Điểm tựa cho những mảnh đời khó khăn

26/09/2020 18:49

Hơn chục năm nay, cơ sở sản xuất của chị Ngô Thị Thanh Nghìn (46 tuổi, ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, Ninh Giang) trở thành điểm tựa cho hàng chục lao động là người khuyết tật, chịu thiệt thòi trong cuộc sống.


HTX của chị Nghìn đang tạo việc làm cho trên 150 lao động địa phương và các xã lân cận

Sinh ra ở xã thuần nông, lại chỉ học hết THPT nên sau khi lập gia đình chị Nghìn cũng quanh quẩn công việc đồng áng như bao người khác. Sau đó, chị đi làm công nhân nhưng thu nhập không cao lại thiếu thời gian chăm sóc con cái, gia đình.

Năm 2008, qua người thân giới thiệu, chị Nghìn liên kết, nhận gia công hàng thủ công mỹ nghệ là đồ trang trí, thiệp... cho một doanh nghiệp ở TP Hải Dương. Một mình làm không hết việc, chị Nghìn rủ thêm gần chục người bạn, họ hàng làm cùng. Thấy công việc cho thu nhập khá, lại vẫn có thời gian chăm sóc gia đình, chị Nghìn thành lập Tổ liên kết làm thủ công mỹ nghệ, nhận thêm nhiều đơn hàng và giới thiệu cho nhiều phụ nữ ở địa phương cùng tham gia. Không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, chị Nghìn nhận hàng theo đơn giá của doanh nghiệp như thế nào thì lại đặt làm cho các công nhân như vậy. Gia đình chị chỉ lấy chi phí vận chuyển và kinh phí phát sinh trong quá trình sản xuất. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở địa phương và các xã lân cận tìm đến chị Nghìn để nhận việc làm. Vì công việc khoán theo sản phẩm nên mọi người có thể tranh thủ thời gian để làm. Người rảnh rỗi thì làm cả ngày tại cơ sở. Người bận đồng áng thì nhận việc về nhà làm. Nhiều người khuyết tật, tuổi cao bình thường không có công việc gì nay cũng nhận hàng về gia công để có thêm thu nhập. Trong tổ liên kết của chị Nghìn có 10 phụ nữ khuyết tật, nhiều người không thể đi lại bình thường nhưng vẫn có thể nhận việc về nhà làm cho thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng mỗi tháng. Cơ sở sản xuất của gia đình chị Nghìn không chỉ là nơi làm việc mà còn là gia đình thứ hai của nhiều lao động ở địa phương. Gắn bó với cơ sở sản xuất của chị Nghìn từ những ngày đầu, bà Vũ Thị Chuôm, 80 tuổi, ở thôn Bồ Dương chia sẻ: "Hằng tháng tôi vẫn có chút lương hưu nhưng cứ quanh quẩn ở nhà thì buồn. Đến đây làm vừa có thêm thu nhập mà chị em giao lưu, trò chuyện cũng khuây khỏa hơn. Gia đình chị Nghìn cũng rất quan tâm đến mọi người làm việc ở đây. Chúng tôi còn nuôi lợn tình thương để giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn".

Cách đây 2 năm, được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Phụ nữ huyện Ninh Giang, chị Nghìn thành lập HTX gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì, túi xách Nam Nghìn để mở rộng sản xuất. Gia đình chị đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc gia công bao bì thân thiện với môi trường cho một số doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Dương. Hiện HTX của chị Nghìn đang tạo việc làm cho trên 150 lao động địa phương và các xã lân cận. Năm nay, mặc dù hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng HTX vẫn bảo đảm công việc, thu nhập ổn định cho công nhân, người lao động. Thu nhập bình quân của công nhân tại đây từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận của HTX bình quân từ 300-350 triệu đồng/năm. "Bản thân vốn là người lao động nên tôi luôn đặt lợi ích của chị em lên trên hết và đây cũng là cách để mọi người gắn bó với cơ sở của tôi lâu dài. Có thể kinh doanh không quá thành công nhưng tôi rất vui, tự hào vì giúp được những hoàn cảnh yếu thế ở địa phương tự lập, tự tin hơn trong cuộc sống", chị Nghìn chia sẻ.

Cùng với chèo lái HTX, chị Nghìn còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Với cương vị Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Bồ Dương, chị luôn hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc chung. HTX Gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì, túi xách Nam Nghìn luôn đi đầu, tích cực ủng hộ kinh phí cho các phong trào ở địa phương.

Với những cố gắng, thành tích đạt được, chị Nghìn đã nhiều lần được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ tỉnh và huyện khen thưởng. Năm nay, chị Nghìn vinh dự là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh giai đoạn 2015-2020.

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm tựa cho những mảnh đời khó khăn