Giới chuyên gia nhận định điểm nóng Hong Kong là nguy cơ địa chính trị lớn nhất hiện nay đối với thị trường toàn cầu, theo CNBC.
Cuộc biểu tình Hong Kong ngày một trở nên căng thẳng
Trả lời phỏng vấn CNBC, trưởng kinh tế gia ngân hàng đầu tư Berenberg, Holger Schmieding, cho rằng viễn cảnh tồi tệ nhất nay đã "khá rõ ràng" sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua 2 dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong.
Động thái này một lần nữa khơi lại căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28.11 cáo buộc Mỹ có "mưu đồ hiểm ác".
"Hong Kong hiện đang là nguy cơ địa chính trị lớn nhất đối với thị trường. Nếu tình hình Hong Kong leo thang xấu đi, và nếu chúng ta khiến Trung Quốc can thiệp mạnh tay bằng quân sự, thì cơ hội cho Mỹ chốt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc gần như là không thể, ngay cả khi chỉ là một thỏa thuận mang tính hình thức", ông Schmieding nhấn mạnh.
Cũng theo ông này, Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ khó lòng đạt được thỏa thuận nào với Trung Quốc. Vì vậy, tình hình suy yếu của nền công nghiệp toàn cầu sẽ kéo dài do căng thẳng thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (bìa phải) tại cuộc gặp song phương ở Argentina
Mỹ và Trung Quốc bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" từ hồi tháng 10. Thỏa thuận này được xem như tiền đề cho các thỏa thuận sâu hơn nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thị trường toàn cầu đã trải qua nhiều tháng bấp bênh với các tín hiệu lẫn lộn từ diễn biến trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giữa bối cảnh này, phong trào biểu tình ở Hong Kong nổ ra thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Từ việc phản đối dự luật dẫn độ với Trung Quốc, phong trào này dần trở thành những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Hong Kong.
Kể từ đó, Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần căng thẳng vì vấn đề tại Hong Kong.
Dù vậy, ông Schmieding cho rằng cả 2 bên vẫn đang kiềm chế. Theo ông này, trong khi Bắc Kinh vẫn đặt ưu tiên bảo vệ nền kinh tế của mình, đạo luật được ông Trump ký không nhất thiết phải có ảnh hưởng nào rõ rệt.
Tương tự, chuyên gia Ben Emons đến từ Hãng tư vấn Ben Emons cũng cho rằng đạo luật mới sẽ không ảnh hưởng đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Một số chuyên gia cũng không cho rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng quân sự. Theo họ, đây là phương án quá tốn kém đối với Trung Quốc.
Nhà phân tích độc lập Fraser Howie cảnh báo biện pháp quân sự sẽ có "sức tàn phá rất lớn đối với Trung Quốc và là dấu chấm hết cho Hong Kong mà chúng ta được biết".
Theo Tuổi trẻ