Đi họp phụ huynh, rưng rưng nghe con dặn ''bố mẹ đi làm ít lại''

28/09/2019 13:21

Đi họp phụ huynh đầu năm, nhiều người thấp thỏm lo không biết có những khoản nào cần đóng góp, con em mình có mắc lỗi gì không... Nhưng cô giáo khiến tất cả bất ngờ khi đọc ''điều ước'' của các em.


Những lá thư được đọc trong buổi họp phụ huynh khiến các bậc cha mẹ rưng rưng nước mắt

Đó là buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 12A của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Yên. Buổi họp được cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Huyền chuẩn bị khá kỹ càng. Cô phân công học sinh chuẩn bị nước nôi, trang trí phòng học nhìn sao cho thân thiện, ấm áp.

Cô kể cho học sinh nghe những câu chuyện về công lao trời biển của cha mẹ dành cho con cái. Rồi gợi ý cho các em viết ra những điều muốn nói với cha mẹ, những điều mà các em mơ ước và dặn các em hãy trang trí những lá thư, tấm thiệp thật đẹp, thật đáng yêu để gửi đến đấng sinh thành. Các em có thể ghi tên mình hoặc giấu tên cũng được.

Đi họp phụ huynh, ai cũng trong tâm trạng lo lắng, chuẩn bị tâm thế để nghe những khoản cần đóng góp, những nội quy, quy định của nhà trường, rồi những lỗi về học tập, rèn luyện mà con em mắc phải trong hai tuần học đầu năm rồi cam kết, rồi thực hiện.

Thế nhưng, mọi lo lắng được thay bằng cảm giác dễ chịu, ấm áp khi em Hờ Ý hát bài Gánh Mẹ của Quách Beem, Lưu Minh Tuấn. Tiếp đó cô giáo thông tin sơ bộ tình hình chung của lớp về vấn đề học tập và rèn luyện, chủ yếu là những mặt tích cực của các em.

Cô không nêu tên cụ thể học sinh để tránh mặc cảm cho phụ huynh của những em có kết quả chưa tốt. Một vài trường hợp cần trao đổi cô dành để gặp riêng từng phụ huynh sau. Bởi buổi họp hôm nay cô muốn làm một điều thú vị hơn. Cô muốn phụ huynh lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của con em mình.

Cô đọc tất cả 35 lá thư của các em cho phụ huynh nghe vì có một số cha mẹ của các em không biết chữ. Những bức thư là dòng tâm sự của các em gửi đến cha mẹ, những điều mà bình thường các em không có cơ hội để nói, không dám nói.

"Mong ước của em trong năm học lớp 12 là phải cố gắng học hành chăm chỉ, phải đậu tốt nghiệp. Em mong bố mẹ gọi cho em một hoặc hai lần trong một tuần để hỏi thăm sức khỏe và học như thế nào?".

"Mong ước lớp 12 này em đậu tốt nghiệp, đậu đại học. Mong bố mẹ gọi điện hỏi thăm con mỗi ngày, gửi đồ ăn ngon cho con. Hằng ngày bố mẹ đừng cãi nhau nữa. Có thời gian thì đưa nhau đi ăn, hâm nóng tình cảm vợ chồng. Mỗi tháng cho con về thăm nhà. Nếu con học không giỏi thì đừng la mắng con, đừng bao giờ hỏi con đã có người yêu chưa. Đừng bao giờ tiếc tiền khi bệnh tật. Con yêu bố mẹ".

"Điều con muốn nói là bố mẹ ở nhà hãy giữ gìn sức khỏe, đi làm ít lại. Con sẽ cố gắng tiết kiệm tiền để bố mẹ không phải lo lắng nhiều cho con và con sẽ giữ gìn sức khỏe tốt để học bài. Mong ước của con trong năm học này là con sẽ cố gắng đạt học sinh giỏi trong hai học kỳ. Con sẽ cố gắng học tập thật chăm chỉ, siêng năng hơn để có một kỳ thi đạt kết quả cao"…

Không gian như lắng lại, nhiều phụ huynh đã khóc. Khóc vì thương, vì lo cho đứa con phải đi học xa nhà, xa vòng tay cha mẹ. Có khi cả tháng con mới được về nhà một lần mà cha mẹ cũng không có điều kiện để xuống thăm. Khóc vì niềm vui khi nhận ra con mình đã lớn, đã biết tự chăm lo cho bản thân và biết nghĩ, biết thương cha mẹ nữa.

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền gửi tận tay từng phụ huynh lá thư mà đứa con yêu của họ viết. Cô tâm sự: "Xúc động lắm khi chứng kiến những người mẹ không biết chữ say mê nhìn lá thư con họ viết, những đôi bàn tay gân guốc, chai sần và rám màu sương gió cứ như muốn sờ từng con chữ rồi lại áp vào ngực đầy yêu thương".

Sau buổi họp phụ huynh, em Lê Mô Hà tâm sự: "Nhờ có buổi họp phụ huynh, nhờ cô chủ nhiệm đã kết nối mà em có cơ hội nói lên những suy nghĩ của mình với ba mẹ, từ đó ba mẹ hiểu và tin tưởng em hơn. Em thích có những buổi họp phụ huynh như thế và bố mẹ em cũng vậy".

Nghe lời tâm sự của cậu học trò, người viết những dòng này trộm nghĩ, giá như tất cả các giáo viên chủ nhiệm đều có cách tổ chức buổi họp phụ huynh một cách sáng tạo, đầy tính nhân văn như cô Huyền thì những buổi phụ huynh sẽ không còn nhàm chán, thay vào đó là nhịp cầu yêu thương, kết nối cha mẹ với các con.

Qua nhịp cầu ấy, những bậc làm cha làm mẹ biết được tâm tư, nguyện vọng và mơ ước của các con. Họ cũng hiểu, thông cảm, tin tưởng và gần gũi với các con hơn. Đó sẽ là động lực để các con vững bước trên con đường chinh phục tri thức.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Đi họp phụ huynh, rưng rưng nghe con dặn ''bố mẹ đi làm ít lại''