Trong đợt sưu tầm kỷ vật chống Pháp, Bảo tàng tỉnh nhận được hàng trăm hiện vật liên quan đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Những kỷ vật này do các chiến sĩ hoặc người thân trong gia đình trao tặng. Mỗi kỷ vật gắn với một câu chuyện của thời lịch sử hào hùng.
Đợt sưu tầm kỷ vật chống Pháp, Bảo tàng tỉnh nhận được hàng trăm hiện vật liên quan đến chiến dịch
Điện Biên Phủ do các chiến sĩ hoặc người thân trong gia đình trao tặng
Không tiếc máu xươngTuổi 87, cựu chiến sĩ Điện Biên Hồ Văn Long ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Ký ức của người lính già về những ngày ở Điện Biên như vẫn còn vẹn nguyên.
Làm công tác anh nuôi, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở ra, ông Long được điều động sang tiểu đội tiên phong của Đại đoàn 316. Cả tháng trời, cứ chập tối, đơn vị ông từ trên rừng cơm nắm, muối riềng hành quân xuống chân núi đợi trời tối đào công sự. Nhưng đào được đến đâu, địch lại cho máy ủi, xe tăng lấp lại. Trước tình hình đó, ta bám chốt, khi địch mò ra thì nổ súng chống trả. Sau 1 tháng ròng rã đào hầm như thế, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra.
Đợt tấn công vào đồi A1 lần thứ nhất của ta vấp phải sự kháng cự quyết liệt nên phải rút để củng cố lực lượng. Sau đợt tấn công thứ nhất, tiểu đội của ông Long được điều sang mở đường cho trận đánh đồi A1 lần thứ 2. Ông Long được thăng làm Tiểu đội trưởng. Ông kể: Khoảng 9 giờ đêm 1-4-1954, tiểu đội tôi được lệnh chiếm cứ và chốt giữ đường vào trung tâm đồi A1. Bấy giờ toàn bộ cứ điểm đ ồi A1 đã bị bom đạn cày xới tan hoang. Tôi dẫn tiểu đội bí mật tiến lên tiếp cận được một cửa hầm. Đang lặng lẽ tiến vào, chợt nghe thấy tiếng địch ở phía trước, tôi lập tức ra lệnh cho đơn vị nổ súng chiến đấu. Địch chống trả quyết liệt. Từ trong bóng tối, chúng ném lựu đạn và bắn tới tấp về phía chúng tôi. Trận đánh diễn ra trong vài phút. Một số anh em trong tiểu đội hy sinh ngay tại chỗ. Phần tôi đang bắn bỗng thấy một tiếng nổ lớn ngay cạnh. Mắt tôi hoa lên và lịm đi. Lúc lơ mơ tỉnh lại, tôi thấy mình đang được ai đó vác lên vai chạy ngược xuống chân đồi, toàn thân tê dại. Khi tỉnh táo hẳn tôi mới biết mình bị thương ở đầu, hỏng một mắt cùng nhiều vết thương ở tay, chân. Tiểu đội của tôi hy sinh chỉ còn lại 2 người đều bị thương nặng".
Sau khi bị thương, ông Long được đồng đội ở một tiểu đội khác cứu sống. Rồi ông được chuyển về Phú Thọ điều trị. Ở đây ông nhận tin Điện Biên Phủ giải phóng cùng một hộp thịt bò và chiếc ca với lời nhắn nhủ đây là quà Bác Hồ tặng và khao các chiến sĩ Điện Biên. Sau khi hồi phục, trở lại đơn vị công tác, năm 1955, ông Long được đơn vị khen thưởng vì thành tích trong chiến đấu. Trên tờ giấy khen đen trắng đã cũ in hình 3 chiến sĩ có dòng chữ: "Bộ Tư lệnh Đại đoàn 316 khen thưởng Hồ Văn Long, Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 174 vì đã làm tròn nhiệm vụ, cùng 1 tổ cắt được 3 hàng rào dây thép gai ở đồi A3 và chiến đấu dũng cảm ở đồi A1 lần thứ 2". Chiếc ca cùng tờ giấy khen, tấm huy hiệu được ông Long giữ gìn trân trọng cho đến khi tặng cho Bảo tàng tỉnh.
Kiên cường bám trận địaTrong những kỷ vật tại Bảo tàng tỉnh còn có tờ giấy khen đã rách góc cùng chiếc áo trấn thủ sờn cũ của cựu chiến sĩ Điện Biên Hà Chí, quê xã Thái Dương (Bình Giang). Chiếc áo trấn thủ này ông được cấp vào mùa đông năm 1953 và đã theo ông Chí tham gia nhiều chiến dịch trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ. Còn tờ giấy khen ông có được nhờ thành tích tham gia mở đường kéo pháo vào trận địa.
Ông Chí nhớ lại: “Lúc đầu, ta lên kế hoạch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm: Đánh nhanh thắng nhanh. Để giữ bí mật việc sử dụng pháo lớn trong chiến dịch, ta quyết định dùng sức người kéo pháo vào trận địa. Việc đầu tiên là phải tiến hành mở đường. Trong một thời gian ngắn, bộ đội công binh đã bạt núi xẻ đồi, bắc cầu băng qua suối, qua các địa hình hiểm trở phục vụ cho việc kéo pháo. Là y tá, tôi được phòng quân y đại đoàn điều động sang phục vụ chiến đấu cho Trung đoàn 367 pháo cao xạ bảo vệ cho công binh mở đường kéo pháo. Mỗi khi máy bay địch bổ nhào, đơn vị súng cao xạ của chúng tôi nổ súng đánh trả khiến địch không dám ngang nhiên cắt bom. Bị tấn công, địch dùng súng máy bắn vào trận địa ta dữ dội làm không ít anh em bị thương. Trong một lần địch tấn công, tôi bị thương song vẫn bám trận địa để sơ cứu cho thương binh”. Sau lần kéo pháo đợt 1, ngày 26-2-1954 ông Hà Chí đã được Ban chỉ huy Trung đoàn 367 khen thưởng với thành tích bám trụ trận địa, kịp thời cứu chữa thương binh tại Điện Biên.
Kỷ vật về Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh còn có một bức ảnh đặc biệt chụp bộ đội rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tuần hành trên chiếc xe tăng chiến lợi phẩm tại sân bay Mường Thanh giữa tiếng hoan hô vang dậy của nhân dân năm 1954. Bức ảnh nói về Điện Biên Phủ sau ngày chiến thắng đã được ông Nguyễn Dương Hoành ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) lưu giữ suốt mấy mươi năm qua. Ông Hoành từng bị thương khi tham gia đánh đồi C1, có giấy báo tử rồi trở lại chiến đấu. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, Huân chương chiến công hạng nhất. Trong 3 chiến sĩ danh dự bước hàng đầu, ông Hoành là người bên trái, đại diện cho Sư đoàn 316. Ông Hoành nhớ lại: "Hôm đó là ngày 19-5, quân và dân ta ở Điện Biên Phủ tổ chức mít tinh mừng chiến thắng và kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ tại sân bay Mường Thanh. Không khí lúc đó vô cùng đông vui".
Ở Bảo tàng tỉnh hiện còn hàng trăm kỷ vật lưu giữ những câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ mà trong khuôn khổ bài báo nhỏ này không thể chuyển tải hết. Những kỷ vật về một trong những chiến công oanh liệt nhất của dân tộc sẽ được lưu giữ, mãi mãi là niềm tự hào của mỗi chúng ta.
NGUYÊN DÃ