"Vấn đề là tại sao cùng một tầm giá, thậm chí đi nước ngoài còn rẻ hơn, tôi lại phải chọn du lịch trong nước?", Vân Anh nói.
Trong khi đó, Văn Thịnh, làm giáo viên ở Hà Nội, nói đã đặt vé máy bay đi Bangkok từ 27.4 đến 1.5 với giá 5,5 triệu đồng khứ hồi. Nếu chọn giờ bay khác, anh có thể tiết kiệm thêm gần 2 triệu đồng. So với việc bỏ tới 6 hay 7 triệu đồng để bay đi Phú Quốc, anh thấy Bangkok rõ ràng là lựa chọn tốt hơn.
Đa số các công ty lữ hành khẳng định khách hàng đang có xu hướng chọn du lịch nước ngoài trong dịp lễ năm nay. Tính tới ngày 27.3, Công ty Du lịch Việt có khoảng 70% khách chọn tour nước ngoài dịp 30.4. TST Tourist ghi nhận trong khoảng 2.000 khách đặt tour dịp 30.4, có tới 61% người chọn sản phẩm tour nước ngoài. Vietravel dự kiến đón khoảng 6.000 khách dịp này và tour nước ngoài chiếm gần 70% tổng số.
Vé máy bay nội địa cao là một trong những lý do khiến nhiều khách Việt chọn đi nước ngoài. Số liệu từ Du lịch Việt cho thấy so với cùng kỳ năm 2022, vé máy bay nội địa khởi hành từ Hà Nội đến các điểm du lịch nổi tiếng năm nay cao hơn từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Giá vé máy bay đi Phú Quốc cao hơn khoảng 1,5 triệu đồng. Các khu nghỉ miền Trung ghi nhận mức tăng khoảng 1 triệu đồng. Giá này được tính theo vé mua serie, vé lẻ cao hơn.
"Giá năm nay 'rát' hơn. Khi đặt lên bàn cân, khách sẽ dễ chọn đi nước ngoài hơn", ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho hay. Tập khách hàng đi nước ngoài rất rộng, từ thăm thân, lao động, công tác và du lịch chỉ một phần. Kể cả nhu cầu du lịch tăng cao, cũng không đủ tạo nên đột biến như trong nước. Trong khi đó, du lịch trong nước dịp lễ Tết thường tăng gấp 3-4 lần bình thường. Lượng cung không đủ khiến giá vé máy bay "tăng chóng mặt" như hiện nay.
Đại diện một công ty lữ hành cho hay trước dịch, vé máy bay dịp lễ không cao như hiện nay. "Các hãng hàng không dường như đang 'tận thu' sau ba năm kiệt quệ vì Covid-19. Giá vé máy bay nội địa như hiện nay có thể gây hại cho ngành du lịch nội địa", người này nói. Một chuyến đi Phú Quốc 4 ngày 3 đêm dịp lễ 30.4 khoảng 10 triệu đồng một người. Tuy nhiên, quá nửa là tiền vé máy bay. Các dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng có tăng nhưng không thể cao như hàng không.
"Bỏ nhiều tiền, dịch vụ chắc chắn không thể đầy đủ như ngày thường nên sẽ khiến khách hàng thất vọng", người này nói.
Giá tour nước ngoài không tăng mạnh như tour trong nước. Các tour Đông Nam Á tăng 15%. Các tour khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng không quá 20%. Trong khi đó tour trong nước có thể tăng tới 40%.
Ông Đạt cũng nói thêm các chương trình tour nước ngoài được trợ giá tốt bởi các điểm mua sắm. Do đó trong mỗi tour, du khách sẽ được đưa đi khoảng 4 điểm mua sắm bắt buộc. Dù mang danh nghĩa "bắt buộc", ông Đạt nhấn mạnh du khách Việt đi tour đều thích mua sắm đồ làm quà, kỷ niệm. Mặt khác, du khách có thể chọn không mua. Tại Việt Nam, doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ từ những điểm mua sắm tương tự do nhu cầu của khách thấp.
Các sản phẩm du lịch nước ngoài phong phú với nhiều điểm đến được ưa chuộng. Ngoài các tour phổ biến quanh khu vực Đông Nam Á đã mở từ năm ngoái, một số nơi yêu thích của người Việt mới mở cửa trở lại gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Thời gian nghỉ lễ dài cũng là một phần nguyên nhân khiến du lịch nước ngoài sôi động hơn trong dịp 30.4 năm nay. Đại diện AZA Travel cho biết thời gian trung bình cho một chuyến đi nước ngoài là 4-5 ngày, kích thích nhu cầu của du khách hơn bởi vào ngày thường, dù có kinh tế họ cũng chưa chắc đủ thời gian để du lịch nước ngoài.
Dù xu hướng đi nước ngoài tăng, lượng khách chỉ bằng khoảng 50% so với trước dịch. Kinh tế khó khăn khiến nhiều người chưa mặn mà bỏ nhiều tiền cho du lịch, theo ông Đạt.
Khi du khách siết chặt hầu bao, không chỉ du lịch nước ngoài mà nội địa cũng sẽ ảnh hưởng. "Một khi đã chi tiền, họ sẽ cân đo đong đếm nhiều yếu tố. Và nếu cùng một giá, thậm chí ít hơn nhưng được trải nghiệm nhiều hơn, tại sao họ phải chọn du lịch trong nước", đại diện Du lịch Việt cho hay.
Theo VnExpress