Người phụ nữ 25 tuổi, đến khám Bệnh viện Da liễu vì ngứa, mẩn đỏ da sau khi quan hệ có dùng bao cao su.
Ngày 30.10, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung, Trưởng Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết bệnh nhân bị dị ứng latex, tức mủ cao su. Trường hợp này có làn da nhạy cảm, trước đây mỗi lần tiếp xúc cao su như găng tay là đỏ da, ngứa.
Bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận những bệnh nhân dị ứng cao su với triệu chứng đỏ da, phát ban, nổi mề đay, ngứa. Việc chẩn đoán được thực hiện qua thăm khám trực tiếp và xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, da, test lẩy da khi cần thiết.
Theo bác sĩ Dung, mủ từ cây cao su dùng để làm các mặt hàng như găng tay gia dụng, găng tay y tế, giày, lốp xe, bóng bay, bao cao su... Với người dị ứng mủ cao su, hệ thống miễn dịch mặc nhiên đây là chất có hại và kích hoạt một số kháng thể nhất định để chống lại. Vì vậy, từ lần tiếp xúc tiếp theo, các kháng thể sẽ giải phóng histamin và tạo ra hàng loạt dấu hiệu dị ứng. Tiếp xúc càng nhiều thì các phản ứng càng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Những protein chứa trong mủ cao su gây phản ứng dị ứng tức thì, xuất hiện trong vòng vài phút đến một giờ sau khi tiếp xúc sản phẩm. Triệu chứng xuất hiện từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc cơ địa, mức độ phản ứng của từng người và lượng protein trong sản phẩm mà họ đã tiếp xúc (qua da hoặc hít phải hơi của mủ cao su).
Thường gặp nhất là "mày đay tiếp xúc", có biểu hiện là phát ban đỏ, ngứa và sưng nề ở vùng da tiếp xúc với vật dụng cao su. Điển hình thường gặp là ở bàn tay khi đeo găng tay cao su hoặc môi sau khi thổi bong bóng. Đôi khi có thể xuất hiện các phản ứng lan rộng ở các vị trí khác của cơ thể như sưng mặt, đặc biệt quanh mí mắt và môi.
Các triệu chứng khác bao gồm hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, khò khè hoặc khó thở. Sốc phản vệ (một phản ứng dị ứng nặng) có thể xảy ra nhưng rất hiếm, với các biểu hiện như mệt, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, phù nề thanh quản gây khó thở, mạch nhanh, huyết áp thấp..., thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Người đeo găng tay cao su thường xuyên và trong thời gian dài như nhân viên y tế, thợ làm tóc, công nhân cao su và người lao công là nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt nếu họ có cơ địa dị ứng hoặc bị viêm da cơ địa, bệnh chàm.
Bác sĩ khuyến cáo người đã được chẩn đoán bị dị ứng mủ cao su phải thông báo cho các nhân viên y tế cũng như người chăm sóc, thợ làm tóc, thợ làm móng, làm đẹp... Tốt nhất nên tránh tất cả mặt hàng cao su. Mang theo thẻ dị ứng cao su, đeo vòng cổ hoặc vòng tay cảnh báo y tế để cung cấp thông tin cần thiết trong trường hợp khẩn cấp khi không thể giao tiếp.
Nếu có nguy cơ bị dị ứng nặng và đã được kê toa thuốc tiêm tự động adrenaline (bút adrenaline), phải biết cách sử dụng và luôn mang theo. Nên hướng dẫn những người bên cạnh như bạn bè, gia đình, giáo viên và đồng nghiệp... cách dùng và nơi lấy bút này khi cần, đồng thời thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của bút. Nếu bị hen suyễn, cần kiểm soát tốt để làm giảm tác động của phản ứng dị ứng.
Các phản ứng dị ứng nhẹ như kích ứng tại chỗ được điều trị bằng cách tháo găng tay, vật dụng bằng cao su, rửa với nước mát và uống thuốc kháng histamine. Trường hợp nghiêm trọng như sưng họng, khó thở, khàn giọng, cần sử dụng dụng cụ tiêm tự động adrenaline và khẩn cấp gọi cấp cứu.
Những người dị ứng latex cũng có thể dị ứng với trái cây nhiệt đới, đặc biệt là chuối do chúng chứa protein rất giống cây cao su nhiệt đới. Những loại rau và trái cây khác có thể gây phản ứng tương tự với latex gồm bơ, cần tây, vả, hạt dẻ, đu đủ, quả lạc tiên. Dị ứng trái cây thường gây ngứa và sưng môi, lưỡi, cổ họng trong vài phút sau ăn hoặc uống nước ép trái cây. Ở những người dị ứng nặng, có thể kèm theo buồn nôn, nôn, nổi mề đay, thở khò khè và sốc phản vệ.
Găng tay cao su tổng hợp hoặc nhựa vinyl (PVC) là những lựa chọn thay thế an toàn cho người dị ứng mủ cao su tự nhiên.
Theo VnExpress