Có lẽ bạn đọc của Báo Hải Dương không lạ gì nhà văn Trần Thúy Lành. Với riêng tôi, tôi được biết chị lần đầu tiên là từ cuộc thi "Tác phẩm tuổi xanh" của Báo Tiền phong năm 1997...
Có lẽ bạn đọc của Báo Hải Dương không lạ gì nhà văn Trần Thúy Lành. Với riêng tôi, tôi được biết chị lần đầu tiên là từ cuộc thi "Tác phẩm tuổi xanh" của Báo Tiền phong năm 1997 và sau đó còn "gặp" chị nhiều qua các truyện ngắn in trên các báo: Hải Dương, Văn nghệ, Văn nghệ Công an, tạp chí Văn nghệ Hải Dương... Tháng 7.2018, chị vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn đầu tay “Đi qua mùa trăng”. Sách dày 232 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.
“Đi qua mùa trăng” gồm 20 truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn không dài, chỉ vừa phải, cô đọng để sau mỗi truyện lắng lại trong tôi là những suy ngẫm về cuộc đời, khắc khoải, đau đáu cùng số phận nhân vật. Xuyên suốt tập truyện ngắn là thân phận của người phụ nữ khiến người đọc phải day dứt, động lòng trắc ẩn. Cuốn sách mang đậm giá trị nhân đạo bởi nhà văn Thúy Lành đã khắc họa thành công các nhân vật, đi đến những ngóc ngách tâm hồn, hiểu tận cùng nỗi đau của họ.
Cuộc sống không phải cứ cho đi thế nào thì sẽ được nhận về thế ấy. Ở thời đại nào thì người phụ nữ cũng luôn chịu nhiều thiệt thòi, vất vả. Đó là nhân vật “nàng” trong "Người đàn bà đi tìm hạnh phúc". Nàng là bác sĩ khoa sản hết lòng yêu thương chăm sóc chồng con, sinh cho chồng hai cô con gái giỏi giang, xinh xắn. Nàng đã từ chối cơ hội phát triển cho bản thân, từ bỏ cả công việc yêu thích của mình để toàn tâm toàn ý vun vén gia đình, giúp chồng thăng tiến trong sự nghiệp. Đến khi chồng bị ung thư, biết chồng ngoại tình, có con với người khác vẫn nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng mà ngậm đắng nuốt cay, hết lòng chạy chữa, chăm sóc chồng chu đáo. Đó là cô Son tần tảo cả đời một nắng hai sương hy sinh hạnh phúc riêng của mình để nuôi em trai khôn lớn, luôn canh cánh, chăm chút cho hạnh phúc của người em, ngay cả khi lâm bệnh. Ẩn trong đó còn là hình ảnh một cô Son thủy chung son sắt với mối tình đầu của mình, người lính đi B vì nghĩa nước để rồi không có ngày trở về (Đi qua mùa trăng).
Truyện ngắn của Thúy Lành còn lên án những thói hư tật xấu, sự tha hóa đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ trong xã hội như nhân vật ông Khả trong “Sám hối”. Một giáo sư từng cướp người yêu của bạn thân, đuổi chị dâu ra khỏi nhà, đẩy con rể vào tù để rồi cuối đời ông nghiệm ra rằng “đời cha ăn mặn thì đời con khát nước”. Hay một ông quan huyện tên Hỉ trước mặt mọi người tỏ ra là người đàn ông mẫu mực, yêu vợ, thương con nhưng thực ra có tư tưởng gia trưởng, “trọng nam khinh nữ” (Đứa con không có tên trong gia phả).
Hiện thực cuộc sống nông thôn với mặt trái của nó cũng được tái hiện rõ nét. Quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi cuộc sống của làng Mộc. Sự mai một những giá trị truyền thống ở một làng nghề, trong đó các tệ nạn xã hội như đánh đề, cờ bạc, mại dâm, nhậu nhẹt có dịp len lỏi vào các làng quê, trẻ em chểnh mảng học hành...(Con đường mới).
Quả đúng như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Trần Thúy Lành không dựng truyện mà kể chuyện. Một cách kể thông thoáng, khách quan”. Nội dung các câu chuyện của chị được xây dựng qua lối kể chuyện hết sức tự nhiên với những ngôn từ bình dị, gần gũi, có sự kiên định rõ ràng về bút pháp, giọng điệu. Là một cô giáo trẻ nên chị đã trải lòng mình vào những trang viết. Người đọc được gặp ở đó một trái tim tuổi trẻ nhiệt thành, tâm huyết, không ngại khó ngại khổ mang tri thức của mình đến với vùng quê nghèo xa xôi. Ở đó có những con người bình dị, chân chất mà cháy hết mình cho lý tưởng cao đẹp (tác phẩm "Bình yên"- Giải Đồng hạng "Tác phẩm tuổi xanh"). Có sự mơ mộng lãng mạn, nuôi trong tim một thần tượng của riêng mình (Thần tượng). Nhưng cũng có lúc ta thấy một Thúy Lành có cái nhìn già dặn, chín chắn trong mối quan hệ gia đình.
Truyện ngắn của chị mở ra cho bạn đọc nhiều suy tưởng nhưng đa phần đó là cái kết tươi sáng, lấp lánh niềm hy vọng ở một ngày mai. Người phụ nữ trong “Khi mẹ trở về” từng chán nản vì chồng nghiện rượu và trai gái đã bỏ sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Sau những nhọc nhằn lao động cơ cực bên nước người trở về, người chồng đã trở thành người đàn ông chỉn chu, đàng hoàng. Hay như Nguyệt, một cô gái tật nguyền vốn luôn mặc cảm, tự ti trước cuộc đời, từng có ý định quyên sinh. Nhưng khi gặp được vị bác sĩ, cô đã hoàn toàn thay đổi. Một cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa, mang màu sắc lấp lánh được mở ra (Vầng trăng khuyết).
Ngay từ tên tiêu đề cho tập truyện, hình ảnh mùa trăng chính là ẩn dụ cho sự khát khao trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Đó là những điều ngọt ngào, huyền ảo, xa xôi, không dễ gì nắm bắt, có khi lại vuột mất ngay cả khi đã có trong tầm tay. Có cảm giác “Đi qua mùa trăng” không phải là những truyện ngắn được sáng tạo trong trí tưởng tượng của tác giả mà ta thấy thấp thoáng trong đó là hình ảnh những người phụ nữ ở đâu đó quanh mình với những nỗi niềm ngổn ngang, chịu nhiều trắc trở, bất hạnh. Dường như số phận buộc họ chấp nhận thiệt thòi trong cuộc sống cho dù đó là người phụ nữ nhan sắc, giỏi giang, có tiền bạc và gặt hái thành công.
VŨ THỊ THANH HÒA