Điều bình dị

07/11/2015 08:00




Minh họa: Văn Hà


Bình giật mình choàng tỉnh khi bị ai đó hắt cả chậu nước lạnh vào người. Nó ngơ ngác, đưa tay vuốt mái tóc bết nước ngẩng đầu nhìn lên. Những tiếng cười khoái trá vang lên trên ban công ngôi biệt thự có vòm dây tigon hồng đang trổ bông rực rỡ. Hóa ra cậu ấm nhà này bày trò hắt nước vào người Bình khi nó đang nằm còng queo trên chiếc ghế đá kế bên chiếc cổng sắt màu xanh của ngôi biệt thự.

Cả nửa năm nay, Bình chọn chiếc ghế đá này làm chốn nương thân mỗi khi đêm về. Sáng sớm tinh mơ, khi hàng phố còn ngủ yên nó đã được đánh thức dậy bởi tiếng rao “Bánh mì. Bánh mì...đơi!!!” của bà lão thọt chân có căn nhà ổ chuột ở tít trong con hẻm sâu, sát cạnh bờ sông. Bà có cái tên đặc sệt nhà quê: Sương. Nhưng, hầu như không ai gọi đúng tên bà. Họ thường gọi bà là bà mì, bà thọt. Mỗi buổi sáng như vậy, bà lão thường mang đến cho nó chiếc bánh mì còn nóng hôi hổi, giục nó ăn lót dạ để đi làm. Sáng nay, nó ngủ quên cũng bởi vắng tiếng rao khàn khàn, đùng đục của bà lão.

Vuốt lại vạt áo đẫm nước, nó giơ nắm đấm về phía ban công. Nhưng tịnh không bóng người. Tiếng cười cũng mất hút vào trong. Bình bỗng thấy nhớ tiếng rao da diết. Nó vơ vội chiếc cây cời làm bằng cán chổi cũ, trên đầu có gắn móc sắt do chính bà lão tặng cho nó làm đồ nghề sinh nhai cùng với cái bao bố rách lỗ chỗ rồi phóng đến nhà bà lão. Nó gõ cửa, không nghe thấy tiếng trả lời bèn lách tấm cửa gỗ dán đã bị bong nhiều chỗ, bước vào trong nhà. Trong ánh sáng lờ mờ, Bình nhận ra bà Sương đang nằm thiêm thiếp trên giường. Nó lại gần, sờ tay lên trán bà. Nóng. Nó rụt vội tay lại. Bà lão khẽ cựa mình:
- Bình đấy à cháu?
- Vâng, cháu đây ạ.
- Sao cháu không đi làm?
- Cháu không thấy bà đi bán bánh mới chạy đến xem bà thế nào.
- Cha bố anh, bà còn khỏe chán. Lấy tạm ổ bánh hôm qua bà chưa bán hết ra mà ăn rồi đi làm đi cháu ạ.
- Bà ơi, bà có đói không? Cháu lấy bánh cho bà ăn nhé?
- Cháu ăn bánh rồi đi đi, lát nữa bà sẽ...

Chưa nói hết câu, bà Sương cất tiếng ho sù sụ. Bà ôm ngực, ôm bụng vật vã, mặt mũi nhăn nhó. Cơn đau làm bà co rút người lại. Bình đến góc nhà lấy khăn thả vào chậu nước rồi đắp lên trán bà. Chừng một lúc sau, bà Sương mới bảo Bình lấy cho bà xin cốc nước. Rồi bà với tay lật chiếu lấy mấy viên thuốc màu tim tím bọc kỹ trong chiếc túi nilon bỏ vào miệng. Bà bảo bà chỉ bị cảm sơ sơ thôi, uống thuốc vào sẽ khỏi và xua Bình đi làm. Mặc dù sống trong căn nhà ổ chuột nhưng bà Sương rất gọn gàng, ngăn nắp. Thứ gì của bà cũng nho nhỏ và có vị trí nhất định trong nhà. Chỉ đến đây lần thứ hai, Bình đã quen thuộc với cách xếp đặt của bà. Cậu chế sẵn bình nước nguội và ổ bánh mì để lên chiếc ghế, khi cần là bà có thể tự với lấy được. Nó để luôn cả chậu nước con con phía dưới để bà Sương nhúng khăn đắp lên trán. Nó dặn bà ăn bánh rồi đi làm.

13 tuổi nhưng người Bình quắt queo, gầy guộc nên không được ai thuê mướn làm việc gì. Cũng chẳng có vốn kiếm cái hòm đi đánh giầy hoặc đi bán báo. Nó đành đến các bãi rác trong thành phố nhặt nhạnh những thứ mà người đời bỏ đi mang về bán lại cho mấy bà ve chai. Mỗi ngày chăm chỉ nó cũng kiếm được đôi chục đút túi. Nhưng, tụi trẻ nhặt rác lưu cữu trong thành phố cũng chẳng để cho nó yên thân. Nó hay bị chúng bắt nạt, có hôm bị đánh thâm tím mặt mày. Lại có ngày vừa cầm mấy đồng tiền nhàu nhĩ chưa kịp cất đi đã bị tụi khác trấn mất. Những hôm như thế, Bình ôm bụng đói trở về chiếc ghế đá dưới bóng râm của giàn hoa tigon. Tiếng rao và chiếc bánh mì mỗi sáng của bà lão là cứu tinh của nó.

