Minh họa: Văn Hà
Suốt cả tuần nay bà Thật mong chồng về như đồng hạn mong mưa. Hễ có tiếng xe máy hoặc tiếng động mạnh ngoài cổng là y như rằng bà ngẩng phắt lên nhìn. Không phải ông Thật, chỉ là người qua đường. Bà thở dài ngao ngán. Thật buồn cho ông chồng, khi không mong thì về sùng sục như mưa ngâu tháng bẩy. Lúc mong mỏi thì biền biệt tăm hơi. Dễ đến chục ngày nay ông Thật không về. Mà chuyện thì như lửa đốt sau lưng. Rõ chán, nghề với nghiệp, không giờ giấc, không ngày nghỉ. Ngày Tết ngày lễ nhìn nhà bên ríu rít con cháu mà phát thèm. Những ngày như thế ông Thật lại càng đi nhiều. Chả hiểu cái nghề viết báo có gì vui thú mà buộc chân ông chồng gần bốn chục năm. Ngày xưa Ủy ban huyện có ý định đưa ông Thật về nhận chức vụ gì đấy, nhưng ông từ chối nói rằng mình yêu nghề. Hễ đi vắng thì thôi, về đến nhà là đóng chặt cửa buồng viết viết, xóa xóa. Viết chán lại xách cặp, xách máy ảnh, dắt xe đi biền biệt vài ngày, thậm chí đến nửa tháng. Bà không am tường lắm về công việc của người làm báo, nhưng rõ ràng bà thấy chồng vất vả quá người làm ruộng. Cơm ăn lạc bữa, ngủ chẳng đẫy giấc. Nhiều đêm đang ngủ, ông vùng dậy chong đèn viết đến sáng. Viết xong lại đi. Bà con xóm giềng, họ mạc sang chơi chả mấy khi gặp mặt. Chao ôi! Giá như cái nhà này có chân chắc nó cũng đi theo ông Thật rồi.
Bà Thật lấy ông Thật từ năm 20 tuổi. Mãi 3 năm sau mới sinh ra thằng Thành. Từ đó thôi sinh nở luôn. Một tay bà lo toan mọi đường, mọi nẻo. Nào phụng dưỡng bố mẹ chồng, nào con lợn con gà cùng gần mẫu ruộng khoán. Thời gian trong ngày với bà chạy nhanh hơn vó ngựa. Ngày nào cũng như ngày nào, bà phải nhanh tay mới làm hết công việc. Bà vui vẻ chịu mọi vất vả để chồng rảnh rang theo nghiệp mà ông đam mê. Cũng vài lần ông Thật nhận được giải thưởng của tỉnh, của Trung ương. Danh giá lắm chứ. Cả xã cả huyện mấy người được như ông, "vua biết mặt chúa biết tên". Nhưng khi có người hỏi: "Cái giải nhất ông nhà vừa nhận được bao nhiêu tiền hả bà Thật ơi?" thì bà Thật cười ngượng: "Có tiếng mà không có miếng". Một giọng cao vỏng vót ngâm nga: "Nhà văn nhà báo nhà đài/ Ba nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo". Bà Thật thấy sao nó chí lý đến thế. Hơn hai chục năm trước mỗi lần ông Thật ghé qua nhà là mỗi lần bà lo. Bà lo không biết lần này ông chồng yêu quý cần gì. Tiền? Gạo? Cái gì cũng cần. Ở nhà cũng cần. Đi công tác càng cần. Một phóng viên hẳn hoi, người nhà nước đàng hoàng mà lương không đủ ăn. Ông Thật giảng giải: "Đi công tác dài ngày, tiền công tác phí phải tuân thủ theo quy định của nhà nước. Chi tiêu theo giá thị trường. Thế là thiếu trước hụt sau. Đành về nhà xin vợ". Nói xong ông cười hà hà lấy lòng. Bà Thật lại lặng lẽ mở hầu bao. Cũng may, ông trời phú cho bà sức khoẻ, chả mấy khi đau yếu. Tang bố mẹ chồng, chuyện học hành của con, một tay bà quán xuyến, chắt chiu. Tuy vậy, bà Thật luôn tuân phục chồng. Ông ấy được học hành, được đi đây đi đó, hiểu rộng biết nhiều, hẳn những điều ông ấy nói là đúng. Mình đàn bà quẩn quanh trong lũy tre làng, chỉ cần làm tốt công việc tề gia nội trợ. Bà từng nghe ai nói rằng tình yêu của người đàn ông đi qua dạ dày. Thế là bà làm theo.
