Đi máy bay trên mặt đất

01/01/2017 07:39

Tàu Shinkansen còn được gọi là “bullet train”, vì hình dáng con tàu với phần đầu thuôn gọn lao nhanh như những viên đạn vụt ra khỏi nòng súng, với tốc độ tối đa lên tới tới 320km/h.

Đang đứng chờ ở nhà ga trung tâm Tokyo, tôi giật nảy người khi một con tàu chạy vụt qua như đạn bắn. Sau cửa sổ đoàn tàu vừa dừng lại là đội ngũ nhân viên đang thoăn thoắt trình diễn kỹ năng tạo nên điều được gọi là “Phép màu 7 phút”.


Nội thất tiện nghi trong tàu Shinkansen khiến hành khách có cảm giác thoải mái không kém đi máy bay. Ảnh: T.G

Nội thất tiện nghi trong tàu Shinkansen khiến hành khách có cảm giác thoải mái không kém đi máy bay. Ảnh: T.G

Trải nghiệm đi tàu điện siêu tốc Shinkansen là một trong những điều gây ấn tượng mạnh nhất khi tôi có cơ hội đến Nhật Bản cùng nhóm thanh niên Việt Nam dự chương trình Jenesys 2016.

“Nhà hát Shinkansen”

Đang đứng chờ tàu, anh Nguyễn Đức Kính, một người Việt sống lâu năm ở Nhật làm nhiệm vụ dẫn đoàn Việt Nam, chỉ cho chúng tôi thấy, trong mỗi toa tàu có một nhân viên mặc đồng phục hai tay đang thoăn thoắt xoay ghế để kiểm tra rác và dọn dẹp. Các động tác rất đều, nhanh và không có cử động nào thừa thãi. Chứng kiến cách họ làm việc mới thấy, người ta gọi cách làm đó là những màn trình diễn trong “Nhà hát Shinkansen” quả không sai, vì cảnh tượng thực tế cũng ấn tượng như chính tên gọi này.

Mỗi đoàn tàu chỉ dừng ở ga trong 12 phút, nên đội dọn dẹp có 7 phút để vệ sinh tất cả các khoang, còn 5 phút để cho hành khách lên tàu. Mỗi người phụ trách một khoang với 100 ghế ngồi. Họ không chỉ kiểm tra xem khách có để quên gì trên tàu mà còn xoay ghế về đúng vị trí, dọn rác trên sàn nếu có, lau bàn ở phía trước từng ghế, chỉnh rèm cửa sổ, thay miếng vải phủ lưng ghế, đổ thùng rác giữa các toa xe.

 Trong khi đó, một đội khác thực hiện nhiệm vụ dọn nhà vệ sinh. Họ kiểm tra lần cuối tất cả các nhiệm vụ được giao theo danh sách trước khi xuống tàu và đứng xếp hàng cúi chào hành khách.?Quy trình dọn dẹp của các nhân viên dọn tàu Shinkansen được tổng kết như sau: 1 phút rưỡi nhặt rác, 30 giây xoay ghế, 4 phút quét và lau sàn và 1 phút kiểm tra. Họ không được phép làm lâu hơn thời gian đó vì phải đảm bảo cho các chuyến tàu hoạt động đúng giờ.

Tessei là công ty phụ trách dịch vụ dọn dẹp tất cả các tàu Shinkansen dừng ở ga Tokyo. Công ty này có khoảng 820 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian. Tuổi trung bình của các nhân viên là 52, và hơn một nửa là nữ. Nên Tessei thường được gọi là công ty của những cụ bà. Nhưng cách làm việc của những phụ nữ này không già chút nào. Như nhiều người trung niên, cao tuổi khác ở Nhật Bản, họ vẫn hăng say làm việc khi xứ Phù tang đang đối mặt tình trạng già hóa dân số.

Các nhân viên dọn tàu Shinkansen được mệnh danh là đội dọn tàu nhanh và hiệu quả nhất thế giới. Nhân viên của Tessei được chia thành các nhóm, mỗi nhóm gồm 22 người thay nhau làm việc. Ga trung tâm Tokyo mỗi ngày đón hơn 200 chuyến tàu đi và đến, với khoảng cách giữa các chuyến trung bình 4 phút. Mỗi nhóm nhân viên dọn trung bình hơn 100 chuyến tàu mỗi ngày. Những ngày cao điểm, họ phải dọn tới 168 chuyến.