Ở cái thành phố to lớn này, chẳng ai biết nó là ai, từ đâu tới. Người ta cũng quen với hình ảnh một thằng bé gầy còm vai vác cây cời, tay kéo cái bao bố đựng túi nilon, vỏ bia, đồ hộp lê trên đường phố mà không hay biết nó có tên hay không có tên. Chỉ có bà Sương và người giúp việc trong ngôi biệt thự biết tên nó. Ấy là vì có lần thằng bé trong ngôi nhà hiện đại kia ném ra chiếc vỏ lon bia và gọi nó: Ê, chó! Nó bặm môi, hất hàm về phía có tiếng gọi: "Tao không phải là chó, tao là Bình!". Và nó quăng chân, đá luôn chiếc vỏ lon vào góc phố, trúng chân chị giúp việc vừa mở cổng đi chợ sáng.

Nhà Bình ở mãi trên miền ngược. Trong một trận lũ quét, ông, bà, bố mẹ và đứa em gái nó chẳng may bị đất lở trúng nhà không chạy kịp. Lúc ấy nó đang buộc trâu ngoài ruộng nên thoát chết. Sau đám tang, nó ngơ ngẩn như người mất hồn. Mãi rồi nghe dân bản kháo nhau về thành phố dễ kiếm việc làm, nó chẳng biết phố xá là gì, ở đâu, cũng đùm rúm đôi bộ quần áo lên đường. Nó trôi dạt đến thành phố này đã hơn hai năm, nhưng cũng mới chính thức tá túc lại trước cổng ngôi biệt thự chừng nửa năm. Sáng nó đến các bãi rác trong thành phố. Tối lại về ngủ trên chiếc ghế đá. Nó quen bà Sương, khi sáng nào bà cũng thập thõm đội thúng bánh mì qua bán cho những người dân lao động, những kẻ lỡ độ đường. Bọn trẻ con ở đây rất sợ bà lão bởi trông bà có vẻ gì đó dữ dằn với một bên chân tập tễnh. Nghe nói, trước đây bà từng đi thanh niên xung phong, từng có một cô con gái mang từ chiến trường về. Người ta thêu dệt đủ chuyện xung quanh bà, nào là bà phải rời mặt trận về địa phương vì trót có mang với một anh chiến sĩ nào đó. Nào là khi về quê, bố mẹ bà không bằng lòng đã từ bà, đuổi mẹ con bà đi. Nào là thiếu thốn, khó khăn quá bà không nuôi nổi con mà phải cho cô bé đi ở với người khác...

Không nghe nhưng bà biết. Im lặng, không một lời giải thích. Cũng chẳng ai quan tâm bà lão đến khu nhà ổ chuột ấy từ bao giờ. Họ chấp nhận bà như những công dân ngụ cư khác của thành phố. Không hiểu vì sao mỗi lần Bình bị tụi trẻ con bắt nạt hay bị người lớn cân điêu, đong thiếu bà đều biết và đều lên tiếng bênh vực thằng bé. Sáng nào bà cũng cho nó một chiếc bánh, coi như sự may mắn trong ngày. Có lần, bà bảo Bình dọn về nhà bà ở nhưng nó không đến. Nó bảo bà già rồi mới cần một nếp nhà chứ cháu thì cần gì. Thực ra, nó không muốn dọn đến ở với bà vì còn một lý do khác. Nó biết, bà Sương vẫn ngày ngày trông ngóng tin tức của đứa con gái bị lạc mẹ gần 30 năm về trước khi bà đi chợ tỉnh và phải chạy trốn mấy ông thuế vụ săn hàng lậu.

Dạo đó về quê không có việc làm, bà lê đôi chân thương tật theo tàu đi buôn chè mạn. Để tránh bị thuế vụ thu trắng, bà thường xuyên phải trốn tránh, chui lủi, hết buôn đầu chợ bán cuối chợ lại lo tìm mối bỏ hàng kiếm tiền nuôi con. Hôm ấy, khi chắc chắn không bị ai truy đuổi, bà mới quay lại chợ tìm con thì con gái bà không còn ở đấy nữa. Bà chạy đôn, chạy đáo khắp nơi, khóc lóc cầu xin người qua đường chỉ giùm nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu thương cảm! Mất con, bà lăn lóc ốm hàng tháng trời. Tỉnh lại, bà gom góp lưng vốn, trôi dạt, sục sạo khắp nơi tìm con mà tin tức về chị vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng, bà quyết định về thành phố này sinh sống vì đây là nơi ngày xưa mẹ con bà đã lạc mất nhau. Nếu còn đến bây giờ, con gái bà Sương cũng đã gần 40 tuổi. Có lần bà tỉ tê với Bình như vậy...

