Diện mạo mới giao thông nông thôn

08/04/2013 07:42

Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp, cơ sở hạ tầng GTNT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn.



Đến nay, toàn bộ đường giao thông nông thôn ở xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) đã được nhựa hóa, bê-tông hóa


Mặc dù là xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Tứ Xuyên lại là địa phương đi đầu trong phát triển giao thông nông thôn (GTNT) của huyện Tứ Kỳ. 10 năm về trước, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn vì các tuyến đường xã, thôn chủ yếu là đường đất, đường rải đá cấp phối. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xã chủ trương phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống GTNT. Với những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân trong xã, những con đường xuống cấp, gập ghềnh, lầy lội đã từng năm, từng tháng được thay bằng những con đường khang trang, sạch đẹp. Nói về sự phát triển hệ thống giao thông của địa phương, ông Đặng Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên cho biết: "Phong trào xây dựng GTNT của địa phương phát triển là nhờ có sự đồng thuận và đóng góp to lớn của nhân dân trong xã. Để phong trào được toàn dân ủng hộ, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tổ chức thành lập ban chỉ đạo và các tiểu ban từ thôn đến xóm, vận động nhân dân tham gia. Việc huy động vốn đầu tư, sử dụng vốn đều do dân bàn bạc và quyết định, theo dõi giám sát trên cơ sở dân chủ công khai. Đến nay, 100% đường xã, thôn, 97% đường nội đồng của xã đã được nhựa hóa, bê-tông hóa".

Những chuyển biến vượt bậc trong phát triển GTNT ở Tứ Xuyên cũng là nét chủ đạo trong bức tranh tổng thể về sự phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh ta những năm qua. Phong trào xây dựng đường GTNT giai đoạn 2001 - 2011 đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn 265 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm", "Dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ”, có thể nói, chưa có một phong trào nào trên địa bàn tỉnh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân như phong trào xây dựng đường GTNT. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng mới 22 cầu, cải tạo, nâng cấp được 7.221 km đường GTNT các loại, tăng gấp gần 10 lần so với tổng số đường GTNT xây dựng từ trước đến năm 2001. Tổng kinh phí đầu tư 2.359 tỷ đồng, tương đương với 8.753 tỷ đồng quy đổi tại thời điểm hiện nay, trong đó nguồn huy động từ nhân dân và ngân sách cơ sở lên tới 82%. Phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nhiều hộ tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng. Trong giai đoạn từ năm 2001 - 2011, nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến 1,143 triệu m2 đất các loại. Bên cạnh việc hiến đất làm đường, nhân dân các địa phương còn đóng góp hàng triệu ngày công, vận động các tổ chức, cá nhân và những người con quê hương đóng góp tiền bạc, công sức, chung tay xây dựng quê hương. Các tổ chức và cá nhân đã hỗ trợ trên 140 tỷ đồng, có những tổ chức, cá nhân hỗ trợ số tiền lớn như: Ông Vũ Văn Hồng, hỗ trợ xã Tân Hồng (Bình Giang) 4,7 tỷ đồng để xây dựng 1,2 km trục đường xã với mặt đường rộng 10 m, Công ty TNHH Nhất Ly hỗ trợ xã Hợp Đức (Thanh Hà) 4,2 tỷ đồng làm đường GTNT…

Hệ thống GTNT phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng trong những năm qua đã  góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% số đường huyện, đường xã không còn đường đất về trung tâm xã, 70% số xã đã cứng hóa hoặc rải nhựa 100% đường thôn, xóm. Một số địa phương có khối lượng đầu tư lớn như: Chí Linh (1.079 km), Thanh Miện (807 km), Kinh Môn (781 km)... Quy mô mặt đường, chiều dày kết cấu và vật liệu sử dụng làm đường đã được nâng lên một cách rõ rệt. Ngoài ra, một số địa phương đã mạnh dạn làm đường lớn hơn tiêu chuẩn như xã Cổ Dũng (Kim Thành) làm đường trục xã bằng bê-tông xi-măng rộng 4 m, dày trên 20 cm, xã Nhân Quyền (Bình Giang) làm đường trục xã bằng đá dăm láng nhựa rộng trên 5 m…

Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về GTNT cũng được nâng cao một bước. UBND tỉnh đã ban hành các quy định về loại đường được hỗ trợ để định hướng phát triển phong trào; ban hành các quy định về quản lý đường GTNT nhằm quản lý ngày càng tốt hơn các tuyến đường đã được đầu tư. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tư vấn cho các địa phương thực hiện tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT, từ đó giúp tăng tải trọng khai thác các tuyến đường để phục vụ tốt hơn việc đi lại và sản xuất của nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, tỉnh chủ trương hỗ trợ xây dựng đường GTNT bằng xi-măng với tổng khối lượng 45 nghìn tấn, thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ. Nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền cấp xã đối với phong trào xây dựng đường GTNT đã được nâng lên. Từ chỗ nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển hệ thống GTNT, đến nay hầu hết đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mình. Nhiều đồng chí lãnh đạo xã đã phát huy tinh thần sáng tạo, có nhiều cách làm hay để huy động, kêu gọi nguồn vốn đầu tư xây dựng.

Với những kết quả đã đạt được, Hải Dương vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba trong phong trào xây dựng và phát triển GTNT giai đoạn 2001-2010; Bộ Giao thông vận tải tặng 3 cờ thi đua và 11 bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển GTNT của tỉnh.

Một số mục tiêu phát triển GTNT:

+ Hằng năm bảo trì trên 8.808 km đường GTNT (trong đó sửa chữa định kỳ khoảng 1.000 km).

+ Đến năm 2015 tối thiểu có 76 xã và đến năm 2020 tối thiểu có 152 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về GTNT.

+ Đến năm 2020, cứng hoá 100% và đến năm 2025 hoàn thành nâng cấp, cải tạo các tuyến đường GTNT đạt tiêu chí nông thôn mới, tương đương với cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 4.570 km đường GTNT các loại.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diện mạo mới giao thông nông thôn