Đi lên từ thâm canh, tăng vụ

29/04/2012 10:15

Nhiều vùng thâm canh rau màu với những công thức luân canh đa dạng mang lại giá trị sản xuất 175 - 584 triệu đồng/ha/năm.


Xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) hiện có 20 ha chuyên canh cà chua cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, cà chua vụ xuân hè sắp cho thu hoạch. Trong ảnh: Chị Đinh Thị Nga ở thôn Đông Giàng chăm sóc cà chua  Ảnh: Minh Anh

Thu lãi cao

Xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) hiện có 20 ha chuyên canh cà chua, chiếm 15% tổng diện tích đất canh tác. Vùng chuyên canh cà chua bắt đầu hình thành từ năm 1996 khi nhiều hộ dân lập vườn chuyển đổi để canh tác, nuôi lợn, cá. Ban đầu, xã chỉ có ít hộ trồng cà chua. Từ năm 2000 trở lại đây, do nhu cầu của thị trường về cà chua trái vụ cao nên nhiều hộ dân tích cực thâm canh loại cây này. Đến nay, toàn xã có 256 hộ chuyên canh cà chua trái vụ. Mỗi năm, nông dân Thượng Đạt chuyên canh 2 vụ cà chua. Vụ thứ nhất từ tháng 7 năm trước tới tháng 1 năm sau, vụ thứ hai từ tháng 2 đến tháng 6. Để hạn chế sâu, bệnh hại, sau một thời gian chuyên canh 2 vụ cà chua, nhiều nông dân thực hiện luân canh cây trồng theo công thức: 1 vụ cà chua + 1 vụ rau màu hè. Nông dân Thượng Đạt chủ yếu trồng giống cà chua Savior. Do thâm canh nhiều năm nên giống cà chua này bị nhiễm bệnh héo xanh, rất khó chữa trị. Do vậy, vài năm gần đây, nhiều nông dân chuyển sang trồng giống cà chua Savior ghép trên gốc cà tím. Giống cà ghép chống chịu tốt với bệnh héo xanh, cho năng suất đạt 2,5 - 3 tấn/sào, cao hơn 0,5-1 tấn/sào so với cà chua không ghép. Năm 2011, toàn xã có 4 ha trồng cà ghép, dự kiến năm nay sẽ mở rộng thành 10 ha. Kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích chuyên canh cà chua tại xã Thượng Đạt cho giá trị sản xuất đạt 584 triệu đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận đạt 486 triệu đồng/ha/năm (tương đương lãi 17,5 triệu đồng/sào/năm). Nhiều nông dân đã bội thu nhờ trồng cà chua. Nhà anh Đỗ Quang Viết ở thôn Đông Giàng trồng 7 sào cà chua Savior. Mỗi năm, anh Viết trồng 2 vụ cà chua hoặc 1 vụ cà chua và 1 vụ rau màu hè. Mỗi vụ cà chua cho thu hoạch 3 đợt quả chính. Anh Viết cho biết: “Năm 2011, tôi thu lãi 140 triệu đồng từ trồng cà chua. Ở đây không loại cây trồng nào cho thu nhập cao bằng cà chua. Trồng cà chua có hiệu quả kinh tế cao vì giống tốt và tiêu thụ thuận lợi”.

Năm 1993, xã Đồng Gia (Kim Thành) thực hiện "dồn ô, đổi thửa". Kết quả, mỗi gia đình chỉ canh tác trên 1-2 thửa ruộng có diện tích khá lớn. Đây chính là tiền đề quan trọng để xã đẩy mạnh luân canh, tăng vụ sản xuất rau màu. Nông dân Đồng Gia đã canh tác theo phương châm "đa cây, đa con, đa vụ, gắn với tiến bộ khoa học và thị trường" bằng biện pháp "luân canh, xen canh, tăng vụ, gối vụ, trái vụ, lọt khe". Để chuyển đổi mùa vụ nhanh, UBND xã đã chỉ đạo thành lập các nhóm liên gia (mỗi nhóm 7-15 hộ) để giúp đỡ  nhau về lao động, kinh nghiệm sản xuất. Nông sản ở Đồng Gia được hàng chục đầu mối tư nhân tại địa phương đứng ra môi giới, thu mua để tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Lạng Sơn... Nông dân Đồng Gia đã chứng minh rằng, họ có thể làm giàu ngay trên mảnh ruộng của mình. Nhiều hộ dân thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ thâm canh rau màu. 

Cần nhân rộng

Để hình thành các CTLC cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao phải xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết, địa phương đó phải có quỹ đất thuận lợi cho canh tác rau màu, nông dân có kinh nghiệm sản xuất. Các khâu dịch vụ (giống, thủy lợi, phân bón, bảo vệ thực vật...) phải đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đặc biệt, sản phẩm làm ra được tiêu thụ dễ dàng, mang lại lợi nhuận cho nông dân.

Tại huyện Gia Lộc có 4 CTLC chính, gồm: 5 vụ rau màu (giá trị sản xuất đạt 389 triệu đồng/ha/năm); ngô giống + đậu tương (rau) + ngô giống (175 triệu đồng/ha/năm); lúa + dưa lê (dưa hấu) + cải bắp + rau (286 triệu đồng/ha/năm); lúa + đậu tương + cải dưa + cải bắp (214 triệu đồng/ha/năm). Khu C (Kim Thành) có 3 CTLC chủ yếu: 2 vụ dưa + 2 vụ rau (347 triệu đồng/ha/năm); 2 vụ lúa + 1 vụ củ đậu (239 triệu đồng/ha/năm); 1 vụ lúa + 2 vụ dưa + 1 vụ rau (314 triệu đồng/ha/năm). Những con số trên rất có ý nghĩa bởi tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất đất nông nghiệp bình quân đạt 115 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài những mặt tích cực, trong quá trình luân canh, tăng vụ, nhiều nông dân còn gặp một số khó khăn. Ông Đỗ Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Đạt cho biết: "Hiện nay, nguồn giống cà chua ghép trên gốc cà tím vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất cho nông dân. Nhiều nông dân muốn canh tác giống này nhưng không có đủ giống. Đường giao thông trong vùng chuyên canh vẫn là đường đất, đường gạch, gây khó khăn cho vận chuyển nông sản". Theo ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đồng Gia, do đất thâm canh nhiều vụ trong năm nên có thể bị bạc màu, ô nhiễm. Các cơ quan chức năng cần có khảo sát cụ thể để hướng dẫn nông dân cách xử lý đất, bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Ở một số vùng truyền thống canh tác rau màu trong tỉnh, hệ thống cơ sở hạ tầng (thủy lợi, giao thông) còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn có những thời điểm, nông dân bị thua lỗ vì sản phẩm làm ra không bán được...

Hiệu quả của việc luân canh, tăng vụ đã được khẳng định. Nông dân có thể làm giàu ngay trên mảnh ruộng của mình. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng diện tích, thâm canh rau màu, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các vùng chuyên canh, thâm canh rau màu. Làm tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất. Tích cực tìm thị trường tiêu thụ cho nông sản.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi lên từ thâm canh, tăng vụ