Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, đi và học là mong muốn chính đáng cho những ai khao khát học hỏi, cầu thị tiếp cận kiến thức mình chưa biết.
Tục ngữ có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đi để có thêm kiến thức, am hiểu sự đời, học được nhiều cái hay, cái tốt của người khác, của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thực tế cho thấy, có những việc làm chỉ khi tận mắt chứng kiến, tận tai nghe, dùng tư duy để phân tích thì mới hiểu thấu đáo, giúp chúng ta trau dồi kiến thức, rồi áp dụng vào lĩnh vực công tác, vào đời sống thường nhật.
Không ít cơ quan, đơn vị, địa phương... năm nào cũng chi “kha khá” tiền bạc để tổ chức các đoàn cán bộ, nhân viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Có địa phương, cơ quan, đơn vị còn “rồng rắn” vào Nam, ra Bắc để học tập kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo, điều hành, xây dựng địa phương. Có nơi tổ chức đi nhiều lần, với đối tượng “tương đối rộng”, tiêu tốn số tiền không nhỏ. Việc học hỏi, cầu thị là đúng, song “học phải đi đôi với hành”, học để về áp dụng vào thực tiễn địa phương mình, đơn vị mình, chứ “học” rồi để đấy, không ích lợi gì.
Ở địa phương nọ tổ chức chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một tỉnh đang trên đà phát triển ở miền Nam. Sau mấy ngày ăn, ngủ khách sạn trở về, ai cũng phấn chấn. Có điều, sau tham quan, bà con hỏi có học và áp dụng vào địa phương mình được những gì thì hầu như ai cũng lắc đầu, thở dài “khó lắm, họ khác, mình khác…”. Một anh chủ tịch xã vừa đi tham quan học tập kinh nghiệm gần nửa tháng tận Quảng Tây (Trung Quốc). Trở về, gặp tôi, anh bảo, tại mình đi chuyến này về có áp dụng được thì khoảng hai, ba chục năm sau.
Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, đi và học là mong muốn chính đáng cho những ai khao khát học hỏi, cầu thị tiếp cận kiến thức mình chưa biết. Vì thế, chúng ta rất cần đi nhiều nơi để học hỏi những điều hay, cách làm mới, mang lại hiệu quả cho nhân dân, để không bị tụt hậu so với các địa phương khác. Tuy nhiên, cũng cần chấn chỉnh việc “đi cũng nhiều nhưng chẳng học được bao nhiêu” để khỏi lãng phí thời gian và tiền của nhân dân.
TRẦN THÔNG(Bắc Ninh)