Điểm nhấn trong quy hoạch vùng tỉnh là việc vạch ra định hướng phát triển không gian vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và TP Hải Dương trở thành đô thị loại I sau năm 2020.
Thị trấn Phú Thái (Kim Thành) được quy hoạch trở thành đô thị hạt nhân của vùng
Ảnh: Thành Chung
Tỉnh ta nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, vùng Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngoài ra, tỉnh ta còn nằm trong nhiều hành lang kinh tế - kỹ thuật mang tầm quốc gia như các tuyến đường cao tốc, đường sắt, mạng tuyến cấp điện, năng lượng, thông tin liên lạc... Với diện tích tự nhiên 165.480 ha, theo quy hoạch, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá của Hải Dương sẽ đạt 42 - 45% và chạm mức 50 - 55% vào năm 2025, dân số khoảng 2 triệu người. Căn cứ trên hiện trạng và các tiền đề phát triển của tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương đã đưa ra được các định hướng phát triển, từ đó xác định các chương trình dự án ưu tiên trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Tiến Hoá, Giám đốc Sở Xây dựng, điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng nhất trong quy hoạch vùng (QHV) tỉnh là việc vạch ra định hướng phát triển không gian vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là nền tảng và đòn bẩy cho các mục tiêu khác, góp phần đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và TP Hải Dương trở thành đô thị loại I sau năm 2020. Đến năm 2030, Hải Dương sẽ trở thành tỉnh phát triển năng động và hiệu quả, với một nền công nghiệp theo hướng hiện đại, mang tầm quốc gia và khu vực.
Theo đó, Hải Dương sẽ hình thành 3 cụm đô thị động lực mạnh là TP Hải Dương; cụm Chí Linh, Kinh Môn và cụm Thanh Miện - Tứ Kỳ - Ninh Giang. Đồng thời, quy hoạch cũng đã đưa ra những lựa chọn trục và hành lang phát triển chính gồm 3 hành lang Đông Tây, 3 hành lang Bắc Nam: hành lang phát triển trung tâm dọc theo hành lang trục quốc lộ 5; hành lang phát triển phía bắc dọc theo hành lang trục quốc lộ 18; hành lang phát triển phía nam dọc theo các trục lộ 392 và rõ ràng hơn khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành; hành lang theo trục Bắc Nam với quốc lộ 37 ở trung tâm, nối TP Hải Dương với thị xã Chí Linh (phía Bắc) và Thanh Miện (phía Nam); hành lang theo trục Bắc Nam phụ phía đông tỉnh lộ 388 và hành lang Bắc Nam phụ phía tây dọc theo quốc lộ 38, tỉnh lộ 392. Ngoài ra, quy hoạch cũng đã định hướng phát triển theo 3 vùng chức năng là: vùng công nghiệp - đô thị - du lịch - sinh thái phía bắc với nền đất tốt, cảnh quan đẹp, nhiều di tích lịch sử và nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng phong phú; vùng công nghiệp - đô thị - dịch vụ trung tâm có đất đai, mặt bằng xây dựng sẵn có cùng các điểm dân cư đô thị, các khu, cụm, nhà máy, cơ sở dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật như quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt, thông tin liên lạc... tương đối đồng bộ; vùng công nghiệp - dịch vụ phía Nam, khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành sẽ hình thành vùng công nghiệp - dịch vụ trọng điểm.
Đối với phân vùng phát triển kinh tế, ông Nguyễn Tiến Hoá cho rằng, tổng diện tích các khu và cụm công nghiệp nên dừng lại ở mức 7.500 ha, với khoảng 23 khu và 40 – 45 cụm công nghiệp, phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, gắn với lao động việc làm, đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi cho công nhân, có tác dụng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phi nông nghiệp và đô thị hoá. Nông – lâm nghiệp sẽ phát triển theo hướng hiện đại, toàn diện, đa dạng, năng suất cao, bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh và quốc gia. Quỹ đất cố định dành cho trồng lúa tới năm 2015 là 58.000 ha và ngoài năm 2020 là 55.000 ha cùng với 25.000 ha cây ăn quả và 11.000 ha rừng các loại. Các vùng có thế mạnh để sản xuất lúa tập trung chất lượng cao là Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thành Miện, Ninh Giang; rau an toàn ở Gia Lộc, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành; cây ăn quả ở Thanh Hà, Chí Linh.
Đối với hệ thống mạng lưới đô thị, quy hoạch đã lựa chọn phương án phân bổ điều hoà, hợp lý ở các cực phát triển với một số đô thị hạt nhân trung tâm vùng như: TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, thị xã Kinh Môn, thị trấn Phú Thái (Kim Thành), thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), thị trấn Thanh Miện (Thanh Miện)... Điểm thuận lợi là sự phát triển theo hướng này sẽ tận dụng được hệ thống giao thông đầu mối và nội vùng bảo đảm đủ, thuận lợi cho vận chuyển, giao lưu phát triển kinh tế trong và ngoài vùng; hệ thống công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp phân bố đồng đều, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế với mũi nhọn công nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu đô thị hoá cao; hệ thống đô thị phân bố thành điểm quy mô tập trung hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng, phá thế phát triển kéo dài liên tục trên các trục giao thông chính của vùng... Theo ông Nguyễn Tiến Hoá, các đô thị trong tỉnh sẽ phân bố theo trục hành lang, theo chùm với một đô thị làm trung tâm, phân bố theo cụm hoặc phân bố độc lập. Trong đó, mỗi vùng sẽ có một đô thị hạt nhân trung tâm vùng.
Cùng với quy hoạch mạng lưới đô thị, quy hoạch cũng đã đưa ra hướng tổ chức mạng lưới dân cư nông thôn. Theo đó, mạng lưới dân cư nông thôn có khoảng 10 nghìn điểm, giữ nguyên hình thái phân bổ truyền thống là điểm, cụm và tuyến điểm. Động lực phát triển các điểm dân cư nông thôn là tiểu, thủ công nghiệp và các làng nghề. Bên cạnh đó, các thị tứ là những hạt nhân thúc đẩy quá trình đô thị hoá nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 95 – 100% điểm dân cư nông thôn đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Như vậy, quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội – đô thị - môi trường sinh thái, khai thác và phát huy những lợi thế phát triển của tỉnh, xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất, xã hội, kỹ thuật tiên tiến, hệ thống đô thị hiện đại cùng các điểm dân cư nông thôn văn minh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
VỊ THỦY