Điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp

09/11/2011 09:41

Thực tiễn sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản đang đặt ra yêu cầu điều chỉnh tổng thể quy hoạch nông nghiệp.


Hướng đi tất yếu trong nông nghiệp hiện nay là áp dụng mạnh mẽ hơn khoa học công nghệ, công nghệ xanh, các phương pháp,
 kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến để vừa đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, vừa đạt hiệu quả bền vững


Chiều 8-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan nhằm rà soát, cho ý kiến xây dựng Dự án điều chỉnh, bổ sung tổng thể Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tăng trưởng nhưng chưa bền vững

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả sản xuất giai đoạn 2006 – 2010 cho biết, nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành đạt 3,36% (vượt mục tiêu đề ra là 3-3,2%) trồng trọt tăng 3,6%/năm (mục tiêu đề ra 2,7%). Diện tích đất lúa giảm 63.000 ha nhưng nhờ tăng vụ nên diện tích gieo trồng vẫn đạt 7,5 triệu ha, năng suất tăng từ 4,3 tạ/ha (2005) lên 5,32 tạ/ha, đạt sản lượng 40 triệu tấn năm 2010, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và gia tăng xuất khẩu.

Sản lượng, diện tích hoa màu tăng trưởng đều cao: ngô đạt 1,1 triệu ha, sản lượng 833.000 tấn/năm, rau các loại tăng từ 676.000 lên 780.000 ha, sản lượng từ 10 lên 13 triệu tấn. Cây công nghiệp có mức tăng khá, được giá nên mỗi năm trồng thêm được 73.000 ha, nhất là cao su (tăng 56%), cà phê (tăng 47%), chè (tăng 44,5%),…

Giá trị thực tế sản phẩm trồng trọt đã tăng từ 14,3 triệu đồng năm 2005 lên 35 triệu đồng/ha năm 2010.

Trong khi đó, ngành chăn nuôi tuy gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn cao nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng 7,5%/năm. Năm 2010, cả nước có 2,9 triệu con trâu, 5,9 triệu bò, 27,4 triệu lợn, trên 300 triệu gia cầm,…

Ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 21,1% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản, tăng bình quân 8%/năm. Năm 2010, số lượng tàu đánh bắt xa bờ tăng lên 25.346 chiếc với tổng công suất 4,5 triệu CV. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,4 triệu tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,7 triệu tấn/năm.

Ngành lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 3%/năm (vượt chỉ tiêu đề ra là 2,3%). Diện tích rừng trồng mới đạt 1,09 triệu ha, rừng khoanh nuôi đạt 922.768 ha, rừng được khoán bảo vệ 2,5 triệu ha. Độ che phủ rừng tăng từ 37,1% lên 39,5%.

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh ngành nông nghiệp vẫn cho thấy nhiều tồn tại, bất cập. Nền nông nghiệp vẫn mang tính chất của nền sản xuất quy mô nhỏ. Cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch chậm, công nghiệp chế biến phát triển yếu, tự phát, có nguy cơ kém bền vững.

Xác định “dư địa” chính để thúc đẩy   

Thực hiện mục tiêu tổng quát được Đảng, Nhà nước xác định là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, ngành nông nghiệp đề ra các chỉ tiêu cụ thể. Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt bình quân 3,5-4%/năm, giá trị sản xuất tăng 4,3-4,7%/năm, độ che phủ rừng đạt 44-45%, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD, giá trị sản lượng trên 1ha sản xuất đạt 70 triệu đồng.

Để thực hiện mục tiêu này, các nhà hoạch định đang triển khai xây dựng phân bổ sử dụng đất, điều chỉnh diện tích sản xuất đối với cây hàng năm, đất lúa, đồng cỏ, cây lâu năm, cây công nghiệp; đất lâm nghiệp; đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối,…, cùng với việc điều chỉnh hướng phát triển từng ngành.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ những yêu cầu trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp, trong điều kiện bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, tình trạng biến đổi khí hậu tác động mạnh, thế giới có nhu cầu cao, khắt khe hơn về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Ghi nhận những bước phát triển của ngành trong thời gian qua nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, để hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững và sản xuất hàng hóa lớn, các nhà xây dựng quy hoạch mới cần phân tích, chỉ rõ những “dư địa”, tiềm năng phát triển chính của ngành nông nghiệp. Nói cách khác, cần phát huy được các lợi thế so sánh, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh việc chuyển dịch hợp lý cơ cấu, diện tích sản xuất từng ngành hàng, khả năng thâm canh, tăng vụ, chế biến,… cần xác định hướng đi tất yếu hiện nay là áp dụng mạnh mẽ hơn khoa học công nghệ, công nghệ xanh, các phương pháp, kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến để vừa đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, vừa đạt hiệu quả bền vững.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, chiến lược phát triển ngành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Cùng với đó, rà soát số liệu, tăng cường năng lực hệ thống thông tin, số liệu dự báo ngành để cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết về sản xuất, giá cả thị trường cho doanh nghiệp và người dân.

Nguyên Linh (Chinhphu)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp