Trong 5 năm trở lại đây, Trung tâm DVVL 8-3 đã đào tạo được 11.453 người lao động, trong đó có 596 trẻ khuyết tật, 500 phụ nữ nghèo, hộ nghèo, 6.210 nông dân có đất bàn giao cho dự án phát triển kinh tế - xã hội...
Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) nuôi dưỡng, tạo việc làm cho 25 cháu khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, mức lương bình quân 1 triệu đồng/người/thángẢnh: Thành Chung |
Cách đây tròn 10 năm, ngày 5-11-2001, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) 8-3 (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) được thành lập, có nhiệm vụ tư vấn về chế độ, chính sách, tiền lương, lao động và việc làm cho mọi đối tượng lao động, nhất là lao động nữ; tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác; cung cấp thông tin thị trường lao động; dạy nghề ngắn hạn gắn với tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn... Khi mới thành lập, trung tâm gặp không ít khó khăn do tâm lý người lao động chỉ muốn học ngắn ngày, không phải nộp học phí, sớm có việc làm, nhanh có thu nhập; khi tổ chức dạy nghề tại các địa phương phải đi thuê cơ sở vật chất. Nhận thức về vai trò của các trung tâm dạy nghề trên địa bàn chưa nhất quán. Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc học nghề của người lao động. Các ngành, nghề đào tạo còn ít... Với sự đoàn kết, thống nhất cao của độ ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, trung tâm đã cố gắng từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động được trung tâm coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và người lao động trong mối quan hệ cung cầu. Trung tâm đã chú trọng sử dụng linh hoạt các hoạt động tư vấn như tư vấn tại văn phòng trung tâm, tư vấn lưu động tại các tổ phụ nữ, cụm dân cư, xã, phường, hoặc qua phương tiện thông tin liên lạc. Đơn vị luôn tuyên truyền, cung cấp thông tin về thị trường lao động, việc làm một cách nhanh, chính xác nhất. Thông báo công khai mức thu học phí, mọi vấn đề tài chính và dịch vụ cụ thể thông qua các cấp hội phụ nữ và người lao động. Thường xuyên cử cán bộ đến tận đơn vị cần tuyển dụng lao động để nắm được việc làm, mức thu nhập, chế độ việc làm, nơi ăn ở. Quan tâm đến khả năng thích ứng của người lao động với công việc và năng lực làm việc để cung cấp lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp. Với cách làm đó, trong 10 năm, trung tâm đạt được nhiều kết quả tốt. Chỉ tính 5 năm gần đây, trung tâm đã tư vấn cho hơn 34,6 nghìn lao động. Trong đó, tư vấn việc làm cho hơn 17 nghìn người; tư vấn nghề hơn 17,7 nghìn người; tư vấn chủ trương, chính sách về xuất khẩu lao động gần 3 nghìn người. Giới thiệu việc làm và cung ứng lao động được gần 8 nghìn người, trong đó hơn 7.600 lao động được giới thiệu vào làm trong các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; gần 300 lao động đi lao động xuất khẩu. Cung cấp thông tin thị trường lao động cho hơn 4.500 lượt người.
Hoạt động dạy nghề của trung tâm có nhiều tiến bộ đáng kể. Do ra đời sau, cùng với nhu cầu lao động có kỹ thuật, tay nghề ngày càng cao, hoạt động dạy nghề còn là cơ sở thuận lợi để gắn với giới thiệu việc làm nên đòi hỏi trung tâm phải năng động, nhạy bén. Phương châm của trung tâm là tập trung hướng về cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, đào tạo nghề cho lao động nữ để giới thiệu và cung ứng phục vụ thị trường sản xuất công nghiệp và xuất khẩu lao động như may công nghiệp, điện tử; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ nông thôn. Đối tượng học là phụ nữ ở tất cả các lứa tuổi. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, trung tâm dùng một phần kinh phí do tiết kiệm chi phí để hỗ trợ đào tạo, giảm và miễn phí cho hàng trăm trẻ em khuyết tật, mồ côi, chất độc da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, giúp các em ổn định cuộc sống. Trong 5 năm trở lại đây, trung tâm đã đào tạo được 11.453 người lao động, trong đó có 596 trẻ khuyết tật, 500 phụ nữ nghèo, hộ nghèo, 6.210 nông dân có đất bàn giao cho dự án phát triển kinh tế - xã hội, 4.147 lao động là đối tượng xã hội. Hơn 3.000 phụ nữ nông thôn có thêm việc làm lúc nông nhàn, đã góp phần cải thiện đời sống của chị em.
Nét nổi bật của trung tâm là ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao, trung tâm đã quan tâm và mở rộng quan hệ, hoạt động đối ngoại, khai thác thành công nhiều dự án thu hút nguồn lực, kinh phí của các tổ chức phi chính phủ trong nhiều lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Trong 10 năm qua, trung tâm khai thác được 13 dự án về ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ - trẻ em và hỗ trợ đối với phụ nữ bị buôn bán trở về; xây dựng khả năng ứng phó của cộng đồng trước đại dịch HIV/AIDS và hỗ trợ các câu lạc bộ; dạy nghề, tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo; dạy nghề phù hợp cho học sinh khuyết tật, nhiễm chất độc da cam; cung cấp đồ dùng học tập, đồ chơi ngoài trời cho các trường mẫu giáo, mầm non và cấp học bổng cho học sinh nghèo trong độ tuổi mẫu giáo, mầm non. Các dự án đi vào hoạt động đều có hiệu quả tốt. Điển hình là Dự án cung cấp đồ dùng học tập, đồ chơi ngoài trời cho các trường mẫu giáo, mầm non và cấp học bổng cho học sinh nghèo trong độ tuổi mẫu giáo, mầm non, do Quỹ viện trợ Quốc tế Hàn Quốc và Tổ chức Kao Va tài trợ; bồi dưỡng và giáo dục thể chất cho giáo viên mẫu giáo, mầm non toàn tỉnh do Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt Hàn tài trợ; xây dựng nhà tái định cư cho người nghèo và hỗ trợ công trình nước sạch, vệ sinh môi trường tại làng chài Đồng Xá (Bình Giang)... Các địa phương, cơ sở được hỗ trợ thực hiện dự án đều phấn khởi vì đã khắc phục được khó khăn trong hoạt động.
Bằng những kết quả đó, trung tâm đã nhận được nhiều phần thưởng của các cấp, ngành. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, trung tâm vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng ba. Phát huy thành tích đạt được, trong những năm tới, trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn giới thiệu việc làm và cung ứng lao động, hoạt động dạy nghề và khai thác các dự án của các tổ chức phi chính phủ, đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, mồ côi và dạy nghề 8 -3 và AGAPE do Tổ chức AGAPE (Mỹ) tài trợ.
HOÀNG THỊ THANH BÌNH-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 - 3