Hình như số phận bà Thật luôn gắn liền với nghề báo. Ngày thằng Thành nộp đơn thi đại học, nó hỏi: "Theo u con nên thi vào ngành nào?". Bà lắc đầu: "U chả biết ngành nào hơn ngành nào. Con học giỏi thi trường nào chẳng đỗ. Tuỳ con chọn". Nói xong bà giật mình nhớ tới nghề nghiệp của chồng. Bà vớt vát: "Nhưng u cấm con thi vào ngành nào liên quan tới báo chí. Một mình thầy con cũng khiến u mệt mỏi lắm rồi". Thằng Thành cười to: "U ơi! Ghét của nào trời trao của ấy". Thì ra nó quyết định thi vào khoa báo chí. Đúng là rau nào sâu ấy. Chưa có người mẹ nào mong con mình thi trượt, nhất là kỳ thi đại học. Ấy vậy mà bà lại mong. Trái với điều bà mong, Thành đỗ thủ khoa. Trời ơi, nhà có một phóng viên bà đã nhược người rồi. Nay thêm một nữa. Thôi thì đất không chịu trời thì trời phải chịu đất vậy. Hôm Thành khăn gói lên trường nhập học, bà Thật ra điều kiện: "Con không được mang về đây thêm một cô phóng viên nữa đấy. U cấm". Thành nhăn mặt: "Vậy thì bao giờ con mới lấy được vợ?".
Những chuyện như thế cứ lan man chạy theo luồng suy nghĩ của bà Thật. Thằng con trai ngày một khôn lớn. Ơn trời, ơn tổ tiên phù hộ. Nhưng sao bà chẳng thấy con trai dẫn bạn gái về chơi bao giờ. Nó đã ba chục tuổi rồi chứ ít ỏi gì cho cam. Sốt ruột quá, có lần bà nói thẳng thừng: "Trẻ thì chờ chồng, già lại chờ con trong mỏi mòn. Thành ơi, lấy vợ đi cho u có cháu bồng cháu bế". Thành cười cười: "Vâng, u yên tâm. Gì chứ u mong có dâu, có cháu thì tuần sau con dẫn về". Cuối tuần ấy Thành dẫn về một cô gái khá xinh, tên Liên, giới thiệu là bạn rất thân. Người thành phố có khác, nói năng nhẹ nhàng lịch thiệp, ăn vận đẹp như tiên. Có điều "tiên" nhặt mớ rau lóng nga lóng ngóng, rán miếng đậu phụ chỗ vàng sắp cháy chỗ vẫn còn trắng ởn. Bữa cơm có ba người ăn mà làm vài tiếng chưa xong. Vào tay bà chỉ vèo cái... Nhưng cái đó chưa gây cho bà "sốc" bằng cái tin con bé Liên cũng là nhà báo. Ngay tối ấy bà triệu tập anh chị em ruột cùng các cháu sang họp bàn. Lũ thanh niên nghe các bậc phụ huynh đặt ra những yêu cầu về người vợ phải có, chúng lắc đầu lè lưỡi: "Gớm, các cụ duyệt như thế thì anh Thành khi nào mới lấy nổi vợ". Bà Thật bực lắm. Như ý chúng nó thì anh chị yêu nhau cứ cho thoải mái. Cha mẹ chú bác đừng mang cái thước cổ lỗ ngày xưa ra áp đặt cho lớp trẻ bây giờ. Có vợ có chồng khắc sẽ có cách giải quyết mọi khó khăn. Không giải quyết được thì khổ, thì đói. Người giàu đáng mấy phần trăm trong xã hội. Bà Thật không thèm nghe cái thứ ý kiến vô trách nhiệm ấy. Trong tâm thức của bà, người vợ phải khéo léo, giỏi giang trong việc bếp núc nội trợ. Chẳng phải ngẫu nhiên các cụ xưa gọi là nội tướng, ngày nay gọi là người giữ lửa. Có vậy ông Thật mới thành danh, thằng Thành mới thành tài chứ. Bà Thật thấy cái Liên không thể bằng cái Lý con bà Tèo ở xóm bên. Con bé rõ là được cả người lẫn nết. Nó chỉ làm ruộng thôi nhưng cái gì cũng biết, cũng thạo. Tính tình lại sởi lởi, nhanh nhảu. Chưa thấy người đã thấy tiếng, vừa thấy mặt đã thấy cười. Người vợ có tươi tắn mới mong người chồng có may mắn. Nhiều lần bà nói với Thành: "Hai vợ chồng cùng là phóng viên, suốt ngày như ma đuổi, đẻ con ra chắc để thiên hạ chăm?". Thành cười toe toét: "Ô hay, u giục con lấy vợ để có cháu bồng cháu bế. Bây giờ u lại hỏi ai trông. Vậy thôi, con không lấy vợ nữa". Thế là nó "ép" bà rồi còn gì. Nửa tháng trước bà Thật đã tỉ tê nói với chồng về chuyện vợ con của Thành. Ông Thật gạt đi: "Bà toàn cầm đèn chạy trước tàu hoả. Bạn bè thì đầy, người yêu chỉ có một. Tôi chỉ bàn khi nào anh chị ấy báo cáo". Bà Thật nói bằng cái giọng bắt đầu gay gắt: "Nhưng con Liên nó là phóng viên nhà báo". Ông Thật không ngạc nhiên: "Nhà báo thì làm sao? Đấy cũng là nghề mà. Nhà này vốn dĩ đã có hai, nay thêm một càng vui". Nói xong ông Thật bước vào buồng. Bà Thật vớt theo: "Nhưng mà...". Cánh cửa buồng đã đóng lại. Bà Thật hiểu tính chồng.
