Văn nghệ

Điện Biên - ngày xuân trở lại

KIM CHUÔNG 28/04/2024 10:45

Tôi đang đến với Điện Biên ngày mới. Một cảm giác, trong âm vang đang dồn xô giữa hai bờ sóng: Một Điện Biên và tôi. Một tiếng sóng của 70 năm - một thời xa oanh liệt.

z5372093694832_cee3871a538de2b9db1dc9c18b2e371e.jpg
Mỗi mùa xuân, nhiều cựu chiến binh khắp mọi miền Tổ quốc đều về Điện Biên dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Tiến Huy

Về miền "xứ Trời"

Giữa tháng tư, sau một ngày lạc vào Lóng Luông “miền tiên cảnh”, nơi đại ngàn hoa phơi đủ sắc màu của cao nguyên Mộc Châu, sớm xuân này theo quốc lộ 6, nhóm anh em chúng tôi đang bồng bềnh vượt qua 32 km dốc Pha Đin, giao điểm của hai huyện Thuận Châu (Sơn La) và Tuần Giáo (Điện Biên) là một trong “tứ đại đèo” vùng Tây Bắc, có độ cao tới 1.400 m.

Mùa xuân, hoa đang mùa nở rộ. Hoa mận trắng. Hoa chuối đỏ. Hoa ban phơn phớt tím bên màu trắng tinh khôi; rồi hoa đào, hoa lê, hoa dó và các loại lan rừng… Hoa như những mảnh trời nằm phơi bên sườn núi. Hoa như dòng suối mơ màng trôi lung linh ngang mặt. Hoa như gợi về một giấc mơ bỏ quên của nàng tiên nữ trong những câu chuyện kể sau giấc ngủ du xuân…

“Mùa này, đường lên Tây Bắc đẹp quá”, ai đó trong chúng tôi thỉnh thoảng lại thốt lên. Chả mấy đã bước vào những ngày Kỷ niệm 70 năm chiến thắng vĩ đại của mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ. Nhóm chúng tôi, những nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ trong chuyến đi nhằm vào năm đại Iễ, muốn tìm về mảnh đất Điện Biên trong ý nghĩa 70 năm tìm về cội nguồn đẹp đẽ này.

Đã bước vào tháng tư. Mùa làm rẫy. Mùa tu hú kêu vang dậy núi rừng. Kìa, lác đác những ngọn lửa ai đó đốt lên. Rồi ngọn khói bay dài như nét vẽ. Đây tiếng suối reo rí rách. Đâu đó, mùi hương hoa ngát thơm trong ngọn gió chảy dài... Và đây rồi, Điện Biên Phủ - một thành phố, một tỉnh lỵ ở miền Tây Bắc Việt Nam. Thành phố bao trùm toàn bộ cánh đồng Mường Thanh trong lòng chảo Điện Biên với chiều dài khoảng 20 km và chiều rộng trên 6 km. Điện Biên đã ôm quanh chúng tôi như vòng tay lớn.

kimchuong_2.jpg
Tác giả (bên phải) và nhà báo Phạm Xưởng trước hầm Đờ - Cát ở Điện Biên Phủ

Nhà báo, nghệ sỹ Hồng Hải, Phạm Xưởng, Doãn Thắng mải mê quay phim chụp ảnh. Tôi cùng Nguyễn Trọng, Mạnh Ngọc vội ghi đôi dòng cảm xúc rồi đứng lặng trên nóc hầm Đờ - Cát ngắm cây cầu Mường Thanh, buông tầm mắt nhìn dòng sông Nậm Rốm chảy dài. Có lẽ tự bao đời, Nậm Rốm đã bồi đắp lên Mường Thanh, vùng đồng bằng giữa lòng núi lớn nhất miền Tây Bắc đất Việt. Tôi bỗng dưng nghĩ về miền "xứ Trời", một truyền thuyết gắn với sự ra đời của dân tộc Thái, gắn với "đất Tổ" của nhiều ngành Thái ở vùng Đông Nam Á rộng lớn.

Vang lên một Điện Biên - Việt Nam với năm châu bốn biển

Tôi đứng bên chiếc xe tăng giặc Pháp nằm bỏ xác lại bên đường, say mê cùng đồng nghiệp chụp ảnh, quay những thước phim kỷ niệm. Chúng tôi ai nấy đều bồi hồi ngắm nhìn mảnh đất Điện Biên trong nỗi xúc động. Có lẽ ai nấy đều bâng khuâng hình dung lại một ngày của 70 năm trước. Tại vùng trũng lòng chảo của đất rừng Tây Bắc, mặt trời huy hoàng của đất nước đã sáng dậy từ đây. Có phải từ ngọn núi, dáng cây với viên sỏi, hòn đất của xứ sở này đã vang lên một Điện Biên - Việt Nam với năm châu bốn biển? Một Việt Nam đã “chín năm trường kỳ kháng chiến”, đánh thắng đội quân viễn chinh Pháp, chấm dứt 80 năm chịu khổ đau trước gông cùm, nô lệ…

