặc biết, quản lý) sẽ dần mai một, bỏ phí đi một kho tàng quý. Làm được như vậy thì việc giáo dục truyền thống cách mạng qua ngôi đền liệt sĩ sẽ đạt hiệu quả cao, nhất là đối với thế hệ trẻ.
NGUYỄN THẾ (TP Hải Dương)