Đi hơn trăm cây số ra Hạ Long, khách đặt cọc thuê phòng ngậm đắng nuốt cay về tay trắng

16/07/2022 14:36

Nhiều du khách từ các tỉnh, thành mất tiền và ôm cục tức khi bị lừa chuyển khoản đặt cọc tiền thuê căn hộ, biệt thự hoặc các gói combo du lịch tại Quảng Ninh.

Nhiều du khách chia sẻ, cảnh báo trên các hội nhóm sau khi trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo

Chiêu trò lừa đảo này tuy không mới nhưng vào những dịp cao điểm du lịch vẫn thường xuyên có người trở thành nạn nhân, phải ngậm đắng khi bị mất số tiền từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng.

Đi hơn trăm cây số mới biết bị lừa

Hơn một tuần trôi qua, chị Trần Thị Ngọc Ánh (36 tuổi, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội) vẫn chưa "nuốt trôi" cục tức khi bị lừa mất tiền đặt tour du lịch Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Theo chị Ánh, số tiền bị mất chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng ức chế nhất là cả đoàn đã phải di chuyển hơn trăm cây số đến Quảng Ninh thì mới té ngửa biết mình bị lừa, khi đó là ngày cuối tuần cũng không tìm được phòng nên đành phải quay trở về.

"Lúc lên đường để đi Quảng Ninh thì vẫn liên lạc được với người ta bình thường và họ còn hẹn sẽ chờ ở chân đường cao tốc Hạ Long, nhưng khi đến nơi thì không liên lạc được. Nghĩ bực tức bởi họ xác định lừa thì tắt máy sớm để mình còn tìm phương án khác nhưng đây lại dong đến tận Hạ Long", chị Ánh hậm hực.

Có căn hộ chuyên cho du khách thuê ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, chị Vũ Thị Hiên cho biết hiện nay còn có tình trạng đối tượng lừa đảo kết bạn để lấy thông tin căn hộ của chủ nhà, sau đó dùng thông tin này để rao trên mạng xã hội nhằm lừa đảo.

"Thời gian gần đây có nhiều người gọi điện đến bắt tôi phải trả lại tiền cọc, sau này tìm hiểu ra mới biết là do họ bị lừa. Do tôi có tên, số điện thoại trong booking giữa họ và khách nên khi không liên lạc được với người đã nhận tiền thì họ réo mình", chị Hiên chia sẻ.

"Khách rất bức xúc nói mình không ra cái gì, đến giờ chắc họ vẫn nghĩ tôi lừa tiền của họ", chị Hiên nói thêm.

Theo những người làm du lịch tại Hạ Long, thời gian gần đây, rất nhiều khách và cả những người làm tour bị lừa lấy tiền đặt cọc căn hộ, phòng khách sạn và biệt thự cho du khách. Thủ đoạn chính vẫn là lập tài khoản trên mạng xã hội và rao cho thuê căn hộ, biệt thự của người khác.

Làm gì để không trở thành nạn nhân lừa đảo?

Bà Nguyễn Thị Thanh Thái, Trưởng Phòng Văn hóa và thông tin huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh - cho biết qua nắm bắt thông tin, đơn vị còn ghi nhận trường hợp khách bị mất số tiền cọc lên đến 23 triệu đồng khi đặt combo du lịch tại Cô Tô.

Theo bà Thái, lợi dụng nhu cầu của người dân đi du lịch tăng cao trong dịp nghỉ hè, nhiều đối tượng trên mạng xã hội đã chào mời các tour, combo du lịch giá rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên hoặc cộng tác viên của các công ty du lịch, hãng lữ hành hoặc khách sạn rồi ra sức chào mời, giục khách chuyển tiền đặt phòng, đặt vé tàu trước với lý do đang mùa cao điểm, nếu không đặt nhanh sẽ hết chỗ.

Không chỉ vậy, để thu hút sự chú ý của du khách, những kẻ lừa đảo này còn đưa ra mức giá rẻ hơn một chút so với mặt bằng chung hoặc hứa hẹn với khách là "còn phòng" trong những ngày cao điểm hoặc đặt được những khách sạn mà các đại lý khác không đặt được. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền chuyển khoản, các đối tượng này sẽ chặn mọi liên lạc với khách.

Du khách nên cẩn trọng khi đặt dịch vụ du lịch thông qua trung gian

Để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo, bà Thái khuyến cáo du khách nên đặt dịch vụ thông qua các công ty du lịch có uy tín, yêu cầu cung cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành, xác nhận ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa và một số giấy tờ chứng thực có giá trị pháp lý khác.

Khách cũng có thể đặt dịch vụ trực tiếp với các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch như tàu vận tải, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng... và đặt qua số điện thoại cung cấp trên các website hoặc số điện thoại của chủ cơ sở do cơ quan chức năng cung cấp.

Không nên đặt dịch vụ qua trung gian để tránh rủi ro cũng như bị mua cao hơn so với giá niêm yết và khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xác minh, xử lý nếu như khách bị lừa đảo.

Du khách cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua dịch vụ như biên lai thanh toán, email, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp dịch vụ làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết, quy định rõ trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý.

Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Bà Thái cũng cho biết hiện nay đơn vị đang phối hợp cùng cơ quan công an để xác minh, truy vết các đối tượng lừa đảo mà du khách phản ảnh.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi hơn trăm cây số ra Hạ Long, khách đặt cọc thuê phòng ngậm đắng nuốt cay về tay trắng