Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay xã Quang Trung (Tứ Kỳ) đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sản xuất...
Đồng ruộng rộng rãi, khang trang tạo thuận lợi cho nông dân xã Quang Trung đưa cơ giới vào sản xuất
Gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) gắn với chỉnh trang đồng ruộng (CTĐR), song nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến nay xã Quang Trung (Tứ Kỳ) đã cơ bản hoàn thành, tạo thuận lợi để nhân dân bước vào vụ gieo cấy lúa chiêm xuân 2015.
Nhân dân phấn khởi Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng thôn An Hưng vừa hoàn thành DĐĐT, ông Phạm Văn Nhiễm, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung vui mừng nói: "Giai đoạn đầu triển khai chủ trương DĐĐT gắn với CTĐR khó khăn chồng chất khó khăn, tưởng chừng xã sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian tập trung thực hiện, các công việc đều diễn ra khẩn trương. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành kế hoạch DĐĐT gắn với CTĐR. Cái được lớn nhất là bà con nông dân ai cũng phấn khởi, thấy được lợi ích thiết thực mà chủ trương đã mang lại".
Đang chuẩn bị đưa chiếc máy cày cỡ lớn vào làm tại thửa ruộng mới được chia lại, ông Nguyễn Văn Thái ở thôn An Hưng bày tỏ: "Chủ trương DĐĐT gắn với CTĐR là hoàn toàn đúng đắn, phục vụ lợi ích thiết thực lâu dài cho người nông dân chúng tôi. Nhà tôi có 9 sào ruộng, nhưng trước đây phải chia làm 6 thửa ở 4 xứ đồng khác nhau, việc đi lại và sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Nay dồn lại nhà tôi chỉ còn có 2 thửa ruộng nên rất thuận tiện cho việc đưa máy móc vào đồng ruộng, tiết kiệm công lao động, đầu tư sản xuất chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn".
Mấy người làm cùng khu ruộng với ông Thái cũng nói xen vào: "Sau khi DĐĐT, ruộng đồng rộng rãi dễ làm ăn hơn. Đường đi lối lại thông thoáng. Cái được nữa là kênh mương nội đồng đã được làm mới gọn gàng, nước tưới sẽ tự chảy đến từng chân ruộng, nông dân chúng tôi không còn phải vất vả như trước kia nữa".
Kế hoạch của xã Quang Trung là thực hiện DĐĐT trên diện tích 316 ha. Đến nay, 4 trong tổng số 7 thôn của xã là An Hưng, An Hộ, Mũ và Tứ Hạ đã hoàn thành việc chia ruộng cho nông dân. Còn lại 3 thôn, gồm: Mậu Công, An Tứ, An Vĩnh cũng đã cơ bản hoàn thành và giao ruộng cho nông dân trước khi bước vào đổ ải gieo cấy lúa chiêm xuân. Sau khi dồn ruộng, mỗi hộ dân trong xã còn 1-2 thửa, giảm 2-3 thửa so với trước đây. Cùng với DĐĐT, xã Quang Trung cũng sớm hoàn thành CTĐR với tổng khối lượng đào đắp trên 80 nghìn m3. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đều được đào đắp rộng rãi. Xã đã lắp đặt 1.010 chiếc cống lù tại các tuyến kênh mương phục vụ tưới tiêu. Cùng với sự đóng góp của nhân dân, xã trích ngân sách hỗ trợ 1 triệu đồng/ha cho DĐĐT; HTX dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ 90 triệu đồng. Sau khi chia ruộng, nông dân các thôn ở xã Quang Trung đã tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng để cày lật đất.
Phát huy dân chủXã Quang Trung được huyện Tứ Kỳ đánh giá là đơn vị điển hình trong triển khai thực hiện công tác DĐĐT gắn với CTĐR. "Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa ra chính là phục vụ lợi ích của nhân dân, từ đó nhân dân cần tích cực hưởng ứng", ông Phạm Văn Nhiễm cho biết thêm.
Cùng với huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, xã Quang Trung đã vận động những người cao tuổi ở các thôn, am hiểu về đồng ruộng và được nhân dân tin tưởng tham gia các tiểu ban DĐĐT. Trong quá trình thực hiện xã luôn tôn trọng, lắng nghe và giải quyết thấu đáo mọi ý kiến của nhân dân. Ban chỉ đạo xã và các tiểu ban làm nhiệm vụ định hướng, xây dựng kế hoạch và chỉ thực hiện khi có sự đồng thuận cao của nhân dân, chia ruộng một cách dân chủ, khách quan, công tâm để bảo đảm công bằng và đúng quy định.
Để mỗi hộ dân trong xã chỉ duy trì 1-2 thửa ruộng, bắt đầu từ vụ sản xuất chiêm xuân 2015, căn cứ vào diện tích sẽ cấy mạ dược, xã Quang Trung sẽ cho mỗi thôn mượn từ 5 sào đến 1 mẫu đất công điền để nông dân gieo mạ dược; còn lại khuyến khích nhân dân gieo mạ sân.
TIẾN MẠNH