Châu Âu đã có ít nhất 100.470 ca nhiễm mới, trong đó 4.752 ca tử vong, nhiều hơn khu vực châu Á có 94.253 ca nhiễm và 3.417 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy
Theo số liệu của hãng tin AFP tính đến 17 giờ giờ GMT ngày 19.3 (0 giờ ngày 20.3 giờ Việt Nam), số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đã vượt 100.000 trường hợp.
Cụ thể, châu Âu đã có ít nhất 100.470 ca nhiễm mới, trong đó 4.752 ca tử vong, nhiều hơn khu vực châu Á có 94.253 ca nhiễm và 3.417 ca tử vong.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cùng ngày 19.3 thông báo đã ghi nhận thêm 5.322 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm ở Italy lên 41.035 trường hợp.
Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy đã tăng thêm 427 trường hợp, lên 3.405 người, cao hơn con số 3.245 ca tại Trung Quốc.
Tại Đức, tờ die Welt (Thế giới) ngày 19.3 đưa tin số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong một ngày đã tăng hơn 4.000 trường hợp.
Theo số liệu chính thức của Viện Robert Kock tính đến 20 giờ (giờ địa phương), Đức đã có 15.039 ca nhiễm và 44 ca tử vong.
Chính phủ liên bang Đức và các bang tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tại bang Bayern, sau khi ban hành lệnh giới nghiêm vào ngày 18/3 đối với thành phố Mittereich thuộc Quận Tirschenreuth, ngày 19/3, lệnh giới nghiêm tiếp tục được áp dụng đối với hai thành phố thuộc Quận Wunsiedel. Theo lệnh chung, người dân không được rời khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng.
Thành phố Freiburg thuộc bang Baden-Wuttemberg ở Tây Nam nước Đức, là thành phố lớn đầu tiên của Đức thực hiện giới nghiêm, cấm công dân đến các địa điểm công cộng. Lệnh này được áp dụng từ ngày 21.3 đến ngày 3.4.
Trong khi đó, tại bang Sachsen-Anhalt, Thị trưởng thành phố Halle đã tuyên bố tình trạng thảm họa do dịch COVID-19. Cho đến nay, đây là thành phố lớn duy nhất của Đức tuyên bố tình trạng thảm họa.
Tại Anh, nhằm giải phóng thêm ít nhất 15.000 giường trống trong các bệnh viện cùng nguồn nhân lực tập trung đối phó với dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Anh đang dành riêng một khoản ngân sách 3 tỷ bảng cho các dịch vụ cộng đồng.
Chuyển nạn nhân COVID-19 tại Trường Đại học Strasbourg, Pháp ngày 16.3.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Khoản tiền này được trích từ quỹ đối phó với COVID-19 trị giá 5 tỷ bảng (5,7 tỷ USD) do Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố vào tuần trước.
Ngoài ra, NHS cũng đang hướng đến nhóm hơn 65.000 nhân viên y tế đã nghỉ hưu trong vòng 3 năm qua - gồm 50.000 y tá và hơn 15.500 bác sỹ - tìm cách thuyết phục họ quay lại làm việc để giúp giảm áp lực điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Tại Ba Lan, chính phủ nước này đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 47 tỷ Euro (50 tỷ USD) để giải quyết khủng hoảng do COVID-19. Theo các nhà kinh tế, con số này tương đương với khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ba Lan.
Tại Romania, theo hãng tin Reuters, chính phủ nước này cũng đã phê duyệt gói tài chính trị giá gần 2% GDP của nước này để chống tác động kinh tế của COVID-19. Theo Bộ trưởng Tài chính Florin Citu, khoản tiền này sẽ hỗ trợ thất nghiệp và bảo đảm hạn mức tín dụng cũng như hoãn nộp thuế thu nhập của một số công ty trong tối đa 2 tháng.
Chính phủ Estonia cũng đã quyết định đưa ra gói biện pháp trị giá 2 tỷ Euro (2,13 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế và giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.
Tại Albania, Thủ tướng Edi Rama đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 370 triệu USD để giúp các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiềm chế dịch bệnh của chính phủ.
Cùng ngày, Tây Ban Nha đã yêu cầu đóng cửa tất cả các khách sạn trên toàn lãnh thổ để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Lệnh mới áp dụng với toàn bộ các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch và ngắn hạn.
Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú dài hạn sẽ vẫn mở cửa để cung cấp chỗ ở cho những người dân phải thực hiện cách ly.
Tây Ban Nha hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 4 trên thế giới do COVID-19, với 767 ca tử vong và 17.147 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại Pháp, ban tổ chức liên hoan phim Cannes thông báo sự kiện này sẽ không thể diễn ra vào tháng 5 như dự kiến do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và họ đang cân nhắc lùi thời điểm tổ chức liên hoan phim này đến cuối tháng 6.
Trước đó, nhiều liên hoan phim nhỏ hơn như Tribeca, SXSW và Edinburgh đều đã bị hủy hoặc hoãn lại do COVID-19.
Cũng trong ngày 19.3, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga cho biết đã ghi nhận thêm 52 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp nhiễm tại Nga lên 199 trường hợp.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh xấu đi, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết từ ngày 20.3, trong vòng 1 tháng, Nga sẽ bãi bỏ các hạn chế đối với việc cung cấp hàng hóa thiết yếu, kể cả hạn chế hải quan.
Theo TTXVN