“Địa đạo Củ Chi" trong lòng thành phố

30/04/2023 07:07

Để phát huy giá trị lịch sử, phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã xây dựng mô hình Địa đạo Củ Chi trong khuôn viên của bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh.


 Du khách tham quan “Địa đạo Củ Chi” ở Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ

Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) là một trong những công trình phòng thủ dưới lòng đất được nhân dân cả nước và thế giới biết đến như là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Để phát huy giá trị lịch sử và truyền thống, giáo dục cho thế hệ trẻ và phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (Quân khu 7) đã xây dựng mô hình Địa đạo Củ Chi trong khuôn viên của bảo tàng, ngay trong lòng TP Hồ Chí Minh.

Chị Bùi Thuý Anh, hướng dẫn viên của Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ giới thiệu với chúng tôi, Địa đạo Củ Chi nằm ở huyện Củ Chi, cách TP Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây bắc. Vì quãng đường xa như vậy, nên du khách khi đến TP Hồ Chí Minh muốn đến được tận nơi tham quan, phải mất nhiều thời gian. Năm 1996, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ được Bộ Quốc phòng phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp hệ thống nhà trưng bày và hệ thống địa đạo Củ Chi trong khuôn viên bảo tàng mới được hoàn thiện. Hiện nay, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ có 12 khu trưng bày theo chuyên đề, trong đó nội dung về Vành đai diệt Mỹ - Địa đạo miền Đông - Củ Chi thu hút khách tham quan đông đảo nhất.


Tái hiện hầm họp của chỉ huy Quân giải phóng ở “Địa đạo Củ Chi” của Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ

Vành đai diệt Mỹ - Địa đạo miền Đông - Củ Chi ở Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ có gần 500 hiện vật, trong đó hơn 10% là hiện vật gốc. Nổi bật nhất là hệ thống công trình địa đạo được xây dựng với tỉ lệ 1:1 so với Địa đạo Củ Chi. Tuy công trình mô phỏng, song đã thể hiện đầy đủ các khu vực mà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng “Đất thép” sinh hoạt, chiến đấu và công tác. Như các khu mô phỏng về huấn luyện quân sự, hầm chỉ huy, hội họp, hầm hậu cần, hầm giải phẫu, điều trị thương binh, kho lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, giếng nước, bếp Hoàng Cầm…

Khách tham quan có thể hình dung hoạt động của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân Củ Chi qua hơn 250 km địa đạo đã được lực lượng vũ trang và nhân dân Củ Chi đào trong suốt 30 năm kháng chiến từ chống Pháp đến chống Mỹ (1946-1975). Cũng từ địa đạo này, quân và dân Củ Chi nói riêng, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ nói chung đã anh dũng chiến đấu, trụ vững và chống lại các cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mỹ và tay sai như: Cuộc hành quân Crimp (Cái bẫy), Cedar Falls (Bóc vỏ trái đất)… Đây cũng là một trong những hướng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tiến công vào nội thành Sài Gòn trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, góp phần đi đến thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.       


Mô phỏng bếp Hoàng Cầm trong  "Địa đạo miền Đông-Củ Chi" 

Thiếu tá Lương Hồng Huy, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, sưu tầm Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ cho biết khu vực trưng bày Vành đai diệt Mỹ - Địa đạo miền Đông - Củ Chi được nghiên cứu công phu, ngoài việc thể hiện các tầng hầm, đường giao thông hào dưới lòng đất, công trình còn bố trí liên hoàn các khu vực để khách tham quan dễ hình dung Địa đạo Củ Chi.

Công trình mô phỏng 3 tầng sâu của Địa đạo Củ Chi: tầng 1 cách mặt đất 3 m, tầng 2 từ 3 - 8 m và tầng 3 đến 12 m; hào giao thông trong địa đạo, có đoạn đường hào hẹp để khách tham quan hình dung khi chưa có điều kiện đi thực tế ở Củ Chi. Tại đây, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ còn trưng bày các chuyên đề về các loại vũ khí tự tạo, trang thiết bị hậu cần, khu vực sinh hoạt văn hoá, văn nghệ thời kỳ kháng chiến, đặc biệt là khu trưng bày ngoài trời với các loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, pháo binh các loại, trong đó có pháo nòng dài 130 mm “Vua chiến trường” của Mỹ…       

Cũng theo Thiếu tá Lương Hồng Huy, cán bộ, nhân viên của Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ còn tham gia xây dựng, quản lý, bảo quản các hiện vật của Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để đi tới giang sơn thu về một mối.


Mô phỏng việc huấn luyện gài mìn đánh địch ở  "Địa đạo miền Đông-Củ Chi" tại bảo tàng

Tham quan “Địa đạo Củ Chi” trong nội đô TP Hồ Chí Minh, không chỉ riêng tôi mà bất cứ cán bộ, chiến sĩ, người dân và khách nước ngoài đều trào dâng trong lòng cảm xúc. Đó là sự kính phục tinh thần quả cảm, dám đương đầu với khó khăn, gian khổ hy sinh để chiến đấu, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Cảm nhận ở đây chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, nhân dân vùng “Đất thép thành đồng” Củ Chi, cái nôi của quê hương “Thành đồng Tổ quốc”. Chỉ với mô hình mấy trăm mét ở Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, nhưng hiện hữu những căn hầm và giao thông hào dọc ngang với tổng chiều dài hơn 250 km ở Củ Chi. Với chiều dài địa đạo ấy, chỉ riêng ở huyện Củ Chi đã có tới 11.000 liệt sĩ, hơn 10.000 gia đình liệt sĩ, 2.128 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…


Địa đạo Củ Chi đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 2.2016 và là một trong 6 công trình nhân tạo nổi tiếng thế giới hiện nay. Sự hy sinh và chiến công của lực lượng vũ trang, nhân dân Củ Chi trở thành huyền thoại, cùng với cả nước làm nên Ngày Chiến thắng 30.4.1975 lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới của nước ta: Độc lập, thống nhất và đi lên Chủ nghĩa xã hội!        

 ĐÌNH XUÂN

(0) Bình luận
“Địa đạo Củ Chi" trong lòng thành phố