...Quá trưa, Bình vẫn không kiếm được gì nhiều. Những chiếc xe rác hôm nay không đem đến cho nó niềm vui như mọi lần cho dù phải giành giật chí tử với các “đồng môn” lấy bãi rác làm chỗ kiếm ăn như nó. Trời nắng gay gắt mà chiếc bao bố vẫn lưng lửng. Nó chợt nhớ đến bà lão. Không biết giờ này bà đã dậy được chưa, bà có đỡ chút nào không? Bình cảm thấy trong người như có lửa. Nó xách chiếc bao chạy nhanh về nhà bà.

Vừa đẩy cửa bước vào nó đã thấy bà Sương nửa nằm, nửa ngồi dưới đất, cái chậu nhựa đựng nước lăn chỏng chơ bên cạnh. Nửa người phía dưới bà Sương sũng nước. Nửa người trên vẫn nóng như rang. Bình lay gọi nhưng không thấy bà lão trả lời, chỉ tiếng thở là khô khốc và khó nhọc. Nó chạy vụt ra ngoài tri hô làng nước. May sao lúc đó có mấy bác đi làm thuê không có việc cũng vừa về tới nơi. Họ gọi xích lô đưa bà lão vào bệnh viện. Bà Sương được chẩn đoán bị đau ruột thừa phải mổ gấp. Bệnh viện thông báo bà cần phải được tiếp máu kịp thời mới mong qua khỏi cơn nguy kịch. Không ai trong số những người đưa bà Sương đến có cùng nhóm máu với bà và họ cũng không đủ khả năng cho máu vì họ đều là những người nghèo, cần có sức khỏe để lao động kiếm tiền nuôi cả đàn con nheo nhóc ở quê. Bình xung phong xin thử nhưng các bác sĩ bảo cậu còn nhỏ quá, không cho được. Nó cứ nằn nì bằng được. Nó bảo nếu không đúng nhóm máu thì thôi. Thấy thằng bé có vẻ tha thiết, các bác sĩ đành chấp nhận đưa nó đi thử. Biết mình có cùng nhóm máu với bà, nó van lơn các bác sĩ hãy lấy máu của nó để truyền cho bà lão...

...Nằm bên này giường bệnh, ánh mắt nó sáng lên khi thấy bà Sương đã chớp chớp đôi mắt già nua nhìn ra xung quanh. Nó đưa tay vẫy bà và chìm vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, nó thấy một thiếu phụ xinh đẹp, mỉm cười dắt tay hai bà cháu nó đi trên phố trước cái nhìn đầy ngưỡng mộ của tụi bạn nhặt rác và vẻ ngơ ngác của thằng bé trong ngôi nhà có giàn tigon...

Ngày bà Sương ra viện, Bình đến đón bà với bộ mặt thật nghiêm trang. Hôm qua nó trúng quả đậm. Khi nó đi qua ngôi biệt thự, chị giúp việc vẫy nó lại, cho nó cả một bao tải vỏ lon bia mà chị đã gom góp từ lâu và một cái chậu nhôm thủng đáy. Chị còn cho nó 2 quả na mà hôm trước chị về quê lên vẫn để dành cho nó nhưng không thấy nó trở lại với chiếc ghế đá. Bình mang 2 quả na thơm sực nức đến cho bà lão. Hai bà cháu đưa nhau trở về khu nhà ổ chuột.
- Lần này cháu về ở hẳn với bà chứ?
- Cháu, cháu...
Nó gãi đầu, gãi tai.
- Bà biết cháu nghĩ gì rồi. Đừng lo. Bà sẽ coi cháu như cháu ngoại của bà. Chúng ta cùng nương tựa vào nhau cháu ạ.

Bình lặng lẽ đi bên bà Sương. Thực ra, mấy hôm ở trông nhà cho bà, nó đã quyết định khi bà ra viện sẽ đến ở hẳn để trông nom bà lão. Bà cũng như nó có còn ai thân thích nữa đâu. Nó nhìn đôi chân tập tễnh của bà vẽ những bước đi ngoằn ngoèo, bàn chân phải hằn sâu trên đường mà lòng đầy thương cảm. Bình sẽ đến ở cùng bà, hằng ngày nó sẽ cùng bà đi bán bánh mì dạo. Nó sẽ có một mái nhà thật sự. Và, nó sẽ cùng bà chờ đợi...
Nghĩ đến đó, Bình thấy rất vui. Nó cầm tay bà lão:
- Bà ơi, từ hôm nay cháu sẽ về ở với bà!
Bà Sương dừng lại, xoa đầu nó:
- Cha bố anh!

Nó lon ton xách chiếc bị cói của bà Sương nhảy chân sáo về nhà. Mái tóc khét nắng của nó tung tẩy đánh nhịp theo từng bước đi.

Truyện ngắn của VŨ KIM LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều bình dị