Điểm cao vẫn trượt đại học

09/08/2017 07:09

Không ít thí sinh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổng điểm 3 môn đạt từ 28 - 30 điểm nhưng vẫn trượt đại học nguyện vọng 1 và Hải Dương không phải ngoại lệ...




Nhiều thí sinh có điểm số cao vẫn trượt nguyện vọng 1 vì điểm ưu tiên thấp hoặc
không đáp ứng được tiêu chí phụ mà trường đại học đưa ra


Trượt vì tiêu chí phụ

Có tổng điểm 3 môn toán, sinh học, hóa học là 28,75 (đã cộng 0,5 điểm ưu tiên khu vực), Nguyễn Chung Anh, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) tự tin đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội. Cả gia đình đều tin tưởng Chung Anh sẽ đỗ vì điểm của em xếp thứ 391 trong tổng số 500 hồ sơ nộp về khoa. Tuy nhiên, Trường Đại học Y Hà Nội lại công bố điểm chuẩn xét tuyển cho ngành này lên tới 29,25 điểm. "Tôi không nghĩ con mình được gần 29 điểm mà bị trượt. Những thí sinh khác chỉ được 27,5 - 28 điểm lại trúng tuyển do được cộng 1,5 - 2 điểm ưu tiên vùng miền hoặc diện con em gia đình chính sách, trong khi Chung Anh điểm cao hơn lại bị loại, rất thiệt thòi”, chị Phạm Thị Tâm, mẹ của Chung Anh nói.

Từ ngày 1.8, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn tuyển sinh nguyện vọng 1. Do năm nay không bị giới hạn đăng ký nguyện vọng nên hầu hết thí sinh có điểm cao đều nộp hồ sơ vào những ngành mà mình mong muốn, đã dẫn tới điểm chuẩn một số ngành “hot” tăng cao kỷ lục.

Mức điểm chuẩn cao nhất ở các trường quân đội lên đến 30 điểm. Ở nhóm trường công an, điểm chuẩn cao nhất của Đại học Phòng cháy chữa cháy lên đến 30,25 điểm tổ hợp A00, nữ, phía Bắc; ngành ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân 30,5 điểm. Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh có mức điểm cao kỷ lục 29,25 điểm. Đại học Ngoại thương cũng có ngành lấy điểm chuẩn cao nhất lên tới 28,25. Một số ngành khác của trường này là kinh tế, kinh tế quốc tế, luật cũng lấy cao hơn 2 - 3 điểm so với năm ngoái. Ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân, những ngành kế toán, kinh tế quốc tế có điểm chuẩn cao nhất 27 điểm, tăng 1,5 điểm so với năm trước. Ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng lập kỷ lục điểm chuẩn là 28,25 điểm. Ở nhóm ngành khoa học xã hội, điểm chuẩn ngành Đông phương học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là 28,5 điểm, cao nhất trong hệ thống đào tạo của trường này…

Điểm chuẩn ở các trường tăng cao kỷ lục nằm ngoài dự tính của nhiều thí sinh. Không ít trường hợp có điểm cao chủ quan chỉ đăng ký nguyện vọng ở một vài ngành học mình thích (trong khi mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 20 nguyện vọng), đến khi các trường công bố điểm chuẩn mới vỡ lẽ mình bị trượt. Thí sinh Nguyễn Hữu Công ở TP Hải Dương có tổng điểm 3 môn khối B là 28,25 nhưng vẫn không trúng tuyển vào Học viện Quân y và Đại học Y Hà Nội do những ngành Công chọn đều có điểm chuẩn cao hơn từ 0,5 điểm trở lên.

Do hồ sơ thí sinh có điểm cao nộp vào nhiều trong khi chỉ tiêu xét tuyển chỉ có hạn nên nhiều trường đặt ra tiêu chí phụ để tuyển sinh. Chẳng hạn như điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ phía Bắc xét tuyển theo tổ hợp A00 vào Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy là 30,25 điểm. Tuy nhiên, không phải thí sinh cứ đạt điểm này là trúng tuyển. Do số thí sinh bằng mức điểm chuẩn cao hơn so với chỉ tiêu nên trường yêu cầu ngoài đạt 30,25 điểm  thí sinh còn phải có “điểm khi chưa làm tròn phải đạt từ 28,35 điểm trở lên”. Học viện An ninh đưa ra tiêu chí phụ “thí sinh ngoài đạt điểm chuẩn của trường phải có điểm môn ngữ văn đạt 8,25 trở lên”. Một số học sinh ở Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi thừa điểm đỗ vào Học viện An ninh nhưng lại trượt vì không đạt tiêu chí phụ.

Bất hợp lý

Một số nhà quản lý giáo dục và giáo viên nhận định việc thí sinh đạt tới 28 - 30 điểm mà vẫn trượt nguyện vọng 1 đại học có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ đề thi. Có ý kiến cho rằng kết cấu đề thi năm nay có 60% câu hỏi ở mức độ thông hiểu, nhận biết, tức là những kiến thức căn bản mà hầu hết thí sinh đều có thể làm được bài. 40% số câu hỏi còn lại mang tính phân hóa học sinh nhưng không đạt, lại làm bài theo hình thức trắc nghiệm, có yếu tố may rủi. Đề thi dễ dẫn tới “mưa điểm 10” (cả nước có hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10), mặt bằng điểm của thí sinh tăng cao, có hàng loạt thí sinh bằng điểm nhau cùng đăng ký xét tuyển nên buộc các trường phải đưa ra các tiêu chí phụ trong xét tuyển để lọc thí sinh.

Tại kỳ thi năm nay, có thêm 3 môn toán, lịch sử, địa lý thi trắc nghiệm. Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét cắt bớt môn thi trắc nghiệm vì thi theo hình thức này mang tính may rủi rất cao, không phản ánh hết thực lực học của các thí sinh. Ở những môn xã hội, nhất là môn lịch sử đòi hỏi khả năng phân tích, đánh giá, lập luận, suy luận logic của thí sinh trong quá trình làm bài. Nếu làm bài tự luận thì sẽ phân hóa rõ ràng được năng lực học tập của học sinh. Còn thi trắc nghiệm các em sẽ không thể hiện được những khả năng này, thậm chí còn chọn đáp án sai, trong khi những học sinh học kém, không biết gì về phần đó lại “chọn liều” may được đáp án đúng. Nếu một đề thi phân hóa tốt thì không cần đến các tiêu chí phụ để xét tuyển.

Điều kiện học tập giữa các thí sinh khu vực thành thị và khu vực nông thôn hiện không còn nhiều khoảng cách như trước đây. Do vậy, để tránh thiệt thòi cho nhiều thí sinh được điểm cao mà vẫn trượt đại học, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét giảm bớt điểm ưu tiên theo vùng với khoảng cách hợp lý hơn. “Tôi biết có học sinh còn chạy chế độ để làm con nuôi thương binh, chuyển hộ khẩu thường trú từ khu vực thành thị về khu vực nông thôn để lấy điểm ưu tiên cao hơn", một giáo viên ở huyện Tứ Kỳ nói.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Điểm cao vẫn trượt đại học