Tôi quẩn quanh bên các bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ, quẩn quanh bên sườn đồi A1, kính cẩn thắp những nén nhang tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống đất này. Nơi đây năm 1954, người anh trai của tôi từng là một lính pháo tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên phủ. Hồi ấy khoảng 19- 20 tuổi, đang dự lớp đào tạo khóa huấn luyện pháo binh đầu tiên tại nước bạn, anh tôi được lệnh điều về giữ chốt ở cứ điểm của mặt trận. Anh đã hy sinh ở chiến trường Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. Đã 70 năm, tôi vẫn giữ cuốn nhật ký viết về “Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy” và 70 trang viết tay, tiểu thuyết mang tên “Trên đèo Cò Nòi” mà anh đang viết dở về trận đánh của những người lính trận. “Dào ơi! Thoắt đã qua đi quá nửa thế kỷ đời người”. Thời gian của gương mặt tháng năm - đất nước, thời gian của một mảnh đất trong dòng trôi, biến cải… Bỗng dưng nước mắt tôi cứ ứa ra với bao nhiêu buồn vui chen lẫn. Bao nhiêu rưng rưng trước những gì cảm nhận, khi sớm xuân này bàn chân tôi đang đặt trên mảnh đất kỳ diệu ấy.

nghiatrangdoia1_1.jpg
Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ

Đứng trước tượng đài Chiến thắng, đứng trước khu nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, đứng trước Bảo tàng Chiến thắng, khu quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ... tôi và những người bạn trân trọng đặt lên bó hoa tươi thắm, ngước mắt ngắm nhìn, ngưỡng vọng những người lính đang phất cao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng”. Những chiến sĩ từng làm nên trang sử oanh liệt giữa đất này, giữa mùa xuân hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc.

Ngày 28/4/1962, Cụm di tích lịch sử quốc gia Điện Biên được chính thức xếp hạng. Năm 2004, nhóm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng thật uy nghi, bề thế, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Di tích nằm bên đại lộ 279, chạy dọc thung lũng Mường Thanh, nơi diễn ra cuộc đọ sức lịch sử vĩ đại năm nào.

Ít ngày ở Điện Biên, tôi có dịp thăm khu chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, thăm hồ Pa Khoang, suối nước nóng Hua Pe, hồ U Va, thác Mường Luân, bia Lê Lợi và di tích Đèo Văn Long…

Điện Biên ngày càng mới

Điên Biên có 21 dân tộc anh em, 8 bản văn hóa du lịch. Ngày 26/9/2003, Điện Biên Phủ đã trở thành thành phố và là một trong những đô thị loại ba ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Dọc đường xuân về Điện Biên, điều đặc biệt là đến đâu, ở đâu, tôi cũng gặp “người Thái Bình” trên vùng “kinh tế mới”. Có lẽ câu ca: “Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình…” là thế. Cách đây gần hai mươi năm, Điện Biên đã có tới trên “40 hợp tác xã người Thái Bình” lên đây lập nghiệp. Năm 1954, giải phóng Điện Biên Phủ, có tới 2.000 chiến sĩ Điện Biên, người Thái Bình ở lại xây dựng các nông trường Mường Ẳng (Điện Biên). Tôi vào thăm nhà bác Cư, một chiến sĩ Điện Biên, quê gốc ở huyện Hưng Hà (Thái Bình). Đánh thắng giặc Pháp, bác Cư lấy vợ và ở lại xây dựng quê hương mới ngay trên đất “chiến trường xưa cũ”.

z5372205444703_7bbf50f9eb6e646b927364a6b0ca7d5d(1).jpg
Cầu Thanh Bình, công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Cuộc hội ngộ bất ngờ làm tôi vui hơn. Đó là tôi gặp thầy Đào Lưu. Bởi từ năm 1958, ngày ấy khi đang là học sinh lớp 3, lớp 4 từ huyện Thái Thụy (Thái Bình) thầy Đào Lưu sang huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) quê tôi dạy học. Học thầy hết niên học cấp một, thầy Đào Lưu cùng đội quân giáo dục xung phong lên miền núi công tác. Tôi tiếp tục theo học rồi rời trường đi lính. Tại Điện Biên, tôi gặp thầy khi đã qua trên 40 năm biệt tin, khi thầy đã là Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên. Thầy Đào Lưu vẫn đẹp, khoan thai, ấm áp và ắp đầy tình nghĩa một người thầy, người cán bộ cách mạng…

Là một nhà văn công tác ở một tỉnh đồng bằng cũng từ “buổi tương phùng” ấy, tôi có dịp nhiều hơn trong những chuyến đi mùa xuân tới vùng đất Điện Biên. Tôi đã có cơ hội đóng góp với đất này ở những đêm giao lưu văn nghệ nơi bản xa, xóm vắng. Những buổi giao lưu trò chuyện thơ ca với Trường THPT thị xã, Trường Cao đẳng ư phạm… Rồi hai Iần dự Iễ ra mắt sách của nhà báo, nghệ sĩ quay phim, nhiếp ảnh Hồng Hải.

