Diện mạo mới trên đồng ruộng Cẩm Giàng

07/01/2016 07:29

Huyện Cẩm Giàng tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn quyết tâm thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng xong trước khi bước vào gieo cấy vụ chiêm xuân 2016.




Đến hết năm 2015, có 54 trong tổng số 111 thôn thuộc 13 xã, thị trấn ở Cẩm Giàng đã triển khai dồn điền,
đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng ngoài thực địa với tổng diện tích hơn 2.205 ha, đạt 50,68%


Việc hoàn thành dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng (DĐĐT, CTĐR) đã tạo nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống giao thông nội đồng được chỉnh trang, nông dân đi lại, vận chuyển nông sản và đưa cơ giới hóa vào sản xuất dễ dàng. Từ những kinh nghiệm và hiệu quả của DĐĐT, CTĐR mang lại, huyện Cẩm Giàng đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn quyết tâm thực hiện xong trước khi bước vào gieo cấy vụ chiêm xuân 2016.

Hiệu quả thiết thực

Là địa phương đi đầu trong thực hiện DĐĐT, CTĐR của huyện Cẩm Giàng, hết năm 2014, Cẩm Văn là xã duy nhất của huyện hoàn thành với tổng diện tích 263 ha. Hiện nay, xã đang bê tông hóa các tuyến đường nội đồng thuộc khu đồng ngoài. Ông Nguyễn Tiến Chức, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn cho biết khi bắt đầu triển khai thực hiện tại khu đồng ngoài, xã cũng gặp không ít khó khăn do địa hình đất đồng bãi, mặt ruộng không đồng đều, lại không có bờ lô, bờ thửa, không có mương máng mà chỉ có một số thùng, ao để phục vụ tưới tiêu. Cộng thêm tập quán canh tác của nông dân đã gắn bó với ruộng của mình từ nhiều năm nay nên không muốn thay đổi...

Do vậy, Ban chỉ đạo DĐĐT, CTĐR của xã đã trực tiếp xuống từng khu dân cư để họp dân, triển khai phương án và xin ý kiến nhân dân. “Hồi đó anh em thường nói vui là cán bộ xã Cẩm Văn như đội chiếu bóng, cả đoàn ôm máy tính, máy chiếu đến từng khu dân cư để chiếu cho bà con xem”, ông Chức kể lại. Phương án thực hiện được trình chiếu chi tiết và phân tích cụ thể cho nhân dân về những cái được sau khi dồn đổi và chỉnh trang lại đồng ruộng. Thông qua nhiều cuộc họp và các hình thức tuyên truyền, vận động khác nhau nên sau một thời gian ngắn nhân dân đã nhất trí thực hiện. Sau khi hoàn thành DĐĐT, CTĐR tại khu đồng ngoài thì khu đồng trong ở các thôn cũng được thực hiện một cách thuận lợi. Ngoài kinh phí cấp trên hỗ trợ, nhân dân đóng góp 2,3 triệu đồng/sào khu đồng ngoài (gồm cả kinh phí làm đường bê tông nội đồng) và bình quân 300.000 đồng/sào ở khu đồng trong. Nói về kinh nghiệm, ông Chức cho biết: “Khi thực hiện ở thực địa, Ban chỉ đạo xã đã trực tiếp xuống hiện trường, vừa kiểm tra, giám sát, vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Đặc biệt quá trình triển khai đã phát huy cao tính dân chủ, mọi việc được công khai để nhân dân bàn bạc và cùng thực hiện”.

Việc hoàn thành DĐĐT, CTĐR đã mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân ở Cẩm Văn. Trước đây mỗi kỳ thu hoạch cà rốt nông dân phải thuê đưa lên đường to với giá 200.000 đồng/sào thì nay ô tô đã đến tận ruộng để thu mua. Việc tưới dưỡng cũng được làm bằng máy chứ không phải gánh nước như trước đây. Vụ mùa vừa qua, 80% diện tích lúa của xã được gặt bằng máy... giảm đáng kể chi phí và sức lao động cho nông dân.

Thực hiện DĐĐT, CTĐR còn góp phần khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, điển hình là thôn Tràng Kênh (xã Kim Giang). Toàn thôn có khoảng 220 mẫu ruộng thì trước năm 2015, có đến 18 mẫu bị bỏ hoang, trong đó có 15 mẫu đã bỏ hoang 4-5 năm, còn 3 mẫu bỏ hoang 2 vụ. Thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân gieo cấy nhưng do đây là khu đồng trũng, đường sá đi lại khó khăn, mương máng tưới tiêu không thuận lợi, động mưa thì úng ngập, nắng thì hạn, nhiều lao động nông nghiệp chuyển vào làm ở các khu công nghiệp nên các hộ không mặn mà với đồng ruộng. Cuối năm 2014, khi thôn hoàn thành DĐĐT, CTĐR, có đường đi rộng rãi, mương máng thuận lợi thì toàn bộ diện tích ruộng hoang đã được phủ kín. Vụ mùa vừa qua, trên 70% diện tích lúa ở khu này được gặt bằng máy, năng suất bình quân đạt gần 2 tạ/sào.

Tập trung thực hiện

Năm 2015, DĐĐT, CTĐR được huyện Cẩm Giàng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì thế, ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc DĐĐT, CTĐR, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn, khu dân cư rà soát diện tích đất nông nghiệp, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng phương án phù hợp.

Ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết trên cơ sở thực tiễn kinh nghiệm và hiệu quả mà DĐĐT, CTĐR mang lại, các xã, thị trấn đã quyết tâm thực hiện. Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, Ban chỉ đạo huyện đã cùng các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo các thôn, khu dân cư còn lại khẩn trương xây dựng phương án, tổ chức họp và xin ý kiến nhân dân. Đối với các thôn đã được duyệt phương án thì khẩn trương triển khai ngoài thực địa để sớm chia ruộng cho dân, bảo đảm thuận lợi cho gieo cấy vụ chiêm xuân 2016. Ban chỉ đạo huyện phân công các thành viên tổ giúp việc tăng cường xuống địa bàn nắm bắt tiến độ và những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời chỉ đạo Ban chỉ đạo các xã, thị trấn phải bám sát cơ sở, trực tiếp xuống các thôn, khu dân cư để cùng họp triển khai phương án và xin ý kiến nhân dân.

Tổng diện tích đất nông nghiệp Cẩm Giàng cần thực hiện DĐĐT, CTĐR là 4.351,02 ha. Tính đến hết năm 2015, toàn huyện có 58 thôn đã được UBND xã, thị trấn phê duyệt phương án DĐĐT, CTĐR, 54 trong tổng số 111 thôn thuộc 13 xã, thị trấn đã triển khai ngoài thực địa với tổng diện tích hơn 2.205 ha, đạt 50,68%.

TUẤN SỸ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diện mạo mới trên đồng ruộng Cẩm Giàng