Glodok là khu phố người Hoa lớn nhất ở Indonesia, nằm ở phía Tây Jakarta.
Những người dân đón Tết Nguyên đán thường lui tới khu phố này để chơi xuân và mua sắm chuẩn bị đón năm mới âm lịch trên đất nước Hồi giáo Indonesia.
Từ Glodok xuất phát từ tiếng Sundan có nghĩa là “lối vào nhà” bởi thời xa xưa, khu vực này là lối vào cảng Kepala Sunda, thương cảng lớn nhất của Batavia- tên gọi thủ đô Indonesia thời thuộc địa.
Ngoài ra, chữ Glodok còn xuất phát từ tiếng kêu “dok dok” (đốc-đốc) của các bánh xe gỗ mà các thương nhân Trung Hoa buôn bán tại khu vực này. Vào thời đó, chính quyền thuộc địa Hà Lan đã đưa nhiều công nhân từ Trung Quốc là các thợ lành nghề đến để xây dựng thành phố Batavia.
Những người sống trong khu vực Glodok ngày nay là hậu duệ của những người định cư Trung Quốc sống sót sau cuộc tàn sát người gốc Hoa ở đảo Java những năm 1740 - 1743. Ngày nay, cộng đồng người Hoa khu vực này sinh sống làm ăn, biến khu Glodok thành một khu vực có kinh tế phát triển.
Ngày nay, Glodok được biết đến là một trong những địa điểm mua bán hàng hóa giá rẻ và hầu như mọi thứ bạn cần đều có ở đây, từ hàng tạp hóa, thuốc men, quần áo, thực phẩm cùng các nhà hàng với đồ ăn Trung Quốc đặc trưng.
Càng gần Tết Nguyên đán, khu phố tàu Glodok càng nhộn nhịp không khí đón xuân, khoác lên mình màu sắc rực rỡ của những cành đào Tết.
Tết Nguyên đán năm nay vẫn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhưng từ trước Tết một tuần, chợ Glodok đã bắt đầu bày bán các sản phẩm phục vụ ngày Tết Nhâm Dần.
Thủ đô Jakarta vẫn đang trong giai đoạn giới hạn hoạt động cộng đồng cấp độ 2, nhưng số lượng lớn yêu cầu từ người tiêu dùng đã khiến các nhà kinh doanh tại địa điểm này tràn ngập đơn đặt hàng, doanh thu bán hàng tăng 60% so với năm ngoái. Không chỉ những người đón Tết Nguyên đán, người dân Indonesia nói chung cũng tới khu chợ vui chơi, mua sắm, tìm hiểu văn hóa.
Năm Nhâm Dần, đồ trang trí tết từ phong bao lì xì, hình dán tường, quần áo, dây treo, đèn lồng ngày Tết đều có hình tượng những chú hổ. Đa phần là hàng nhập từ Trung Quốc.
Cả khu chợ tràn ngập sắc đỏ ngày Tết. Doanh thu không chỉ đến từ những khách hàng đến trực tiếp mua bán tại chợ mà còn tăng khi người dân đón Tết âm lịch đặt hàng qua các ứng dụng trực tuyến.
Khu bán đồ thực phẩm cũng trưng bày các sản phẩm thắp hương ngày Tết như bưởi, chuối, na và nhiều loại hoa quả khác còn nguyên cành.
Hoa tươi hiếm gặp ở đất nước có khí hậu nóng quanh năm như Indonesia. Nhưng tại khu chợ này vào ngày Tết, thương nhân nhập thêm nhiều loại hoa để chơi Tết như lay ơn, hoa sen, hoa cúc, hoa lan và các cành phát lộc.
Người gốc Hoa thường mua bánh tổ màu đỏ về thắp hương dịp Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, người Việt Nam sinh sống tại Jakarta cũng thường lui tới khu chợ để tìm mua các loại lá như lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, đồ trang trí hay mâm ngũ quả ngày Tết.
Không chỉ vậy, nơi đây cũng là điểm đến tâm linh của các tín đồ Phật giáo bởi có nhiều đền, chùa, trong đó có hai ngôi chùa cổ hàng trăm tuổi Toa Se Bio và Vihara Dharma Bakti.
Khu vực này cũng có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu của Trung Quốc và là điểm đến du lịch văn hóa yêu thích của các du khách.
Theo VOV