Đến ngày 9-5, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha lúa nhiễm rầy, mật độ trung bình 1.000 - 2.000 con/m2, trong đó khoảng 160 ha bị nhiễm nặng (mật độ 5.000 - 7.000 con/m2).
Nhiều diện tích lúa ở huyện Ninh Giang thiếu nước khiến việc diệt trừ rầy kém hiệu quả.
Trong ảnh: Nông dân thôn Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An phun thuốc trừ rầy
7.100 ha lúa chiêm xuân ở huyện Ninh Giang đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ bông. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Ninh Giang cho biết: "Vụ này, rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa ngay từ lúc làm đòng, khác hẳn với mọi năm là rầy thường chỉ hại lúc lúa đã trỗ bông đến chín. Một điều khác thường nữa là số lượng rầy lưng trắng cao hơn nhiều so với rầy nâu (thường số lượng rầy nâu cao hơn rầy lưng trắng). Nguyên nhân do rầy lưng trắng chịu rét tốt hơn rầy nâu nên chúng tồn tại qua các đợt rét đầu vụ và gia tăng hại vào giai đoạn này". Theo kết quả khảo sát vào ngày 3-5 vừa qua, huyện Ninh Giang có có 410 ha lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng hại, mật độ rầy trung bình 700 - 1.000 con/m2. Trong đó, 50 ha lúa bị rầy hại nặng, mật độ trung bình trên 4.000 con/m2, tập trung ở các xã: Tân Phong, Hưng Thái, Nghĩa An, Hồng Đức, Kiến Quốc. Do nông dân tập trung diệt trừ nên đến nay, diện tích nhiễm rầy cơ bản được khống chế, không lan rộng thêm.
Ngày 9-5, nhiều nông dân trong huyện vẫn tiếp tục phun thuốc BVTV để diệt rầy. Ông Nguyễn Đắc Cự ở đội 5, thôn Lang Viên (xã Hồng Dụ) cho biết: “Nhà tôi cấy 9 sào lúa nhưng qua kiểm tra chỉ có 1 sào lúa giống P6 bị rầy hại, mật độ trung bình 40-50 con/khóm (2.000 - 2.500 con/m2). Sau khi có khuyến cáo của Trạm BVTV huyện, tôi đã mua thuốc đặc hiệu về phun trừ”.
Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Giang chỉ có một trận mưa rào vào tối 6, lượng mưa không lớn. Do vậy, nhiều diện tích lúa thiếu nước khiến việc diệt trừ rầy rất khó khăn. Mặt khác, nhiều nông dân không kiểm tra kỹ đồng ruộng, khi ruộng lúa chưa có rầy hoặc rầy mật độ ít cũng đã phun thuốc, gây lãng phí. Ngày 7-5, UBND huyện Ninh Giang đã có công văn yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cần bảo đảm đủ nước để tăng hiệu quả diệt trừ rầy. Các cơ quan chức năng cần mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trừ rầy cho nông dân, tăng cường quản lý thị trường thuốc BVTV.
Nông dân huyện Nam Sách cũng đang tập trung trừ rầy hại lúa. Chiều 8-5, nhiều nông dân ở thôn Chu Đậu, xã Thái Tân ra đồng phun thuốc diệt rầy. Ông Phạm Văn Bắc cho biết: "Nghe thông báo của xã nên tôi đi phun thuốc diệt trừ rầy từ hôm qua. Tuy nhiên, do trời có mưa nên hôm nay tôi phải phun lại. Nếu không phun thì lúa sẽ bị cháy, năng suất thấp".
Theo Trạm BVTV huyện Nam Sách, đến ngày 8-5, toàn huyện đã có hơn 700 ha lúa nhiễm rầy, mật độ 1.000 - 3.000 con/m2. Rầy hại mạnh ở các xã: Thái Tân, Nam Hồng, An Sơn, Hợp Tiến, Quốc Tuấn.
"Dự báo, lứa rầy lứa tiếptheo sẽ gây hại mạnh vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Nếu nông dân không phuntrừ kịp thời sẽ có nhiều ruộng lúa bị cháy rầy", ông Vũ Đình Phiên, PhóChi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh. |
Thời tiết nóng, ẩm trong những ngày gần đây tạo thuận lợi cho rầy nâu, rầy lưng trắng gia tăng gây hại. Theo Chi cục BVTV tỉnh, đến ngày 9-5, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha lúa nhiễm rầy, mật độ trung bình 1.000 - 2.000 con/m2, trong đó khoảng 160 ha bị nhiễm nặng (mật độ 5.000 - 7.000 con/m2). Nhiều ổ rầy có mật độ hàng vạn con/m2. Các trà lúa trong tỉnh đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ bông. Nếu bị rầy hại nặng sẽ làm giảm năng suất. Để bảo vệ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị nông dân cần chú ý diệt rầy ở các giống lúa mẫn cảm như: Khang dân 18, Q5, Syn 6, Bắc thơm số 7, nếp... Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cung cấp đủ nước để trừ rầy hiệu quả và tạo thuận lợi cho lúa trỗ bông. Chi cục BVTV tỉnh tăng cường kiểm tra thị trường thuốc BVTV, bảo đảm cung ứng các loại thuốc có chất lượng tốt cho nông dân.
Kỹ thuật trừ rầy nâu, rầy lưng trắng
Theo Chi cục BVTV tỉnh, khi ruộng lúa có mật độ rầy từ 2.000 con/m2 trở lên (khoảng 40 con/khóm lúa), nông dân cần dùng thuốc BVTV để diệt rầy. Khi lúa ở giai đoạn đòng đến trỗ bông, nông dân nên sử dụng các loại thuốc lưu dẫn như: Chess 50WG, Chatot 600WP, Hichespro 500WP. Khi lúa ở giai đoạn chắc xanh đến chín hoặc rầy có mật độ cao, cần dùng các loại thuốc tiếp xúc (làm rầy chết ngay) như: Bassa 50EC, Tasodant 600EC, Victory 585EC, Wusso 550EC. Ruộng lúa cần phải có đủ nước. Nếu ruộng lúa có mật độ rầy cao hoặc khi phun gặp mưa rào thì sau đó phải kiểm tra lại; nếu rầy còn nhiều phải phun lại. Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm, chiều mát.
|
PV