Dù làm công việc không đặc biệt nhưng những người dọn tàu Shinkansen đã gây ấn tượng mạnh với lãnh đạo các nước đến thăm Nhật cũng như báo chí khắp thế giới trong những năm qua. Nỗ lực của họ đã được CNN khắc họa trong chương trình “Phép màu 7 phút” và trở thành cảm hứng cho cuốn sách bán chạy nhất “Những thiên thần dọn Shinkansen” của tác giả Isao Endo.

Sự hiệu quả của các “thiên thần” này góp phần đảm bảo sự đúng giờ cực kỳ cao của các tàu Shinkansen. Năm 2014, báo cáo của công ty đường sắt JR Centralcho biết, thời gian chậm chuyến trung bình của các tàu Shinkansen là 54 giây. Thời gian chậm trễ so với lịch trình chủ yếu do các nguyên nhân khách quan như thảm họa thiên nhiên.

Hàng không hụt hơi

Ngồi trong toa tàu, chúng tôi cảm nhận được sự thoải mái hơn cả ngồi trên máy bay vì các dãy ghế được đặt xa nhau hơn, khiến khách có thêm chỗ duỗi chân. Sự hiện đại, chỉn chu được chú ý đến từng chi tiết. Giống như tất cả nơi công cộng hay riêng tư khác ở Nhật, tàu Shinkansen cực kỳ sạch sẽ, không rác, không mùi, không vết bẩn, không xô bồ, không có chuyện điện thoại hay tâm sự riêng tư ầm ĩ. 

Con tàu đưa chúng tôi từ Tokyo về Shizuoka, tỉnh nằm cách thủ đô khoảng 180km về phía tây nam, chạy vun vút rời xa thành phố, qua những cánh đồng lúa, ngọn đồi, những ngôi nhà Nhật Bản kiểu truyền thống nằm rải rác. 

60 phút ngồi trên con tàu tiện nghi và văn minh có thể là giấc ngủ ngắn với người mệt mỏi hoặc cơ hội cho du khách nắm bắt nhanh phong cảnh từ thành phố đến đồng quê, từ hiện đại đến truyền thống. Vun vút lướt qua ô cửa sổ là những dòng nước mưa chạy ngang.

Đi máy bay trên mặt đất ảnh 1

Một tàu siêu tốc Shinkansen dừng ở nhà ga Tokyo. Ảnh: T.G

Tàu Shinkansen còn được gọi là “bullet train”, vì hình dáng con tàu với phần đầu thuôn gọn lao nhanh như những viên đạn vụt ra khỏi nòng súng, với tốc độ tối đa lên tới tới 320km/h.

Trong khi hệ thống tàu ở nhiều nước, như Việt Nam, tụt hậu nhiều so với đường không và đường bộ, các hãng hàng không Nhật Bản đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trên những chặng ngắn vì tàu Shinkansen vừa nhanh vừa an toàn, vừa dịch vụ tốt, vừa tiện lợi vì không phải chờ đợi lâu hay làm thủ tục rườm rà, cho dù giá vé không rẻ (hơn 1 triệu đồng cho chặng từ Tokyo về Shinzuoka).


 Ngành vận tải đường sắt Nhật Bản đảm nhận việc vận chuyển 3/4 tổng số hành khách đi khắp đất nước. Đối mặt sự cạnh tranh gay gắt trên mặt đất, các hãng hàng không Nhật như All Nippon Airwaysbuộc phải thực hiện nhiều biện pháp như giảm thủ tục, bớt quy định và thời gian chờ đợi để dịch vụ hàng không hấp dẫn hơn với hành khách.

Trong lịch sử 50 năm có dư, các tàu Shinkansen  đã vận chuyển hơn 10 tỷ hành khách nhưng chưa xảy ra vụ tai nạn chết người nào vì trật bánh hay va chạm, cho dù Nhật Bản thường hứng chịu bão lớn và động đất. Tuy nhiên, có một số vụ tự tử do hành khách nhảy khỏi tàu hoặc vào lao tàu đang chạy. Vụ tự tử ầm ĩ nhất xảy ra ngày 30/6/2015, khi một hành khách tự thiêu trên tàu, khiến một hành khách khác thiệt mạng và 7 người bị thương nặng.

Các tàu Shinkansen góp phần tạo nên hệ thống giao thông công cộng cực kỳ phát triển và thuận tiện cho người dân. Là một doanh nhân sống lâu năm ở Nhật Bản, anh Nguyễn Đức Kính chia sẻ với tôi, dù công việc của anh rất bận rộn và phải đi lại nhiều, nhưng anh không thấy có nhu cầu phải mua ô-tô riêng,  dù điều đó nằm trong tầm tay của gia đình anh.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi máy bay trên mặt đất