Miếu Thọ Trương ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) là một trong những nơi thờ Quý Minh Đại vương - một vị tướng giỏi của thời Hùng Vương.
Tượng thờ thành hoàng Quý Minh Đại vương (thời Nguyễn)
Vị tướng giỏi
Theo thần tích bằng chữ Hán tại di tích và các thư tịch tài liệu lịch sử có liên quan, đời t có hai vợ chồng nhà nọ một lòng tu nhân tích đức, tuổi đã ngoài tứ tuần mà chưa có con nối dõi nên trong lòng rất muộn phiền. Nghe ở Thanh Hóa có đền thờ linh thiêng, hai vợ chồng bèn sửa soạn hoa lễ, tìm đến cầu tự. Một thời gian sau, ông bà sinh được hai người con trai diện mạo khôi ngô tuấn tú khác hẳn người thường, người con lớn đặt tên là Cao Sơn, con thứ hai là Quý Minh.
Cả hai người con đều thông minh, lanh lợi, võ nghệ tinh thông. Đến năm 18 tuổi, cha mẹ Cao Sơn, Quý Minh không bệnh mà mất. Thời gian này, Hùng Duệ vương ra chiếu tuyển lựa người tài trong nước. Do có tài văn võ, cả hai anh em đều được tuyển chọn, ban chức: Chí tung, Sứ tung.
Hùng Duệ vương có hai người con trai và hai người con gái. Người con gái lớn gả cho Chử Đồng Tử. Con gái thứ hai gả cho người họ Nguyễn, tên Tùng, có tài rời sông, chuyển núi gọi là Sơn Thánh ở núi Tản Viên và được Hùng Duệ vương truyền ngôi.
Cùng thời đó, ở đất Cù Lao, có người họ Thục, tên Phán, thấy vua truyền ngôi cho con rể liền mang quân tiến đánh. Sơn Thánh họp ba quân phong cho Cao Sơn và Quý Minh làm tả hữu tướng quân, dẹp quân giặc ở vùng Đông Bắc (Bắc Giang ngày nay). Đến nơi đóng quân thì trời tối, đêm đó cả hai người đều nằm mộng thấy có một vị thần tự xưng là Minh Giang xin trợ giúp. Được dân ủng hộ, thần Minh Giang giúp đỡ, hai anh em đã đánh tan quân Thục. Vua hạ chiếu cho hai anh em đóng quân tại đó, giúp nhân dân làm ăn, ổn định cuộc sống. Một hôm, bỗng nhiên trời đất tối sầm, có hai dải mây vàng phóng xuống, tự nhiên hai anh em đều hóa.
Nhân dân thấy vậy rất kinh sợ bèn làm sớ tâu trình lên vua. Vua truyền cho nhân dân tổ chức tế lễ, đồng thời phong tặng mỹ tự cho Cao Sơn là Thông Minh Đại vương, Quý Minh là Hiển Ứng Đại vương, Minh Giang là Hộ thắng chí thần, cho phép phụng thờ.
Nơi ghi dấu lịch sử
Để ghi nhớ công lao của vị thần Quý Minh đã có công hộ quốc an dân, nhiều nơi đã xây dựng đình, đền, miếu thờ tự và tôn là Thành hoàng, trong đó có làng Thọ Trương.
Các cụ cao niên trong làng cho biết miếu Thọ Trương xây dựng từ khá sớm, trùng tu vào thời Nguyễn với kiến trúc ban đầu kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Chính khu vực miếu, chùa là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Miện, do ông Nguyễn Công Hòa làm Bí thư. Cách mạng Tháng Tám thành công, di tích được sử dụng làm địa điểm sơ tán của Ty Công an tỉnh.
Ngoài miếu, làng Thọ Trương xưa còn có một ngôi đình. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1951), quân giặc về đóng bốt ở đầu làng, chúng đã phá dỡ tòa trung đình và hậu cung lấy nguyên vật liệu để xây quận Thọ Trương. Các đồ thờ tự của đình được nhân dân bí mật phân tán cất giấu và đưa vào thờ tự tại miếu.
Bài trí thờ tự tại hậu cung miếu Thọ Trương
Dù trải qua chiến tranh cam go ác liệt, song bằng ý thức bảo vệ di sản của nhân dân làng Thọ Trương, các công trình kiến trúc tại miếu được bảo tồn khá tốt. Kiến trúc cổ của miếu còn giữ được đến ngày nay gồm tòa tiền tế và hậu cung, xây tường hồi bít đốc bổ trụ, trong đó tòa tiền tế kết cấu chính gồm 4 vì kèo với chất liệu gỗ tứ thiết chắc khỏe. Miếu còn lưu giữ nhiều cổ vật quý chất liệu gỗ, giấy và gốm từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn, trong đó có 12 đạo sắc phong từ năm Cảnh Hưng 44 (1783) đến năm Khải Định 9 (1924), 1 bức cuốn thư năm Kỷ Tỵ (1929) cùng hệ thống câu đối, đại tự, bát hương, nhang án, tượng thờ...
Năm 1995, miếu Thọ Trương tiếp tục được tôn tạo. Để mở rộng không gian sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân địa phương đã xây dựng thêm 5 gian phía ngoài tòa tiền tế làm nơi tế lễ.
Ngày 21.10.2009, miếu Thọ Trương (cùng với chùa) được xếp hạng cấp tỉnh thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Từ đó đến nay, ngôi miếu đã qua một số lần tu sửa nhỏ bằng sự công đức tự nguyện của con em địa phương và du khách gần xa. Lễ hội tại miếu được tổ chức trọng thể với hai phần (phần lễ và phần hội) vào ngày rằm tháng giêng và rằm tháng 8 âm lịch hằng năm.
Vào các năm chẵn, phần lễ có tổ chức nghi lễ rước và tế Thành hoàng, phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như kéo co, cầu lông, cờ người... thu hút đông đảo con em quê hương tham gia.
Việc duy trì tổ chức lễ hội tại miếu hằng năm không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công lao của vị tướng giỏi có công với dân, với nước mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết thôn xóm, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
ĐẶNG THU THƠM