Nhắc lại bài học kinh nghiệm chống dịch SARS năm 2003, cách ly được xác định là một trong những biện pháp căn bản, quan trọng để phòng chống các dịch liên quan đến viêm đường hô hấp cấp.
Kĩ thuật viên chuẩn bị chụp X quang cho bệnh nhân tại khu vực cách ly đặc biệt của Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc kiểm soát dịch COVID-19, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Ngay từ những ngày đầu chống dịch, Chính phủ đã chú trọng thực hiện nghiêm công tác phát hiện sớm, cách ly và giải quyết triệt để ổ dịch. Bước sang giai đoạn chống dịch mới với dự báo phức tạp, khó khăn, việc tuân thủ nghiêm công tác cách ly của cả hệ thống chính trị và nhân dân vẫn được đặt lên hàng đầu. Đây được coi là nhiệm vụ tiên phong, đóng vai trò then chốt trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” hiện nay.
Bảo vệ chính mình và người thân
Những ngày đầu chống dịch COVID-19, nhắc lại bài học kinh nghiệm chống dịch SARS năm 2003, cách ly được xác định là một trong những biện pháp căn bản, quan trọng để phòng chống các dịch liên quan đến viêm đường hô hấp cấp, các chuyên gia y tế xác định, với tỷ lệ tử vong thấp nhưng độ lây nhiễm cao hơn so với virus SARS và CoV khác nên đây chính là '‘thời kỳ vàng’' để tổ chức nhiệm vụ cách ly, nếu không cách ly tốt sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm, khó lường. Bởi vậy, một trong những biện pháp cấp bách hàng đầu là kêu gọi sự chung tay, góp sức của mỗi người dân thực hiện nghiêm việc cách ly.
Sau 21 ngày, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi được xác định có nguy cơ trở thành tâm dịch của cả nước, được dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong niềm vui sướng của nhân dân địa phương và cả nước. Chiến thắng tại Sơn Lôi là chiến thắng vang dội, trong đó chiến thuật cơ bản là đồng tâm hiệp lực thực hiện nghiêm phương châm “phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để”, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Chiến thắng tại Sơn Lôi một lần nữa khẳng định hiệu quả của “bài học kinh nghiệm cách ly” ngay từ “thời kỳ vàng”. Những hành động toàn diện, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thể hiện quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất “bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch gây ra”.
Quyền được bảo vệ sức khỏe của người dân luôn được đặt ưu tiên hàng đầu, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân”. Mỗi người dân đều có quyền được bảo vệ sức khỏe. Khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu…, người dân cần hợp tác khai báo với cơ quan chức năng để thực hiện cách ly; đồng thời ủng hộ và thực hiện nghiêm nhiệm vụ cách ly để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội. Việc thực hiện cách ly, tạm thời ngưng các hoạt động, sinh hoạt thường ngày nhằm kiểm soát sức khỏe bản thân theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh: “Hiểu rõ việc cách ly để nêu cao trách nhiệm với bản thân và xã hội. Vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian cách ly chính là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp của người cần được cách ly trong công tác chống dịch. Cộng đồng ủng hộ người được cách ly chính là tham gia chống dịch tốt. Lúc khó khăn, những nghĩa cử cao đẹp, những điều tốt càng đáng quý và cần được nhân rộng. Nhiều điều tốt thành thói quen tốt, nhiều thói quen tốt, xã hội văn hóa lên, đẩy lùi cái xấu”.
Trách nhiệm với cộng đồng
Bên cạnh quyền lợi của bản thân, việc thực hiện nghiêm công tác cách ly còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Bởi với mức độ lây lan theo cấp số nhân, một người không nhận thức và thực hiện tốt việc cách ly, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng.
Điển hình, tại Hàn Quốc, sau lời từ chối hợp tác với cơ quan chức năng để tiến hành cách ly của “bệnh nhân số 31”, gần 60% số ca nhiễm Covid-19 tại nước này có liên quan tới bệnh nhân thuộc giáo phái Tân Thiên Địa; đồng thời lây lan cho hàng nghìn ca bệnh khác. Dịch bệnh bùng phát tại nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa tại Daegu, Hàn Quốc, với những nghi lễ tín ngưỡng riêng của họ đã “châm ngòi nổ” khiến Hàn Quốc “vỡ trận”. Các kế hoạch chống dịch kỹ càng, toàn diện trước đó của Hàn Quốc bước vào thế bị động, lúng túng. Tính đến 11 giờ 15 phút ngày 7.3, Hàn Quốc có 6.767 ca nhiễm bệnh với 44 người chết, trở thành “tâm dịch” lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, chỉ vì nhận thức sai lệch, bảo thủ, ích kỷ của một cá nhân khiến cả một thành phố phải tê liệt, một đất nước oằn mình chống lại đại dịch.
Tại Việt Nam, nhiều người cho rằng, đêm 6.3.2020 là mốc thời gian căng thẳng của người dân thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung. Thông tin về cô gái 26 tuổi, trú tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, đi từ vùng có dịch ở nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam nhưng không tự giác khai báo, cách ly, được phát hiện dương tính với Covid-19 khiến cả nước hoang mang, lo lắng. Nhiều người bức xúc cho rằng, giống như Hàn Quốc, chỉ vì một cá nhân có ý thức kém làm lãng phí công sức của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong thời gian qua.
Việt Nam bước vào giai đoạn chống dịch mới, đúng như dự báo trước đó của các chuyên gia: “Các lực lượng chức năng và người dân cả nước không chủ quan, không lơ là, luôn sẵn sàng tâm thế có thêm ca bệnh mới. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, việc điều trị, phòng chống dịch COVID-19 cần bình tĩnh bởi hiện nay, hệ thống cơ sở y tế từ tuyến huyện, tuyến tỉnh đến trung ương đã được “kích hoạt” với tinh thần “phát hiện, cách ly, khoanh vùng và tập trung điều trị tại chỗ”.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân không chấp hành đúng quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Một số người có hành động chủ quan, vô ý thức, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, gây bức xúc trong xã hội. Xét dưới góc độ đạo đức, đây là hành vi coi thường tính mạng của người thân và cộng đồng. Về mặt pháp luật, những hành động này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo mức độ có hình thức xử lý phù hợp, phạt tiền từ 20- 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù đến 12 năm, ngoài hình phạt tù còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng...
Câu chuyện về bệnh nhân số 17 của Việt Nam là tiếng chuông cảnh tỉnh với những ai còn chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh. Dù dịch bệnh ở giai đoạn nào, việc đề cao cảnh giác, phát huy tinh thần tự giác, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch cần thường trực sẵn sàng trong ý thức mỗi người dân.
Thực tế đến nay, khi chưa có vắc xin đặc trị Covid-19, việc nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng được xem là một trong những liều thuốc chống dịch hiệu quả. Như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “cách ly là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”, phương châm chống dịch của Chính phủ là “khẩn trương, kiên quyết nhưng bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan”. Đây là lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng thực hiện triệt để công tác phòng, chống dịch.
Xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, những hành động quyết liệt, toàn diện, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân thời gian qua nhằm hướng đến mục tiêu “diệt giặc COVID-19”, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Nhận định “đây là một cuộc chiến mà chúng ta mới thắng chiến dịch mở màn”, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng chuyển trạng thái từ việc tập trung ngăn chặn sang trạng thái ngăn chặn và giảm lây lan trong cộng đồng. Để làm tốt điều đó, cách ly chính là “phòng tuyến đầu tiên” hiệu quả, “xung trận chống giặc” tiên phong, đi đầu trong phòng, chống dịch hiện nay.
Theo TTXVN