Đất Điện Biên rộng dài, với khoảng 700 nghìn người sinh sống, gồm người Kinh (người Việt), còn lại số đông là người Thái, người Mông, người Si La... Các dân tộc thiểu số chiếm 1/3 dân số của thành phố. Về đường bộ, Điện Biên Phủ có 90 km nối với thị xã Mường Lay bằng quốc lộ 12. Cách Hà Nội 474 km theo đường 279 đến Tuần Giáo rồi chuyển sang quốc lộ 6.

Ở Tủa Chùa, Pú Nhi, chè tuyết shan đã làm nên uy tín thương hiệu của Điện Biên. Rồi cà phê ở Điện Biên, Mường Ảng; chăn nuôi đại gia súc ở Mường Nhé; đặc biệt khu quy hoạch bảo tồn thiên nhiên 46 ha ở Mường Nhé với với các loài động thực vật phong phú là tài nguyên quý để bảo tồn và xây dựng, hình thành vườn quốc gia tại khu vực này.

Điện Biên nằm ở ngã 3 biên giới giáp Trung Quốc và Lào, là cầu nối thuận lợi của khu vực Bắc Bộ với các tỉnh Bắc Lào và khu vực Tây Nam Trung Quốc. Trên khu vực biên giới Việt - Lào đã mở cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Xốp Hùn và cửa khẩu chính Huổi Puốc - Na Son. Trên tuyến biên giới Trung Quốc có cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú thuận lợi cho dịch vụ xuất khẩu. Sân bay Điện Biên được quy hoạch là sân bay quốc tế tiểu vùng, hiện có duy nhất ở khu vực miền núi phía Bắc.

Các mặt văn hoá - xã hội, y tế ngày càng được cải thiện. Trong phong trào "Xây dựng nông thôn mới", tỷ lệ hộ đói nghèo ở Điện Biên đã giảm khá nhiều.

Với thời gian ngắn vội trong một chuyến hành trình, tôi và nhóm anh em nghệ sĩ có dịp gặp và trò chuyện đôi chút với anh em văn nghệ sĩ, báo chí của tỉnh rồi theo chiếc xe của một cán bộ dẫn đường, nhóm chúng tôi lên cửa khẩu Tây Trang và dừng lại ở Sam Mứn, thăm nhà máy xi măng của Điện Biên.

Một chiều từ huyện Điện Biên, chúng tôi tìm về Phủ Chiềng Lễ, thắp hương nơi di tích cụ Hoàng Công Chất. Trong năm lần về với Điện Biên, lần nào tôi cũng về xã Noong Hẹt thắp hương, kính vái cụ.

Cụ Hoàng Công Chất vốn được gọi là Ải Chất (bố Chất), tên thật là Hoàng Công Thư, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Ba mươi năm, 1739 - 1769, Ải Chất đã lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, lãnh đạo nông dân các dân tộc thiểu số, đánh thắng giặc Phẻ (tức Pọng), xây dựng, phát triển 10 châu của Phủ An Tây. Ba mươi năm nổi dậy chống lại vua Lê chúa Trịnh, chiếm đất Mường Thanh, xây đắp thành lũy gọi là Phủ Chiềng Lễ. Một điều trùng lặp thật hy hữu, lạ kỳ, đấy là vào đúng tháng 5/1754, Hoàng Công Chất là người đầu tiên đánh tan quân giặc, giải phóng vùng đất Điện Biên. Rồi sau đó 200 năm, cũng đúng vào dịp tháng 5, đúng tròn hai thế kỷ sau, quân đội Việt Nam lại đánh thắng giặc Pháp, giải phóng mảnh đất Điện Biên lịch sử này.

Tôi đang đi giữa mùa xuân trên mảnh đất Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tôi đang đến với Điện Biên ngày mới. Một cảm giác, trong âm vang đang dồn xô giữa hai bờ sóng: Một Điện Biên và tôi. Một tiếng sóng của 70 năm - một thời xa oanh liệt. Với tiếng sóng trong lung linh nắng sớm, trong rạng ngời "gương mặt - xuân này" đang nhập hòa trong tôi, đang vang Iên khúc ca ngày mới…

TP Điện Biên Phủ, tháng 4/2024

KIM CHUÔNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện Biên - ngày xuân trở lại