Nghĩa ban đầu của từ qua dùng để chỉ chuyển động của một chủ thể nào đó từ nơi này đến nơi khác trong không gian. Có nhiều cách dùng lý thú:
Qua sông thì phải lụy đò
Tối trời thì phải lụy o bán dầu
(Ca dao)
O tức là cô, một từ Việt cổ. Bây giờ, trong ngôn ngữ nói một vài nơi ở miền Trung vẫn còn dùng. Con đò trong câu ca dao trên phải là đò ngang, một phương tiện dùng để qua sông. Đò ngang chuyển động cắt ngang dòng sông từ bờ bên này sang bờ bên kia. Đò dọc chuyển động theo chiều dài con sông. Xe đò bắt nguồn từ đò dọc, chạy dài theo con đường. Nếu dòng sông nào đó đã bắc cầu, ta lại có:
Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu
(Ca dao)
Người qua cầu chuyển động theo chiều dài cây cầu. Như thể đò dọc đi theo sông. Như xe đò chạy trên đường. Như khách qua đèo đi theo chiều dài đường đèo. Khác cách qua sông của đò ngang. Khác cảnh người qua núi. Giống như qua đường trong câu lục bát:
Em về mở quán bán hàng
Để anh là khách qua đàng trú chân
(Ca dao)
Qua đàng tức là qua đường theo cách nói cổ. Ta có qua đèo, qua cầu, qua đường, chuyển động theo chiều dài của môi trường. Qua núi, qua sông chuyển động cắt ngang chiều dài. Cả hai loại chuyển động trên lại có nét chung là chủ thể trực tiếp chuyển động trong môi trường cụ thể ấy. Thêm một cách qua trong ca dao:
Qua đình ghé nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Người qua đình không đi vào khuôn viên của ngôi đình. Chỉ đi ngang qua cửa đình mà thôi. Như vậy trong trường hợp qua đình, chủ thể không chuyển động trong môi trường mà chuyển động bên ngoài môi trường. Nghĩa là khác với chuyển động của qua đèo, qua cầu, qua đường, cũng khác với qua núi, qua sông, mà cùng dạng với qua nhà trong câu thơ của Nguyễn Bính:
Lối này lắm bưởi nhiều hoa
Đi vòng để được qua nhà đấy thôi
Theo cấu trúc thông thường đứng sau từ qua là các từ: sông, núi, cầu, đường, đình, nhà... Đó là những danh từ chỉ môi trường chứa các chuyển động. Đôi khi là những danh từ riêng:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm
(Ca dao)
Khôn ngoan qua cửa sông La
Dễ ai có cánh bay qua Lũy Thầy
(Ca dao)
Lại có những cấu trúc ngược lại:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương
(Chế Lan Viên)
Nơi nao là cách nói tổng hợp nhằm chỉ tất cả những nơi tác giả đã đến, được đặt trước từ qua. Đặt như vậy làm tăng giá trị thẩm mỹ. Những nơi mà tác giả đã đi qua đâu phải chỉ là địa chỉ nhớ mà sâu nặng hơn, thiết tha hơn, là những địa chỉ yêu thương. Cũng trong bài thơ trên, Chế Lan Viên lại viết:
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn chưa mất một phong thư.
Từ qua này không thể hiểu như là qua đình mà phải hiểu là đến, tới bản Bắc. Tác giả dùng từ qua hiệp vần lưng với bản Na làm câu thơ thêm phần ngân nga. Mặt khác dùng từ qua thể hiện tính chất thường xuyên, khẩn trương như con thoi của cán bộ giao bưu trên các nẻo đường kháng chiến. Nhiều trường hợp từ qua đứng sau các từ chỉ thời gian như: giờ, ngày, đêm, tháng, năm... để chỉ quá khứ:
Đêm qua rót đọi dầu đầy
Bấc non chẳng cháy, oan mày dầu ơi!
(Ca dao)
Lần lần tháng trọn ngày qua
Nỗi gần, nào biết đường xa thế này
(Nguyễn Du)
Ơi kháng chiến. Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường
(Chế Lan Viên)
Mười năm qua, chỉ quá khứ, ai cũng viết được. Bên trong vỏ thời gian ấy có ngọn lửa huyền thoại của cuộc kháng chiến thần kỳ lại là nét riêng của tác giả. Một cách liên tưởng đặc biệt của thi pháp Chế Lan Viên. Xin dẫn thêm vài từ qua trong di sản thơ của ông:
Trong xa cách bỗng à ơi giọng Việt
Ru lòng tôi qua nghìn dặm quê xuân
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn
Nhiều từ qua lấp lánh trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Cất mình qua ngọn tường hoa
Lần đường theo bóng trăng tà về tây
Dở dang nào có hay gì
Đã tu tu chót, qua thì thì thôi
Trong câu bát, đứng sau từ qua là hai từ thì đồng âm khác nghĩa. Từ thì thứ hai trong tổ hợp thì thôi chỉ rõ điều kiện ở phía trước quyết định hệ quả ở phía sau:
Bao giờ nắng rữa bàng trôi
Tua rua quặt lại thì thôi cấy mùa
(Ca dao)
Từ thì thứ nhất tức là thời, chỉ một quãng thời gian nào đó của một đời người. Qua thì nghĩa là đã qua chặng đời xuân trẻ:
Trai ba mươi tuổi đang thì
Gái ba mươi tuổi còn gì là xuân
(Ca dao)
Tổ hợp qua thời tuổi trẻ thường xuất hiện trong những bài thơ ca ngợi các cô gái Trường Sơn đánh Mỹ:
Cái thời tuổi trẻ em qua
Mưa thâm mặt biển, nắng nhòa Trường Sơn
(Mai Hồng Niên)
Qua nơi này, chốn kia... chủ thể chủ động chuyển dịch trong không gian. Qua năm này, tháng nọ, mùa kia... thời gian là khách thể biến thiên, chủ thể trong cuộc lại ở thế bị động.
Dù là qua không gian hay qua thời gian vẫn là những chuyển động có thể đo đếm bằng các đại lượng cụ thể. Nhiều trường hợp dùng từ qua ảo hơn, trừu tượng hơn, không theo cách dùng vốn có tạo nên hiệu quả bất ngờ:
Sao trời lọt qua mắt lưới
Rơi đầy xuống cả mặt sông
Sông Cầu khi đầy khi vơi
Chảy ngang qua câu quan họ
(Đỗ Trung Lai)
Bầu trời sao ở trên cao. Dòng sông đêm thời chiến ở phía dưới. Giữa là chiếc vó bè từ từ cất lên khỏi mặt nước. Chuyển động thực của vó bè làm nên chuyển động kỳ ảo của ngàn sao. Đất trời xao động hay lòng người xao động. Lại nữa, sông Cầu chảy qua cánh đồng, làng quê, doi bãi... là điều có thực, là chuyện thường tình. Sông Cầu và câu quan họ thuộc hai trạng thái khác nhau. Một bên là lưu lượng của dòng nước. Một bên là lưu lượng âm thanh. Hai lưu lượng này gặp nhau làm nên vẻ đẹp câu thơ. Đấy là một cách đi qua còn đọng lại.
LÊ ĐÌNH CÁNH