Điện, đường, trường, trạm là những cái dễ thấy nhất thể hiện sự tiến bộ của một vùng nông thôn. Ngành điện luôn đi trước một bước trong xây dựng nông thôn mới.
Trạm biến áp 320 kVA thôn Quảng Xuyên, xã Tứ Xuyên vừa được ngành điện đầu tư xây dựng
"Thay máu" cho lưới điện hạ áp Lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) trên địa bàn tỉnh được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước, chủ yếu do các xã huy động người dân đóng góp, xây dựng nên không có quy hoạch và cũng không theo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong nhiều năm qua, do nhu cầu sử dụng điện ở khu vực nông thôn tăng nhanh, LĐHANT không bảo đảm đủ năng lực cấp điện dẫn đến nhiều khu vực điện áp thấp, mất an toàn và không đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trước năm 2007, LĐHANT chủ yếu do các HTX quản lý điện nông thôn làm chủ. Thiếu vốn nên các HTX hầu như chỉ khai thác sử dụng lưới điện được đầu tư từ trước, việc đầu tư, cải tạo không đáng kể, do vậy lưới điện ngày càng cũ nát, chất lượng điện không bảo đảm. Trong nhiều năm trước, ở các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người dân nông thôn đã bày tỏ mong muốn được mua điện trực tiếp từ ngành điện như người dân ở thành phố, thị xã.
Khi công ty mới tiếp nhận, tỷ lệ tổn thất điện năng của các xã rất cao, có nơi lên tới 30- 40%. Đến nay, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm còn khoảng 8,9%, chất lượng điện bảo đảm" .
|
Trước những yêu cầu chính đáng của người dân, từ năm 2007, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Công ty Điện lực Hải Dương) đã có chủ trương tiếp nhận lại LĐHANT từ các tổ chức quản lý điện nông thôn trên cơ sở các địa phương tự nguyện bàn giao. Ngay sau khi tiếp nhận, công ty từng bước cải tạo lưới điện để bảo đảm cơ bản đủ năng lực cấp điện và an toàn; thay thế hệ thống công tơ đo đếm để bảo đảm chính xác, công bằng giữa bên mua và bán điện. Công ty cũng lập kế hoạch đầu tư xây dựng nâng cấp LĐHANT như xây dựng thêm các trạm biến áp để giảm bán kính cấp điện, thay thế dây trần bằng cáp bọc, nâng cấp các đường dây hạ thế ở các thôn, xóm.
Tính đến tháng 11 - 2014, Công ty Điện lực Hải Dương đã tiếp nhận và bán lẻ điện đến 190 xã (kể cả các xã mới lên phường) trên địa bàn tỉnh với trên 350.000 hộ dân. Hiện chỉ còn 44 xã, thị trấn do các doanh nghiệp, HTX quản lý bán điện. Qua gần 8 năm tiếp nhận LĐHANT, Công ty Điện lực Hải Dương đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng hàng trăm km đường dây trung áp, 8 trạm biến áp 110 kV, trên 400 trạm biến áp chống quá tải, nâng dung lượng hàng trăm trạm biến áp cũ...
Trong tổng số 190 xã mà công ty đang quản lý LĐHANT, đã có 181 xã được đầu tư, cải tạo lưới điện đồng bộ, bảo đảm phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân hiện tại cũng như những năm tiếp theo. Hiện chỉ còn 9 xã (7 xã của huyện Cẩm Giàng và 2 xã của huyện Bình Giang do tiếp nhận sau) mới nâng cấp một phần, chưa được nâng cấp đồng bộ, công ty sẽ tiếp tục đầu tư trong năm 2015 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức (KFW).
Khi công ty mới tiếp nhận, tỷ lệ tổn thất điện năng của các xã rất cao, có nơi lên tới 30 - 40%. Đến nay, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm còn khoảng 8,9%, chất lượng điện bảo đảm, đã góp phần tích cực vào việc phát triển sản xuất và nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Đi tắt đón đầuNăm 2011, khi Chính phủ phát động phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), ngành điện sớm bắt nhịp và định hướng việc nâng cấp điện nông thôn phải theo quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Ngành đã xây dựng hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu tới năm 2020 và làm tiền đề cho các năm tiếp sau, bảo đảm yêu cầu điện cho NTM. Tiêu chí về điện của các xã NTM là "hệ thống lưới điện bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật an toàn của ngành điện và có 99% số hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ hệ thống điện". Qua kiểm tra ở 190 xã do Công ty Điện lực Hải Dương quản lý, bán lẻ điện, có thể bảo đảm 100% số xã đã đáp ứng tiêu chí này.
Việc ngành điện dốc hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh đã tạo nên một luồng gió mới, một bước đột phá về chất lượng điện nông thôn. Ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, từ khi tiếp nhận hệ thống lưới điện đến nay, ngành điện đã đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng 59 trạm biến áp và hàng chục km đường dây trung áp, bảo đảm hệ thống điện ở các xã quản lý hoạt động đồng bộ, ổn định, an toàn, chất lượng điện khác xa so với trước.
Phấn khởi khi xã vừa được đầu tư hệ thống lưới điện đồng bộ, ông Đặng Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) cho biết, năm 2012, xã bàn giao lưới điện cho Điện lực Tứ Kỳ quản lý. Ngành điện đã đầu tư trên 5 tỷ đồng nâng cấp toàn bộ hệ thống trung áp, hạ áp cho xã. Từ chỗ cả xã chỉ có 3 trạm biến áp (một trạm 100 kVA và 2 trạm 180 kVA), đến nay đã có tới 6 trạm biến áp, dung lượng gấp gần 4 lần so với trước. Điện trong xã ổn định, chất lượng điện rất tốt. Khi Tứ Xuyên mở rộng đường đáp ứng tiêu chí giao thông NTM, ngành điện chủ động di chuyển hệ thống đường dây. Nếu cứ để HTX quản lý điện như trước, không biết bao giờ xã có hệ thống điện như hiện nay.
Trong tổng số 58 xã xây dựng NTM giai đoạn 1, hiện vẫn còn 13 xã do các doanh nghiệp, HTX quản lý điện nông thôn nên chất lượng điện khó kiểm soát. Với nhu cầu sử dụng điện ở khu vực nông thôn hằng năm tăng bình quân từ 16 đến 18%, việc nâng cao năng lực cấp điện và cải tạo lưới điện ở khu vực nông thôn cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Về vấn đề này ngành điện đã có dự báo và xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân, các ngành, các địa phương cũng phải có kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp, HTX bán điện xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc đầu tư, xây dựng và nâng cấp lưới điện.
TRUNG TRỰC