Tính đến 8 giờ sáng 16.10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 39,15 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó tổng số ca tử vong đã tăng lên con số 1.102.412.
Theo trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 16.10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 39,15 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó tổng số ca tử vong đã tăng lên con số 1.102.412 ca. Hơn 29,36 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi trong khi còn hơn 8,68 triệu ca vẫn đang được điều trị.
Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 8,21 triệu ca bệnh, trong đó có 222.706 ca tử vong. Đáng chú ý, sau thời gian số ca mắc mới trong ngày giảm xuống mức khoảng 30.000 ca thì những ngày gần đây, con số này đã tăng gấp đôi. Sau Mỹ là Ấn Độ với hơn 7,36 triệu ca mắc và 112.144 ca tử vong. Hiện mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 60.000 ca mắc mới, giảm đáng kể so với mức khoảng 90.000 ca/ngày từng được ghi nhận cách đây khoảng 1 tháng. Tiếp đến là Brazil với hơn 5,17 triệu ca mắc, trong đó có 152.513 ca tử vong.
Dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại châu Âu. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), có 17/31 (hơn 50%) quốc gia châu Âu mà tổ chức này theo dõi đang ở mức cảnh báo đỏ về dịch bệnh. Tại Italy, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tiếp tục tăng nhanh trong những ngày qua và hiện ở mức hơn 8.800 ca/ngày.
Ngày 15.10, Bộ Y tế Italy cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận tới 8.804 ca nhiễm mới cùng với 83 ca tử vong. Đây là mức tăng về số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất từ trước đến nay và cao hơn nhiều so với con số kỷ lục cũ 7.332 ca ghi nhận một ngày trước đó. Vùng Lombardy - "tâm dịch" trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới. Hiện có nhiều ý kiến lo ngại nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, hệ thống y tế của Italy sẽ không đủ khả năng để đối phó. Chính phủ Italy đang đánh giá, xem xét những quy định mới, theo đó cho phép người lao động quay trở lại cơ chế làm việc từ xa cũng như cân nhắc khả năng để các trường trung học nối lại việc học trực tuyến.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte mới đây tuyên bố ông không muốn tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, nhưng chính quyền từng vùng có thể ban hành những hạn chế riêng rẽ, kể cả việc ban bố lệnh giới nghiêm lúc đêm khuya. Italy hiện vẫn đang duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó cho phép chính quyền từ trung ương tới địa phương có nhiều thẩm quyền hơn trong xử lý đại dịch. Tình trạng khẩn cấp này sẽ được kéo dài cho đến cuối tháng 1.2021.
Trong khi đó, Chính phủ Pháp thông báo sẽ triển khai 12.000 nhân viên cảnh sát nhằm tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm ở nhiều thành phố lớn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17.10. Trước đó, ngày 14.10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban hành lệnh giới nghiêm ở Paris, Toulouse, Marseille, Montpellier, Grenoble, Rouen, Lille, Lyon và Saint-Etienne nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đang hoành hành.
Lệnh giới nghiêm sẽ ảnh hưởng tới khoảng 20 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số nước này. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt 135 euro. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận hơn 30.621 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới vượt ngưỡng 30.000 ca/ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Hiện Pháp ghi nhận hơn 809.000 ca mắc bệnh trong đó có 33.125 ca tử vong.
Hiệp hội các bệnh viện ở Hà Lan LNAZ cho biết sẽ đề nghị các bệnh viện ở Đức hỗ trợ, tiếp nhận và chữa trị bệnh nhân COVID-19 của nước này sau khi số bệnh nhân phải nhập viện ở Hà Lan đã tăng gấp đôi trong tuần qua lên tới 1.526 người, khiến hệ thống y tế bị quá tải. Trong thời gian bùng phát làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, các bệnh viện ở Hà Lan đã chuyển một số bệnh nhân COVID-19 tới Đức. Hà Lan hiện đang áp đặt lệnh phong tỏa một phần sau khi trở thành một trong những "điểm nóng" dịch bệnh ở châu Âu do số ca nhiễm mới mỗi ngày đều tăng ở mức cao và tăng gấp đôi trong vòng 3 tuần qua.
Tình hình này đã buộc các bệnh viện phải giảm hoạt động khám chữa bệnh thông thường trong khi một số phòng cấp cứu phải đóng cửa tạm thời để phục vụ bệnh nhân COVID-19. Chính phủ Hà Lan đã đóng cửa toàn bộ các quán bar, nhà hàng trong ít nhất 4 tuần, bắt đầu từ tối 14.10, hạn chế số quy mô các cuộc tụ tập và yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong không gian kín.
Trước diễn biến đáng quan ngại của đại dịch COVID-19 ở châu Âu, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất một số tiêu chí chung trong việc kiểm soát đi lại và du lịch nội khối nhằm hạn chế đà lây lan của dịch bệnh. EU đã thông qua đề xuất thiết lập “bản đồ cảnh báo” và các quy định chung về đi lại giữa các quốc gia thành viên. Mỗi tuần, ECDC sẽ công bố một bản đồ thông báo về tình hình dịch bệnh trên toàn liên minh, với các mức cảnh báo nguy cơ cho từng vùng và quốc gia bằng các màu xanh, cam và đỏ.
Những người tới từ vùng cam và đỏ sẽ phải thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2, trong khi những người di chuyển từ vùng xanh sẽ không phải thực các thủ tục này. Để tạo thuận lợi cho việc áp dụng các quy định chung này, các nước EU sẽ công nhận kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của nhau. Ủy viên châu Âu về y tế, bà Stélla Kyriakídou, kêu gọi 27 quốc gia thành viên EU thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm tránh một đợt phong tỏa thứ hai tại châu Âu.
Tại châu Phi, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Matshidiso Moeti cảnh báo châu lục này đang đối mặt với "thời điểm then chốt" trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 khi các ca bệnh và tử vong gia tăng sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại được nới lỏng. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, trong tháng qua, hằng tuần, châu lục ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng trung bình khoảng 7% và số ca tử vong tăng 8%.
Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết, nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại trong thời gian dài, vốn là các biện pháp mà họ sẽ khó áp dụng lại để đối phó với sự tái bùng phát của dịch COVID-19.
Theo TTXVN