Cơ chế lây lan của SARS-CoV-2
Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Triệu chứng và biến chứng
Người nhiễm Covid-19 tùy từng bệnh nhân sẽ có biểu hiện lâm sàng từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, Covid-19 gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch.
Khi có các dấu hiệu trên, bạn phải đeo khẩu trang, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Cách phòng tránh chung
Đây là bệnh nhiễm virus thì tất cả mọi người đều có thể bị lây, không loại trừ cả trẻ em và phụ nữ có thai, người cao tuổi. Bạn nên thực hiện các biện pháp sau để phòng tránh nhiễm bệnh:
1. Tránh tiếp xúc với những người đi về từ vùng dịch
2. Tránh đi du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
3. Tránh tiếp xúc với người sốt ho. Thường xuyên rửa tay xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
4. Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay.
5. Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
6. Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.
7. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
8. Đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.
9. Cần giữ môi trường sạch sẽ, quan trọng là thoáng không khí ngoài trời và khi có ánh nắng thì nên ra ngoài.
Cách đeo khẩu trang đúng cách
1. Đối với người dân tại cộng đồng áp dụng đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường.
2. Đối với người chăm sóc, điều trị bệnh nhân và những người đi vào ổ dịch áp dụng đeo khẩu trang N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.
3. Cách đeo khẩu trang
- Đối với khẩu trang vải: Che kín cả mũi lẫn miệng; tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo; tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra; khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo; nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại cho lần sau; thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh.
- Đối với khẩu trang y tế thông thường: đeo mặt xanh ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên; che kín cả mũi lẫn miệng; tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra; khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và cho vào thùng rác.
4. Dùng lại khẩu trang có được không?
Khẩu trang y tế được nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dùng 1 lần trong chăm sóc y tế. Tuy nhiên khi chúng ta sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày thì có thể sử dụng lại nếu nó chưa bị bẩn hoặc thấm ướt. Bạn cũng có thể sử dụng khẩu trang thường giúp cản bụi, hạn chế phát tán các giọt bắn khi ho và khẩu trang này có thể được tái sử dụng sau khi đã giặt sạch và phơi khô.
Theo Bộ Y tế