Sáng 25-4, tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã long trọng tổ chức Lễ công bố đặt tên đường Võ Nguyên Giáp và Quảng trường 7/5.
Gia đình Đại tướng chụp ảnh lưu niệm với biển tên Đường Võ Nguyên Giáp tại buổi lễ. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ; đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gần 1.000 đại biểu ưu tú đại diện cho cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Tại buổi lễ, đại diện Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã công bố các quyết định về việc đổi tên đường 7/5 thành đường Võ Nguyên Giáp; đổi tên Quảng trường Trung tâm hội nghị văn hóa tỉnh thành Quảng trường 7/5.
Thay mặt chính quyền thành phố Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Huy Dự, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã tổ chức lấy ý kiến của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đối với việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp và Quảng trường 7/5.
Sau khi được đông đảo các cơ quan, đơn vị và nhân dân nhất trí, Hội đồng Nhân dân tỉnh có Nghị quyết và Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã ra quyết định. Đây là vinh dự rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.
Tuyến đường mang tên Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp có chiều dài gần 7km, rộng 32m, xuất phát từ đầu cầu Huổi Phạ (lý trình 71+286) đến hết cầu bêtông ranh giới giữa thành phố với huyện Điện Biên (lý trình 78+251,4).
Đường Võ Nguyên Giáp sẽ trải dài qua các phường Him Lam, Tân Thanh, Mường Thanh và Nam Thanh của thành phố Điện Biên Phủ, nằm song trùng trên Quốc lộ 279 hướng về Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang.
Việc chọn tuyến đường rộng nhất, dài nhất và đẹp nhất, đi qua nhiều di tích lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ như đồi Him Lam, E1, D1, A1 đồng thời còn đi qua Tượng đài Chiến thắng, Quảng trường 7/5, Nghĩa trang liệt sỹ A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ... mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam và đồng bào các dân tộc Điện Biên đối với công lao to lớn của Đại tướng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Quảng trường Trung tâm hội nghị văn hóa được đổi tên thành Quảng trường 7/5 với diện tích trên 16.000m2 là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, các lễ hội của tỉnh Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.
Quảng trường 7/5 nằm bên cạnh đường Võ Nguyên Giáp sẽ tạo điểm nhấn quan trọng để nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên ghi nhớ dấu ấn lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thay mặt gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng bày tỏ, con đường Võ Nguyên Giáp thể hiện tình cảm yêu quý, thủy chung của đồng bào tỉnh Điện Biên dành cho người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đó cũng là tình cảm dành cho các thế hệ lãnh đạo, các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên chiến trường, các thanh niên xung phong và hàng triệu đồng bào cả nước đã đóng góp xương máu cho chiến dịch này.
Tháng 4-2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lên thăm lại chiến trường cũ và đồng bào Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chúc Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Điện Biên cùng xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu mạnh, giữ gìn và phát huy ý nghĩa của di tích lịch sử trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Năm nay, dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng, Đại tướng không thực hiện mong ước trở lại với mảnh đất lịch sử này, thăm lại đồng bào Điện Biên, song ông vẫn luôn tin tưởng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong tỉnh cùng xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp.
Ông Võ Hồng Nam cũng bày tỏ tấm lòng biết ơn của gia đình đối với sự tri ân của đồng bào, chiến sỹ tỉnh Điện Biên đối với công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ 60 năm trước.