Hôm nay bà Thật còn nóng ruột hơn. Chuyện hệ trọng đã xảy ra. Nhà con bé Liên đã "bật đèn xanh" mời ông bà Thật lên chơi. Lên chơi nghĩa là công nhận tình yêu của đôi trẻ, công nhận con Liên là dâu con. Mà bà thì chưa thông. Ý bà con Lý hơn đứt con Liên. Con Liên chỉ được cái mã bề ngoài. Con Lý mới là thứ gỗ tốt mà bà cần. Bà thật sự lo lắng cho tương lai của Thành. Bà không thể sống với con với cháu mãi được. Đến lúc nào đó bà cũng phải đi theo các cụ chứ. Tính nết con Liên vụng về gia chánh thế thì sao lo liệu vẹn toàn cho cái gia đình này. Thằng Thành rồi sẽ khổ một đời. Bà mong ông chồng về để cho ý kiến dứt điểm. Nếu không, bà sẽ sang nhà bà Tèo xin con Lý. Nghe phong phanh đâu con Lý có nhà trên phố muốn xin. Không nhanh rồi lại xôi hỏng bỏng không. Thâm tâm bà vẫn tiếc con Lý. Giá như bà có hai thằng con trai. Ông trời chẳng chiều lòng người. Một cơn gió ào qua ngõ, mấy cành tre đập vào mái ngói nghe cành cạch. Bà Thật nhào ra. Đường làng giữa trưa vắng ngơ vắng ngắt.
Chờ mãi, chờ mãi rồi ông Thật cũng phải về. Bà Thật chạy ra đón chồng mà trong bụng tức anh ách. Người đâu mà chẳng biết nóng ruột là gì. Bà trút tất cả nỗi bực bõ trong người vào câu trách: "Ông không thấy nóng ruột à? Lúc cần nhanh thì ông lại chậm. Rõ là...". Vẫn điệu cười vốn có, ông Thật bảo: "Ăn lương nhà nước phải làm cho hết trách nhiệm. Cũng như bà ấy. Nhận ruộng khoán rồi cũng phải vắt óc suy tính xem trồng cây gì, nuôi con gì chứ. Phải trần lưng vật vã mới mong có vụ mùa bội thu". Nói thế thì còn gì để nói nữa. Cứ như sách. Ông Thật thong thả dựng cái xe máy vào góc hiên, đặt chiếc cặp vào ghế rồi đón cốc nước mát của vợ đưa cho. Không chờ ông Thật uống xong cốc nước, bà Thật vào chuyện luôn. Ông Thật bình tĩnh đặt cốc nước uống dở xuống bàn, nói: "Bà bình tĩnh đã nào. Chuyện đâu khắc có đó. Sao bà cứ sồn sồn lên thế. Tôi đã có chủ đích. Việc lớn phải giải quyết từng khâu một mới mong ổn thỏa". Sự bình tĩnh thái quá của chồng khiến bà Thật không kìm nổi: "Lửa cháy đến lưng rồi mà ông còn khề khà". "Khiếp. Nghe bà nói chả ai dám lấy vợ nữa. Bà gọi cho tôi anh Thành ra đây". Bà Thật mừng húm. Nghe cái giọng của chồng, bà tin chắc ông ấy không bằng lòng con Liên. Vậy dứt khoát phải là con Lý. Bà le te rảo bước đi gọi con trai.
Khi cả hai mẹ con bà Thật yên vị trên ghế, ông Thật mới đằng hắng: "Tôi hỏi bà trước. Theo bà, hình thức con Liên có được không?". "Được". "Nó có ngoan hiền chịu khó không?". "Có. Nhưng không khéo, lại chậm". "Bà còn nhớ ngày xưa về làm dâu nhà này bà cũng vụng lắm chứ. Nào ai chê trách bà đâu. Mẹ chồng, chị em chồng phải uốn nắn mãi bà mới thạo công thạo việc như hôm nay. Ai chả thế". Bà Thật bị đẩy vào thế bí chưa biết trả lời ra sao thì ông Thật đã quay sang Thành: "Anh Thành. Anh thấy con Liên có chân thành, có nhiệt tình, có tốt không?". "Thưa thầy, có ạ". "Nó có yêu anh thật lòng không?". "Có ạ, thưa thầy". "Thế anh có yêu nó không?". "Có ạ. Con yêu nhiều lắm". "Vậy còn gì phải bàn nữa. Ngày mai tôi với bà lên thăm nhà con Liên. Nếu tiện ta bàn luôn chuyện cưới xin của chúng nó". Bà Thật vẫn nói với theo: "Nhưng mà. Nhưng mà..."
Cánh cửa buồng đã đóng lại. Như thế đồng nghĩa không còn gì phải bàn cãi nữa. Ông Thật đồng ý cho thằng Thành lấy con Liên. Không thể thay đổi. Bà Thật lắc đầu: "Mình là vợ nhà báo, là mẹ nhà báo, không khéo sau này lại kiêm luôn cả chức bà nội nhà báo nữa mất thôi. Đúng là di truyền".
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN