Hiện mỗi ngày, Viện Mắt Trung ương khám và điều trị khoảng 400 bệnh nhân đau mắt đỏ, chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Mặc dù xuất hiện muộn hơn năm ngoái nhưng dịch đau mắt đỏ đang có xu hướng tăng nhanh. Điều đáng nói là vẫn còn phổ biến tình trạng người dân khi bị đau mắt đỏ đã tự mua thuốc về uống và nhỏ mắt dẫn đến biến chứng và lâu khỏi.
Bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong mấy ngày gần đây tăng. Nếu như tuần trước, số người đến khám bệnh này chỉ chiếm khoảng 10% thì nay đã tăng lên 40%.
Bác sỹ Trần Khánh Sâm đang khám cho bệnh nhân
Các bác sỹ khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay xuất hiện muộn hơn so với năm ngoái, tuy chưa có kết quả xét nghiệm phân lập chủng virus, nhưng những biểu hiện lâm sàng rất giống với thể đau mắt đỏ do Cocsakivirus gây ra trong vụ dịch năm 2013. Hiện mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương khám và điều trị khoảng 400 bệnh nhân đau mắt đỏ, chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Anh Nguyễn Văn Thắng ở phố Đội Cấn, Hà Nội cho biết, anh bị lây đau mắt đỏ sau khi tiếp xúc gần với một người mắc dịch bệnh này mà không đeo khẩu trang.
Bác sỹ Trần Khánh Sâm, Phó trưởng khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hiện đang trong thời điểm đầu mùa dịch, bệnh viện chưa phát hiện trường hợp nào đau mắt đỏ bị biến chứng nặng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân khi bị đau mắt đỏ không tự mua thuốc về điều trị, trong đó có cả những loại thuốc có hoạt chất corticoid làm bệnh lâu khỏi và có thể gây biến chứng thành bệnh thiên đầu thống hoặc đục thủy tinh thể.
Theo BS Trần Khánh Sâm, đường lây truyền của bệnh đau mắt đỏ là lây qua đường hô hấp, nước bọt, nước mắt, dịch mũi bệnh nhân; chạm vào những vật dụng hoặc sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt ít nhất 3 lần hàng ngày bằng nước muối sinh lý vào các buổi sáng, trưa, tối; không dùng chung đồ đạc với người bị bệnh đau mắt đỏ; hạn chế tiếp xúc với người bệnh; không sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm và hạn chế đi bơi.
VĂN HẢI(VOV)