Điều chỉnh cụm công nghiệp An Đồng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

15/05/2020 12:04

Việc điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.


Xây dựng Trung tâm Đào tạo nghề An Phát góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh

Công ty CP Nhựa An Phát xanh (Công ty An Phát) đã xây dựng Trung tâm Đào tạo nghề An Phát trong cụm công nghiệp (CCN) An Đồng của huyện Nam Sách. Để phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động, việc điều chỉnh quy hoạch CCN này là cần thiết.

UBND tỉnh đã cho phép thành lập trung tâm

CCN An Đồng có tổng diện tích 48,1 ha, trong đó 25,68 ha đất công nghiệp. CCN có 16 DN hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Hầu hết các dự án hoạt động tốt, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó có dự án của Công ty An Phát, Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên, Công ty TNHH YA-AJM Việt Nam...

Năm 2012, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và Thương mại Tùng Phương (Công ty Tùng Phương) đã nhận chuyển nhượng dự án từ một DN khác trong CCN này. Sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, Công ty Tùng Phương đã xin chấm dứt hoạt động, đồng thời chuyển nhượng đất thuê và tài sản trên đất rộng hơn 7.000 m2 cho Công ty An Phát. Tháng 10.2016, Công ty An Phát đã ký hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất thuê (giá gần 12 tỷ đồng) với Công ty Tùng Phương.

Do nhu cầu phát triển, đào tạo nhân lực nên Công ty An Phát đã trình UBND tỉnh đề án thành lập Trung tâm Đào tạo nghề An Phát. Tháng 9.2017, UBND tỉnh đã cho phép thành lập trung tâm trên. Theo số liệu tổng hợp của Công ty An Phát, mỗi tháng, công ty xuất khẩu khoảng 8.000 tấn túi nhựa sinh học tự hủy. DN hiện có khoảng 2.000 lao động. Công ty đang triển khai một số dự án khác trong tỉnh nên nhu cầu lao động ngày càng cao. Theo kế hoạch, những năm tới, mỗi năm công ty sẽ có nhu cầu tuyển thêm khoảng 2.000 lao động mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề An Phát cho biết trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung chưa có đơn vị đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu lao động của Công ty An Phát. "Để tạo nguồn nhân lực cho chính mình, công ty đã thành lập trung tâm đào tạo nghề. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị khác đào tạo nghề cho người lao động tại đây", ông Hà nói.  

Tạo cơ sở pháp lý

Sau khi Công ty An Phát đề nghị được chấp thuận địa điểm thực hiện dự án trung tâm đào tạo nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản nhất trí chủ trương lập trung tâm trên diện tích DN đã nhận chuyển nhượng của Công ty Tùng Phương. Sở cũng đã đề nghị Công ty An Phát làm việc với Sở Công thương để điều chỉnh quy hoạch và liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư.

Việc thành lập trung tâm đào tạo nghề là cần thiết để phục vụ hoạt động của DN. Tuy nhiên, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “CCN là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất, kinh doanh”. Mặt khác, tại Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 4.7.2016 của UBND tỉnh Hải Dương về thành lập CCN An Đồng đã quy định các ngành nghề thu hút đầu tư gồm công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; các ngành công nghiệp phụ trợ; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, nhiều lao động và các dự án không (hoặc ít) gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, lĩnh vực đào tạo dạy nghề của Công ty CP An Phát không thuộc các ngành nghề được đầu tư ở CCN An Đồng.

Theo ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, trên địa bàn huyện hiện chưa có trường hay trung tâm đào tạo nghề cho người lao động. Nhu cầu đào tạo nghề của các DN trong huyện rất lớn. Công ty An Phát là một trong những DN tiêu biểu hoạt động hiệu quả ở đây. DN này có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hơn nữa, tại vị trí Công ty An Phát đề xuất xây dựng trung tâm đào tạo nghề trước đây đã có nhiều DN thuê đất sản xuất, kinh doanh nhưng không hiệu quả. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN và phù hợp với các quy định của pháp luật, cần thiết điều chỉnh giảm diện tích CCN An Đồng”, ông Thụ đề xuất.

UBND huyện Nam Sách đã có văn bản đề nghị Sở Công thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định giảm diện tích CCN An Đồng từ 48,1ha xuống còn hơn 47 ha nhằm điều chỉnh phần diện tích thực hiện dự án Trung tâm Đào tạo nghề An Phát ra ngoài CCN An Đồng để phù hợp với tính chất CCN. 

Việc điều chỉnh CCN An Đồng sẽ góp phần quản lý, phát triển CCN theo đúng quy định và bảo đảm sự phát triển ổn định của DN.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh cụm công nghiệp An Đồng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp