Dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với thực tiễn đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra phác họa về mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Trải qua gần 60 năm công tác, trong đó có hơn 13 năm trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xác định mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; từ đó góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định vai trò nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh tính khoa học, tính cách mạng của chủ nghĩa Marx-Lenin và tính dân tộc cũng như quan điểm về vai trò, sứ mệnh của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận khoa học, trước hết là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với tổng kết thực tiễn đổi mới của Việt Nam và khái quát lý luận mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những phác họa về mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), trả lời cho câu hỏi “chủ nghĩa xã hội là gì?” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”
Cũng trong bài viết trên, không chỉ lý giải rõ “chủ nghĩa xã hội là gì?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn góp phần làm sáng tỏ một vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng ở nước ta hiện nay, đó là Việt Nam “đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào?”
Cụ thể, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tích cực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đặc biệt coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ở khía cạnh thực tiễn, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến 3 phương diện chủ yếu từ góc nhìn ở Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta định hình và định hướng chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa xã hội khoa học Marx-Lenin nhưng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam; tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Một điểm nữa, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn trước Đổi mới giúp Đảng ta từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn, khoa học hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
“Trong khi còn một số quan niệm đơn giản về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần phải khẳng định rằng Đảng và nhân dân ta đã làm được những việc tưởng không thể thành có thể. Đó là, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Giá trị của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là sức mạnh, nguồn cảm hứng vô tận để nhân dân miền Nam và đồng bào cả nước hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong nhận định.
Cùng với đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, thực tiễn sống động nhất là qua hơn 35 năm đổi mới. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại tình hình Việt Nam trước Đổi mới bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đầy khó khăn tới quá trình trong 35 năm Đổi mới, đất nước tiếp tục đối mặt với khó khăn trong điều kiện khách quan, chủ quan. Đối mặt với những thách thức đó, nước ta vẫn xác định “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử."
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong khẳng định thông qua bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta xác định rõ xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang xây dựng là vì lợi ích của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá từ việc nghiên cứu thực tiễn hết sức phong phú của Cách mạng Việt Nam những năm Đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần rất quan trọng làm sáng tỏ và đạt những bước tiến rất dài trong khoa học lý luận chính trị, trong nhận thức và hiện thực hóa mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi cho rằng di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho hậu thế không chỉ là một kho tàng khoa học lý luận chính trị đa dạng, phong phú, đồ sộ, sâu sắc, khoa học, hệ thống và toàn diện về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; mà còn là kho tàng kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam; và đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một tấm gương bình dị, cận dân, sáng ngời về đạo đức, nhân cách của một người cộng sản chân chính.
TB (theo TTXVN)