Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường tại nhiều nước trên thế giới

24/02/2020 17:47

Dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 12.2019 ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tính đến 16 giờ 30 ngày 24.2.2020, dịch đã khiến 77.150 ca nhiễm và 2.592 ca tử vong ở Trung Quốc đại lục.

Người dân Iran đeo khẩu trang khi ra đường trong bối cảnh dịch Covid-19 có nguy cơ lan rộng. Ảnh: AP

Nhưng nỗi lo Covid-19 giờ đây không chỉ trong phạm vi Trung Quốc mà nó đã lan rộng sang 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đáng lo ngại là trong khi số ca nhiễm mới Covid-19 ở Trung Quốc đại lục được thông báo giảm trong 2 ngày cuối tuần qua thì diễn biến dịch ở những nơi khác trên thế giới lại hết sức phức tạp, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus trên toàn cầu lên xấp xỉ 80.000 người.

Trung Quốc vẫn là “tâm dịch”

Kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12.2019 đến nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang gây lo ngại ở quốc gia này bởi những diễn biến phức tạp của nó. Tuy nhiên, không thể phủ nhận số ca nhiễm mới ở nước này đã được ghi nhận giảm liên tiếp.

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày 23.2 đã giảm so với 648 ca trong ngày 22.2. Ngoài ra, ngày 23.2 cũng là ngày thứ 6 liên tiếp tỷ lệ khỏi bệnh và được xuất viện tính trong một ngày nhiều hơn số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục. Cụ thể, 1.846 người đã được ra viện sau khi phục hồi.

Tính đến hết ngày 23.2, tổng cộng 24.734 bệnh nhân nhiễm đã được xuất viện kể từ khi dịch bùng phát. Trong ngày 23.2, NHC ghi nhận có 24 tỉnh, thành ở Trung Quốc đại lục không có ca nhiễm mới nào.

Trung Quốc khẳng định việc số ca nhiễm mới giảm đáng kể là một dấu hiệu cho thấy họ đã kiểm soát được dịch bệnh nhờ hàng loạt biện pháp, trong đó có cách ly tâm dịch Hồ Bắc và hạn chế sự đi lại của người dân tại các thành phố trên toàn quốc.

Hàn Quốc - số ca nhiễm mới tăng theo cấp số nhân

Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc đang thật sự trở thành một “điểm nóng” mới trong giai đoạn bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong vài ngày qua và số trường hợp nhiễm bệnh tại Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc đại lục.

Tính đến 16 giờ 30 chiều 24.2, nước này đã ghi nhận ca tử vong thứ 7, trong khi số người nhiễm Covid-19 đã lên tới 833 người. Hơn một nửa trong số này là những người có liên quan đến giáo phái Shincheonji ở TP Daegu, đông nam đất nước, do bị lây nhiễm bởi một người phụ nữ vốn là thành viên nhà thờ Shincheonji ở Daegu (thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc).

Người phụ nữ này 61 tuổi, có biểu hiện triệu chứng lần đầu vào ngày 10.2 nhưng đã từ chối xét nghiệm 2 lần với lý do không xuất cảnh trong thời gian gần đây. Trước khi bị chẩn đoán bị bệnh, bà đã tham gia ít nhất 4 lễ cầu nguyện tại nhà thờ và đến 1 bệnh viện.

Trước tình hình gia tăng của dịch Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc ngày 23.2 đã nâng mức cảnh báo về Covid-19 lên mức cao nhất- màu đỏ-trong thang báo động 4 mức về bệnh truyền nhiễm của nước này. Hơn 9.000 thành viên của giáo phái Shincheonji đang được lệnh tự cách ly tại nhà riêng. Nhà chức trách Hàn Quốc cũng tiến hành xét nghiệm để xác định họ có dương tính với Covid-19 hay không.

Ngoài ra, chính quyền Hàn Quốc đã tính đến phương án lập trụ sở ứng phó thiên tai mới. Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ nước này đã yêu cầu toàn bộ các trường tiểu học và cơ sở trên toàn quốc kiểm tra và báo cáo hồ sơ của các sinh viên nước ngoài đang đi Trung Quốc hoặc nơi ở hiện nay.

Bộ Giáo dục nước này đã quyết định lùi ngày khai giảng năm học 2020 đến ngày 9.3, tức là thêm một tuần so với kế hoạch ban đầu.

Cơ quan quản lý nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc (MMA) ngày 24.2 cũng quyết định tạm ngừng công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự trên toàn quốc trong hai tuần, từ ngày 24.2 đến 6.3. Theo đó, hơn 6.700 người sẽ hoãn khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Trong bối cảnh đã phát hiện 11 quân nhân Hàn Quốc nhiễm Covid-19, hiện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tiến hành cách ly khoảng 7.700 người. Đây là những binh sĩ đã từng thăm gia đình ở TP Daegu, các khu vực Yeongcheon và Cheongdo thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang, cũng như binh lính có người nhà thuộc các địa phương nêu trên đến thăm từ sau ngày 10.2.

Bên cạnh đó, quân đội Hàn Quốc cũng đang tiến hành kiểm soát việc nghỉ phép, gặp gỡ, thăm thân đối với toàn bộ binh sĩ. Đây là những nỗ lực nhằm ngăn chặn virus lây lan bên trong các doanh trại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc ngày 24.2 cũng thông báo 24 thư viện, bảo tàng văn hóa và lịch sử của nhà nước sẽ tạm  đóng cửa từ tuần này để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Các công ty Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng cảnh giác cao độ để giảm mọi tác động có thể xảy ra do dịch bệnh. Một số công ty như Samsung, GS Caltex, đã thông báo tạm thời đóng cửa các nhà máy trong nước để tiến hành công tác khử trùng vào cuối tuần sau khi phát hiện nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân tại TP Daegu.

Các hãng hàng không Hàn Quốc đã đình chỉ hoặc lên kế hoạch tạm dừng các chuyến bay đến Daegu, nơi hàng trăm ca nhiễm mới Covid-19 đã được xác nhận cuối tuần qua.  

Nhật Bản - các ca nhiễm tiếp tục tăng

Nhật Bản cũng là quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Tính đến 16 giờ 30 ngày 24.2, nước này có 146 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 1 người tử vong. Số ca mắc trên du thuyền Diamond Princess là 691, trong đó có 3 người tử vong.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 23.2 đã chỉ thị cho nhóm đặc trách của chính phủ về dịch Covid-19 nhanh chóng soạn thảo một chính sách cơ bản mới nhằm kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này.

Thủ tướng Abe chỉ đạo việc kiềm chế tốc độ gia tăng số ca nhiễm là rất quan trọng để kiềm chế dịch bệnh. Vì vậy, ông Abe cho rằng cần phải thực thi các biện pháp đáng tin cậy và hiệu quả.

Theo Thủ tướng Abe, chính sách mới sẽ bao gồm việc cung cấp thông tin cho công chúng và doanh nghiệp về tình hình dịch bệnh, các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và cung cấp các dịch vụ y tế cho bệnh nhân.

Trước đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) ngày 20.2 đã đề nghị các đơn vị tổ chức sự kiện có quy mô lớn xem xét lại tính cần thiết của các hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Chính quyền TP Tokyo của Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ hoãn hoặc hủy các sự kiện lớn tổ chức trong nhà dự kiến diễn ra trong 3 tuần tới

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu đã quyết định hoãn tổ chức đại hội đảng, với sự tham gia của hơn 3.000 người tại Tokyo vào ngày 8.3 do dịch bệnh Covid-19. Đảng Duy Tân Nhật Bản (JIP) cũng quyết định hoãn đại hội đảng, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22.3 ở Osaka, với sự tham gia của khoảng 550 người.

Italy - nước bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất châu Âu

Quy mô của dịch COVID-19 đang lan rộng ở Italy trong vài ngày qua. Các trường hợp xác nhận nhiễm Covid-19 tại Italy đã tăng đột biến chỉ trong một ngày (ngày 23.2), từ 79 người lên 155 người, đồng thời đến nay đã ghi nhận 4 ca tử vong.

Như vậy, từ 3 ca nhiễm công bố ngày 21.2, chỉ sau 2 ngày cuối tuần, số ca nhiễm ở Italy đã tăng hơn 50 lần và hiện trở thành nơi bùng phát dịch mạnh nhất châu Âu, thậm chí mạnh nhất bên ngoài châu Á.

Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công bố triển khai kiểm dịch với tất cả những người đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Chính quyền 4 vùng phía bắc gồm Lombardy, Veneto, Friuli Venezia Giulia và Piemonte đã mở rộng quyết định đóng cửa đối với tất cả các cấp học và đình chỉ mọi hoạt động liên quan tới giáo dục.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 23.2 tuyên bố tất cả các sự kiện thể thao diễn ra ở hai vùng Lombardy và Veneto thuộc miền Bắc nước này sẽ bị đình lại.

Hiện Chính phủ Italy đã ban bố lệnh phong tỏa 11 thị trấn, trong đó 10 thị trấn ở Lombardy và thị trấn còn lại ở vùng Veneto lân cận. Khoảng 50.000 người dân sinh sống tại đây không được được phép rời khỏi khu vực cư trú. Chính quyền ở hai vùng trên khu vực cũng yêu cầu các trường học, quán bar, nhà hàng và vũ trường tạm thời đóng cửa để phòng tránh Covid-19 lây lan.

Người phát ngôn Nhà điều hành đường sắt OBB của Áo ngày 23.2 cũng cho biết nước này đã dừng mọi dịch vụ đường sắt với Italy cả 2 chiều theo tuyến qua đèo Brenner nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan hơn nữa.

Báo động tình hình dịch bệnh tại Iran và một số nước Trung Đông

Iran xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 19.2. Tuy nhiên, số ca tử vong và nhiễm virus này liên tục tăng chỉ trong vài ngày sau đó.

Ngày 24.2, người phát ngôn Quốc hội Iran Assadollah Abbassi thông báo đã có thêm 4 ca tử vong mới do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại Iran đến thời điểm này là 12 trường hợp. Số người nhiễm Covid-19 ở Iran tính đến 16 giờ 30 ngày 24.2 là 47 người.

Trước tình trạng dịch lây lan nhanh, chính quyền Iran đã triển khai hàng loạt biện pháp dự phòng khẩn cấp, trong đó có quyết định tạm thời đóng cửa các trường học và trung tâm văn hóa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Giới chức Iran trước đó đã quyết định đóng cửa các cơ sở giáo dục và văn hóa trong vòng một tuần tại 14 tỉnh, thành phố, trong đó có thủ đô Tehran. Bên cạnh đó, Iran cũng quyết định sẽ hủy tất cả các buổi hòa nhạc và sự kiện văn hóa khác trong vòng một tuần.

Về lĩnh vực y tế, Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Iran đã ra thông báo yêu cầu các hiệu thuốc ngừng bán khẩu trang y tế mà thay vào đó, khẩu trang sẽ được phân phối miễn phí tới người dân nước này thông qua các cơ sở do chính phủ quản lý, trong đó ưu tiên cấp phát cho các khu vực đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ngoài Iran, các nước thuộc khu vực Trung Đông như Israel, Liban, Bahrain, Kuwait cũng đều đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 ở nước mình.

Afghanistan, quốc gia ở Nam Á, ngày 24.2 cũng ghi nhận có ca đầu tiên nhiễm Covid-19.

Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ Iran, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Iraq… đã tạm đóng cửa biên giới với Iran, trong khi Afghanistan cũng tạm ngừng hoạt động đi lại bằng đường hàng không và đường bộ với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Như vậy, tính đến 16 giờ 30 chiều 24.2, thế giới đã có gần 79.500 ca mắc Covid-19 với gần 2.624 ca tử vong. Điều đáng lo ngại là có những ca nhiễm nhưng không rõ nguồn gốc lây nhiễm.

Trước thực tế về số ca nhiễm Covid-19 đang ngày càng gia tăng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục, giới chuyên gia kêu gọi thế giới cần nâng cao cảnh giác với dịch bệnh hiện vẫn còn nhiều bí ẩn này.

Trước đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo châu Phi có thể sẽ chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh vì cơ sở vật chất y tế tại châu lục này còn yếu kém.

Ông Ghebreyesus khẳng định dù hiện nay thế giới vẫn đang trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh lây lan nhưng cơ hội thực hiện được mục tiêu này đang ngày càng thu hẹp, đồng thời cho biết nếu các quốc gia không nhanh chóng huy động nguồn lực để ngăn chặn virus lây lan thì vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường tại nhiều nước trên thế giới