Dịch vụ ô tô đưa đón học sinh: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

11/09/2019 16:38

Những năm gần đây, nhu cầu thuê ô tô đưa đón học sinh ngày càng cao. Bên cạnh những tiện lợi mà dịch vụ này mang lại thì nhiều chuyến xe ô tô đưa đón học sinh còn mất an toàn giao thông.


Ô tô đưa đón học sinh ở Trường Tiểu học Lai Cách (Cẩm Giàng) gây ùn tắc giao thông

Xe không đăng kiểm vẫn chở học sinh

Đầu tháng 8 vừa qua, một học sinh lớp 1 Trường Gateway (TP Hà Nội) đã tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô. Vụ việc này làm dấy lên lo ngại về dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh liệu có bảo đảm các điều kiện an toàn?

Hiện nay, nhiều phụ huynh chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề an toàn khi thuê cả ô tô không có đăng kiểm, không bảo đảm yêu cầu để chở con em mình. Có mặt tại cổng Trường Tiểu học An Thanh (Tứ Kỳ), chúng tôi thấy một chiếc ô tô 16 chỗ màu trắng cũ nát hiệu Mercedes. Một số người dân sống ở khu vực này cho biết đây là xe chuyên đưa đón học sinh. Qua quan sát bằng mắt thường cũng dễ thấy chiếc xe không được phép lưu hành khi không có phù hiệu, đăng kiểm, biển số bị mất một nửa. "Nhà trường rất lo lắng về an toàn cho học sinh và đã nhiều lần tuyên truyền phụ huynh cần chọn xe bảo đảm nhưng họ vẫn phớt lờ", cô giáo Phạm Thị Xoan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thanh nói.

Hằng ngày, điểm Trường Tiểu học Lai Cách (Cẩm Giàng) có hơn 10 chiếc ô tô 16 chỗ đưa đón học sinh. Phần lớn xe có chất lượng khá tốt nhưng vẫn còn một số xe đã cũ, 1 xe không có đăng kiểm. Nhiều xe không còn nguyên trạng mà được cải tạo lại sàn, thay toàn bộ ghế của xe thành các hàng ghế tự chế nhằm tăng số lượng chỗ ngồi.

Ngoài ra, mối nguy hiểm còn đến từ việc nhiều xe không có kính, không được trang bị búa thoát hiểm. Xe chỉ có lái xe, không có người tham gia đưa đón, quản lý học sinh hoặc xử lý tình huống khi cần thiết. Do đoạn đường trước cổng Trường Mầm non An Thanh (Tứ Kỳ) hẹp nên trường phải để các ô tô đưa đón trẻ vào trong sân nhằm tránh ách tắc giao thông. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi thấy việc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng chưa biết giải quyết thế nào. Trường đã báo cáo lãnh đạo địa phương để tìm phương án tháo gỡ".

Thực tế diễn ra nhiều năm nay là hầu như không có cơ quan chức năng nào cũng như ngành giáo dục nắm được cụ thể, chính xác có bao nhiêu ô tô hợp đồng (xe kinh doanh theo hợp đồng), bao nhiêu xe hết hạn sử dụng, không bảo đảm yêu cầu dùng để đưa đón học sinh. Phần lớn ô tô đưa đón trẻ, học sinh do phụ huynh đứng ra thuê và chỉ thỏa thuận miệng. Từ đó, cơ quan quản lý của ngành giáo dục, các trường rất khó nắm bắt thông tin, giám sát về xe và chủ xe. Nhiều chủ xe đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo này để thay đổi kết cấu trong xe, dùng xe mất an toàn và xe không còn niên hạn sử dụng đưa đón học sinh.

Anh V.V.S. một chủ xe đưa đón học sinh ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) cho biết anh nhận đưa đón 50 cháu. Tuy xe đã hết thời hạn đăng kiểm từ cuối năm 2018 nhưng anh chưa đăng kiểm lại vì nghĩ chỉ chạy loanh quanh trong xã. Do mức thu từ 200.000 - 220.000 đồng/học sinh/tháng nên nếu đăng kiểm cộng các chi phí khác thì thu nhập không còn được bao nhiêu.


Chiếc xe không có đăng kiểm và cũ nát dùng để đưa đón học sinh ở Trường Tiểu học An Thanh (Tứ Kỳ)

Cần kiên quyết xử lý

Sau khi xảy ra vụ việc một học sinh Trường Gateway tử vong, nhiều địa phương đã tích cực phối hợp quản lý, giám sát ô tô đưa đón học sinh. "Phòng đang phối hợp tổ chức rà soát, nắm chắc thông tin để đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý những ô tô không bảo đảm yêu cầu", ông Lê Tiến Đạt, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Ninh Giang thông tin.

Bà Lê Thị Chuyên, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Hà cho biết đối với các trường hợp cha mẹ tự hợp đồng dịch vụ ô tô đưa đón, phòng yêu cầu các trường chủ động tuyên truyền, tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không thuê xe đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn. Phụ huynh giao ước chặt chẽ với chủ phương tiện về bảo đảm an toàn trong quá trình đưa đón con em.     

Năm học này, Sở GDĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh để ngăn ngừa rủi ro xảy ra khi sử dụng dịch vụ ô tô đưa đón học sinh. Trong đó, lưu ý các quy định về an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kỹ năng thoát hiểm lúc gặp sự cố, xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp. Đối với các cơ sở giáo dục có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô cần lựa chọn đơn vị cung cấp có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định. Lái xe phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt, giao tiếp, ứng xử văn hóa với học sinh, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông.          

Tuy nhiên, nếu chỉ có nỗ lực của ngành giáo dục thì không thể bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng ô tô đưa đón. Cô giáo Hoàng Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) chia sẻ: "Chúng tôi không có chức năng kiểm tra, xử lý ô tô vi phạm mà chỉ tuyên truyền và yêu cầu chủ xe, phụ huynh cung cấp thông tin những học sinh, số điện thoại liên hệ khi cần để quản lý các em tốt hơn".

Để hoạt động dịch vụ ô tô đưa đón học sinh vào nền nếp và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các em, nhiều trường đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ xe đưa đón học sinh, kiên quyết xử lý những ô tô đã hết hạn sử dụng, không bảo đảm yêu cầu, vi phạm pháp luật.

TRUNG MẠNH

(0) Bình luận
Dịch vụ ô tô đưa đón học sinh: Tiềm ẩn nhiều rủi ro