Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm

03/04/2022 14:50

Hải Dương là một trong tứ trấn thời Lê - Nguyễn (bốn trấn quan trọng nằm ở bốn phía của Thăng Long-Hà Nội là Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây và Sơn Nam).


Sách Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành là nguồn tư liệu quý về Hải Dương

Hải Dương thuộc phía đông nên còn được gọi là Hải Đông. Đất này từ thời thuộc Hán thuộc quận Giao Chỉ, cũng có thuyết cho là quận Chu Diên. Đời Trần là Hồng Lộ, lại gọi là lộ Hải Đông. Đầu niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) đời Lê Thái Tổ gọi là Đông đạo. Khoảng niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) là đất hai lộ Nam Sách thượng và Nam Sách hạ. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông đặt là Nam Sách thừa tuyên. Cùng trong năm này định bản đồ cả nước, đổi gọi là Hải Dương thừa tuyên gồm bốn phủ: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn, tất cả 18 huyện.

Có nghĩa là địa danh hành chính Hải Dương chính thức có từ năm 1469 đời Lê Thánh Tông. Nhà Mạc đặt Nghi Dương làm Dương Kinh, tách một phủ của Kinh Bắc là Thuận An và bốn phủ Nam Sơn (Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình) đặt thuộc Dương Kinh. Đời Lê trung hưng từ niên hiệu Quang Hưng (1578-1599) đổi lại theo cũ. Năm Cảnh Hưng thứ hai (1741) lại đổi chia thành 4 đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Đông Triều, An Lão. Đời Tây Sơn tác phủ Kinh Môn thuộc vào đạo An Quảng. Đời Nguyễn, từ năm Gia Long thứ nhất (1802) lại cho Kinh Môn thuộc về Hải Dương, vẫn gồm 4 phủ (18 huyện) như đời Lê sơ, nhưng tên huyện có một số thay đổi. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) chia tỉnh hạt trong toàn quốc, gọi là tỉnh Hải Dương. Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) đặt thêm phân phủ Kiến Thụy. Năm Tự Đức thứ năm (1852) phân phủ Kiến Thụy đổi thành phủ Kiến Thụy, toàn tỉnh gồm 5 phủ, 19 huyện.

Như vậy, về cơ bản trấn lộ thời Lê hay tỉnh thời Nguyễn, Hải Dương bao gồm vùng đất phía đông Thăng Long, tương ứng các địa phương thuộc tỉnh Hải Dương, một số huyện, xã của Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay.

Cho đến đời Đồng Khánh (1886-1888) các phủ, huyện trong tỉnh không thay đổi. Thiết chế hành chính này được Đồng Khánh địa dư chí ghi lại như sau: Tỉnh Hải Dương, thành tỉnh ở địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng, Bình Lao huyện Cẩm Giàng. Tỉnh hạt phía đông giáp giang phận hai huyện Yên Hưng, Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên. Phía tây giáp hai huyện Văn Giang, Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Phía nam giáp huyện Quỳnh Côi, tỉnh Nam Định. Phía bắc giáp huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Ninh. Phía đông bắc giáp lâm phận hai tỉnh Lạng Sơn, Quảng Yên. Phía tây bắc giáp hai huyện Ân Thi, Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Phía đông nam ra đến biển, giáp huyện Thụy Anh, tỉnh Nam Định. Đông tây cách nhau 132 dặm, nam bắc cách nhau 100 dặm. Từ tỉnh lỵ đi về phía nam đến Kinh đô Huế 1.097 dặm. Các phủ huyện, tổng xã trong tỉnh được sách Các trấn tổng xã danh bị lãm cho biết Hải Dương có 4 phủ, 16 huyện, 186 tổng, 1.832 xã, thôn, phường, giáp, trang...

 Sách Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành chỉ 500 cuốn, song là nguồn tư liệu quý về Hải Dương. Sách gồm 576 trang, được dịch từ các tài liệu Hán Nôm về Hải Dương còn trong dân gian và Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ.

CẨM GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm