Điểm yếu của thanh niên: Vẫn học nghề theo kiểu ăn xổi

12/03/2010 15:37

Thực trạng thừa thầy thiếu thợ và thất nghiệp luôn là chuyện nóng vớigiới trẻ Việt Nam. Vậy nhưng, hành trình mang nghề và việc làm tới chothanh niên (TN) cũng lắm gian nan.

Chuyện tưởng như nghịch lý lại diễn ra trong quá trình 1 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho TN theo quyết định của Thủ tướng.

Thêm 800 ngàn TN có nghề, nghiệp

Trung tâm Giới thiệu việc TN Hải Dương mỗi năm được cấp kinh phí 2-3 tỷ đồng để hỗ trợ TN học nghề, tìm việc làm. Năm 2009, toàn tỉnh thu hút 3.000 bạn trẻ tham gia học nghề, 70% trong số đó có việc làm.

Tỉnh Thái Nguyên đã đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.500 TN theo nhu cầu thực tế trên thị trường như nghề may, sửa chữa máy, hàn xì... Tập huấn cho gần 200 bí thư, phó bí thư Đoàn xã nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Đoàn để tư vấn, định hướng cho TN.

Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho TN khá phong phú, bao gồm hội chợ việc làm, tọa đàm trực tuyến, trao đổi trực tiếp giữa TN với doanh nghiệp, ngày hội hướng nghiệp...

Năm 2009, cả nước tổ chức được 7.487 sàn giao dịch, ngày hội hướng nghiệp, ngày hội việc làm, thu hút 912.554 lượt TN tham gia: Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.176.838 lượt TN, giải quyết việc làm cho 353.055 TN, tăng 7,3% so với năm 2008.

Đoàn TN cả nước đã tham gia tổ chức dạy nghề cho 404.494 TN, tăng 50,5% so với năm 2008 (trong đó hệ thống trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm của Đoàn đào tạo cho 73.303 người).

Với TN nông thôn, các đơn vị đã tổ chức 34 lớp tập huấn về công tác xóa đói giảm nghèo cho khoảng 3.000 TN. T.Ư Đoàn triển khai 5 mô hình chuyển giao máy nông nghiệp hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề cho các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hải Dương, Kon Tum và Nghệ An...

Học nghề kiểu ăn xổi

Đó là một trong những cản trở lớn nhất trong việc thực hiện đề án. Phản ánh chung của cán bộ Đoàn cho thấy nhận thức trong việc học nghề của đa số TN còn hạn chế.

“Hầu hết TN đang học nghề theo kiểu ăn xổi, không muốn học mà chỉ muốn làm; rất nhiều TN học chưa đủ thời hạn đã bỏ đi làm”, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương, cho biết.

Anh Phạm Văn Thọ, Phó bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, cho rằng, cái khó khi thực hiện đề án không phải là đầu ra cho TN đã qua đào tạo mà chính là thái độ của họ. Vì trước đào tạo, ban chỉ đạo cũng đã cân nhắc ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Còn nhiều TN hiện nay trình độ thấp, nhưng vẫn muốn chọn nghành nghề nhàn rỗi thu nhập cao.

Bên cạnh đó, trung tâm giới thiệu việc làm TN các tỉnh còn gặp phải sự chồng chéo, cạnh tranh của các trung tâm khác của các ban ngành, đoàn thể khác. Anh Thọ cho hay, khi Đoàn TN đang triển khai đề án 103 thì Hội phụ nữ, Hội nông dân cũng có đề án về nghề nghiệp, việc làm. Trong khi đối tượng chủ yếu cần được đào tạo, hướng nghiệp ở đây lại chính là TN.

Hơn 50% số huyện chưa có nơi đào tạo nghề

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, năm đầu tiên thực hiện đề án, nhiều Tỉnh, Thành Đoàn vẫn còn lúng túng về cách thức, phương pháp tổ chức. Trong đề án, Thủ tướng có giao trách nhiệm cho UBND các cấp phải vào cuộc tham gia cùng Đoàn TN, nhưng đến nay mới chỉ có ít tỉnh (4 tỉnh) có Phó chủ tịch tỉnh tham gia ban chỉ đạo.

Hiện nay vẫn còn khoảng trên 50% số huyện chưa có trung tâm đào tạo nghề, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.

* Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư T.Ư Đoàn cho rằng, sau một năm thực hiện dù kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, nhưng điều quan trọng nhất là cán bộ Đoàn các cấp đã thay đổi nhận thức, thấy rõ trách nhiệm đồng hành cùng TN trong lập thân, lập nghiệp.

* Theo thống kê, gần 70% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo trong đó gần 80% TN trong độ tuổi 20-24 khi tham gia thị trường lao động chưa được đào tạo nghề hoặc chỉ được đào tạo kỹ thuật cơ bản ở một khâu, quy trình nhất định.     (Nguồn: T.Ư Đoàn).

(Theo Tiền phong)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm yếu của thanh niên: Vẫn học nghề theo kiểu ăn xổi