Tại SEA Games 30 tới đây, điền kinh Việt Nam khó có thể đạt được những thành tích như tại SEA Games 29 do những trở ngại từ khách quan và lực lượng đội tuyển quốc gia điền kinh có sự sứt mẻ nhất định.
Điền kinh Việt Nam từng giành 17 huy chương vàng (HCV), 11 huy chương bạc (HCB), 6 huy chương đồng (HCĐ) và đứng ở vị trí số 1 tại SEA Games 29, tuy nhiên, rất khó để tái lập kỳ tích này trên đất Philippines ít ngày tới đây do những trở ngại từ khách quan và lực lượng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) điền kinh có sự sứt mẻ nhất định.
Philippines nhập tịch, Thái Lan quyết đòi lại ngôi đầu
Philippines đã nhập tịch hàng loạt vận động viên (VĐV) trong 2 năm qua nhằm tạo nên sức bật trong cuộc đua giành HCV tại SEA Games 30 tổ chức trên sân nhà. Đáng chú ý nhất trong số này là 4 VĐV (2 nữ, 2 nam) người Mỹ gồm Kristina Marie Knott, Zion Corrales Nelson và Eric Shauwn Cray, Trenten Anthony Benram. Điều đặc biệt nhất, số này đều là các VĐV ở nội dung chạy tốc độ, gồm 100m, 200m, 400m, 4x100m và 4x400m.
Sự xuất hiện của Kristina Marie Knott hứa hẹn đem đến cuộc cạnh tranh rất quyết liệt với Lê Tú Chinh - người giành trọn bộ 3 HCV các nội dung 100m, 200m và 4x100m tại SEA Games 29. Chân chạy 24 tuổi người Mỹ chính thức trở thành thành viên ĐTQG Philippines từ tháng 7.2018 và thành tích tốt nhất ở nội dung 100m nữ là 11 giây 42 vừa đạt được tại Trung Quốc vào tháng 6.2019. Bên cạnh đó, Zion Corrales Nelson cũng sẽ đem đến những khó khăn nhất định cho Lê Tú Chinh trong cuộc đua ở cự ly 200m khi vừa đạt thành tích 23 giây 16 cách đây 5 tháng. Trong khi đó, nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á người Việt Nam chỉ đạt những chỉ số đầy lo lắng, 11 giây 71 ở cự ly 100m nữ và 23 giây 32 ở cự ly 200m.
Trong khi đó, Thái Lan cũng đang sôi sục quyết tâm để đòi lại ngôi đầu từ tay Việt Nam sau thất bại cay đắng tại SEA Games 29. Điền kinh xứ chùa Vàng đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng nhưng với bề dày truyền thống, công tác đầu tư, đào tạo trẻ hiệu quả, Thái Lan vẫn là một trong những ứng viên nặng ký cho ngôi vị số 1 tại SEA Games 30. Đặc biệt, với thế mạnh ở những môn ném, đẩy và chạy tốc độ, chắc chắn sẽ có một cuộc so kè quyết liệt với Việt Nam và Philippines trong cuộc đua tới vị trí số 1 ở môn điền kinh tại đại hội. “Theo tính toán của chúng tôi, Philippines sẽ giành ít nhất 9/48 HCV tại SEA Games với những thế mạnh tuyệt đối của họ. Cuộc đua còn lại sẽ gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Như vậy, nếu đoàn nào muốn giành được ngôi vị số 1 ở môn điền kinh, cần giành ít nhất 14 HCV trong số 39 nội dung còn lại. Malaysia và Indonesia thì đuối hơn so với Việt Nam và Thái Lan nhưng không thể loại trừ những bất ngờ trong thi đấu. Nói như vậy để thấy, việc bảo vệ ngôi đầu với thành tích 17 HCV như kỳ trước với điền kinh Việt Nam là cực kỳ khó khăn nếu không muốn nói là không thể”, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn Điền kinh, Tổng cục Thể dục thể thao cho biết.
Nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh (phải) sẽ gặp nhiều thách thức tại SEA Games 30. Ảnh: VSI
Vượt qua chính mình
Đứng trước thực tế đầy khó khăn với những diễn biến mới từ khách quan, điền kinh Việt Nam trên thực tế cần có những tính toán và điều chỉnh phù hợp về chỉ tiêu huy chương, tránh gây áp lực tâm lý quá lớn lên các VĐV khi bước vào thi đấu tại SEA Games 30. So sánh về chất lượng nhân sự so với kỳ đại hội 2 năm trước đây, ngoại trừ nhà vô địch nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo không tham dự, về cơ bản, ĐTQG điền kinh vẫn còn khá đầy đủ các nhà vô địch. “Dù vậy, phong độ và thể lực của nhiều tuyển thủ hiện đã khác so với 2 năm trước đây, bởi với 1 số VĐV như Nguyễn Văn Lai, Dương Văn Thái… thời kỳ đỉnh cao của họ là ở năm 2017. Ngoài ra, sự cạnh tranh cũng sẽ quyết liệt hơn rất nhiều do sự xuất hiện của những VĐV nhập tịch và sự tiến bộ của các đối thủ trong khu vực”, theo lời ông Dương Đức Thủy.
“Trên cơ sở này, điền kinh Việt Nam không có chỉ tiêu huy chương cụ thể tại SEA Games 30 mà mục tiêu chúng tôi đặt ra với nhau là vượt qua chính mình. Trước tiên, các VĐV cần có được sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý và chuyên môn trong tập luyện. Khi thi đấu, vượt qua thành tích tốt nhất của bản thân là đạt yêu cầu, còn chuyện có giành huy chương hay không, chuyện gianh huy chương màu gì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Lúc này, các VĐV cần xác định tâm lý thật thoải mái và vững vàng như vậy, chứ không thể nào nói trước bất cứ điều gì. Sự thật, các VĐV của chúng ta lúc này, nhất là các nhà vô địch SEA Games lần trước đang gặp áp lực tâm lý rất lớn, bởi họ sẽ phải bảo vệ thành tích của chính mình. Nhưng tôi cho rằng, trước tiên cần phải thắng chính mình trước, rồi hãy nghĩ đến chuyện thắng đối thủ”, ông Dương Đức Thủy chia sẻ thêm.
Nếu nói theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, điền kinh Việt Nam có thể giành được ít nhất 12 HCV tại SEA Games 30 căn cứ vào thành tích trong thi đấu thực tế, cũng như qua đánh giá và nhận định khả năng cạnh tranh của đối thủ. Cùng với đó, cũng sẽ rất khó tái lập kỳ tích có thể đạt chuẩn Olympic thông qua các cuộc thi đấu ở SEA Games 28 mà Nguyễn Thị Huyền từng làm được tại Singapore vào năm 2015 ở cự ly 400m và 400m rào nữ. “Chuẩn thành tích dự Olympic đã được nâng lên, bên cạnh đó, Liên đoàn Điền kinh quốc tế cũng căn cứ vào xếp hạng cá nhân và điểm số mà mỗi VĐV đạt được để trao vé dự Olympic. Vì thế, gần như không có hi vọng điền kinh Việt Nam sẽ có vé dự Olympic 2020 qua các cuộc thi đấu tại SEA Games 30”, ông Dương Đức Thủy nhận định.
Điền kinh Việt Nam lần đầu dự thi nội dung |
Theo thethaovanhoa.vn